Chủ nhật, 24/11/2024 05:21 (GMT+7)
Thứ ba, 17/10/2023 14:26 (GMT+7)

Chưa đủ căn cứ pháp lý để giao EVN làm điện gió ngoài khơi

Theo dõi KTMT trên

Bộ Công Thương vừa có tờ trình Chính phủ về dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII. Trong đó nêu rõ do chưa có cơ sở pháp lý nên EVN cũng như doanh nghiệp trong nước chưa được triển khai dự án điện gió ngoài khơi.

Thiếu cơ sở pháp lý để thực thi

Cụ thể việc xác định dự án và doanh nghiệp trong nước triển khai dự án điện gió ngoài khơi thí điểm gặp nhiều khó khăn. Hành lang pháp lý cho phát triển điện gió ngoài khơi còn chưa rõ ràng (chưa phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia, chưa có căn cứ xác định phạm vi quản lý biển). 

Pháp luật về đầu tư chưa quy định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư điện gió ngoài khơi. Vì vậy Bộ chưa có cơ sở pháp lý để giao EVN và các doanh nghiệp trong nước triển khai các dự án điện gió ngoài khơi.

Chưa đủ căn cứ pháp lý để giao EVN làm điện gió ngoài khơi - Ảnh 1
Nguyên nhân chưa giao EVN làm điện gió ngoài khơi. 

Trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện lực sửa đổi đã đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư để quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi.

Trước mắt, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao EVN và các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, khảo sát về các điều kiện phát triển điện gió ngoài khơi, sẵn sàng triển khai khi có đủ cơ sở pháp lý để các cấp có thẩm quyền giao chủ đầu tư. 

Mục tiêu được đặt ra trong Quy hoạch điện VIII là đến năm 2030, điện gió ngoài khơi đạt công suất 6 GW.

Tương lai của điện mặt trời 

Trong dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, điện mặt trời cũng chưa xác định được danh mục dự án.  Bộ Công Thương cũng có nhiều văn bản báo cáo về các nguồn điện mặt trời tập trung đã phê duyệt quy hoạch, được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và giao chủ đầu tư từ năm 2022 đến nay.  

Mặt khác Bộ đã có văn bản lấy ý kiến của các địa phương về dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII và đề nghị rà soát các dự án điện theo 9 tiêu chí. Tuy nhiên đến ngày 12/10 mới có 9/11 địa phương có phản hồi. 

Theo Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện mặt trời dự kiến tăng thêm 4.100 MW, định hướng đến năm 2050, tổng công suất 168,594 - 189,294 MW, sản xuất 252,1- 291,5 tỷ kWh. Điện mặt trời mái nhà tăng thêm 2.600MW, điện mặt trời tập trung tăng thêm là 1.500 MW.

Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh có dự án tiếp tục rà soát theo các yêu cầu đã nêu tại Quyết định số 500/QĐ-TTg, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định 500/QĐ-TTg yêu cầu: “Đối với các dự án điện mặt trời đã được phê duyệt quy hoạch, đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và giao chủ đầu tư sẽ được xem xét tiến độ cụ thể trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về đầu tư và các quy định của pháp luật khác có liên quan, đảm bảo an ninh, cân đối các nguồn, phụ tải, phù hợp hạ tầng lưới điện, hiệu quả về kinh tế, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý. Các dự án điện mặt trời đã có quy hoạch trong giai đoạn 2021 - 2030 nhưng chưa giao chủ đầu tư thì chưa được phép triển khai mà xem xét sau năm 2030, trừ trường hợp triển khai theo hình thức tự sản, tự tiêu trên cơ sở không hợp thức hóa nếu có vi phạm về quy hoạch, đất đai và các quy định khác của pháp luật”.

Phạm Thu

Bạn đang đọc bài viết Chưa đủ căn cứ pháp lý để giao EVN làm điện gió ngoài khơi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới