Chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ sau cú ‘dằn mặt’ áp thuế 300 tỉ USD
Các chỉ số chứng khoán Mỹ như S&P 500, Dow Jones, Nasdaq… đều cắm đầu giảm mạnh hai phiên cuối tuần. Việc áp thuế đối với 300 tỉ USD hàng hoá Trung Quốc cho thấy cuộc chiến thương mại căng thẳng hơn, sẽ kéo dài tình trạng bấp bênh dễ “tổn thương” của thị trường vốn.
Thị trường chứng khoán Mỹ bất ngờ đảo chiều giảm rất mạnh trong hai ngày 1 và 2/8 ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp thuế bổ sung 10% đối với 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.
“Đàm phán thương mại đang tiếp tục và trong khi đàm phán, Mỹ sẽ bắt đầu áp thuế quan nho nhỏ 10% lên nốt 300 tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 1/9. Số này chưa bao gồm 250 tỉ USD hàng hóa đã bị áp thuế 25%", ông Donald Trump thông báo trên mạng xã hội Twitter.
Mối lo về một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc chưa kịp lắng dịu trong thời gian qua thì đến giờ lại “dậy sóng”, khiến những nhà đầu tư ở Phố Wall hoang mang, lo ngại về kịch bản diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán thời gian tới.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung căng thẳng hơn sẽ kéo dài tình trạng bấp bênh dễ “tổn thương” của thị trường vốn |
Phiên giao dịch ngày 1/8, các chỉ số chứng khoán Mỹ đều quay đầu giảm mạnh, trong đó, Dow Jones đóng cửa mất 1,05%, xuống còn 26.583,42 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,9%, còn 2.953,56 điểm. Nasdaq mất 0,79%, còn 8.111,12 điểm. Trong khi đầu phiên thị trường vẫn tiếp tục đà tăng tích cực nhờ thông tin hỗ trợ từ báo cáo kết quả kinh doanh khả quan của hàng loạt công ty lớn như: GM, Kellogg, Verizon, Yum Brands…
Hàng loạt cổ phiếu lớn bị bán mạnh, cắm đầu lao dốc. Đáng chú ý, cổ phiếu Apple đã giảm 2,2% do những lo ngại tác động lớn tới việc kinh doanh sản phẩm chủ lực của hãng này sau chính sách áp thuế 300 tỉ USD của ông Trump. Trong khi đó, các cổ phiếu Boeing, Nike, FedEx... cũng mất điểm từ 2% đến 4,2%.
Đến phiên giao dịch ngày 2/8, chứng khoán Mỹ vẫn chìm trong sắc đỏ, tâm lý hoảng sợ bao trùm khi nhiều cổ phiếu bị bán mạnh. Có thời điểm Dow Jones giảm tới 334 điểm, nhưng sau đó hồi phục nhẹ và đóng cửa phiên ở mức 26.485 điểm, giảm tiếp 98,41 điểm so với đóng phiên hôm trước. Chỉ số S&P 500 đóng cửa phiên cuối tuần giảm 0,7%, xuống mốc 2.932 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa đã giảm tiếp 1,3% xuống chỉ còn 8.004 điểm.
Trong tuần qua, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã giảm rất mạnh, Dow Jones giảm tới 2,6%, S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt sụt giảm 3,1% và 3,9%. Đây là tuần giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2019 đến nay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục áp thuế đối với 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc |
Nỗi sợ hãi bao trùm thị trường chứng khoán Mỹ khi căng thẳng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài chưa có hồi kết, nhất là khi Tổng thống Donald Trump liên tục đưa ra những quyết định bất ngờ vào phút chót và việc áp thêm 10% thuế đối với 300 tỉ USD hàng hoá Trung Quốc là cú "dằn mặt" tiếp theo.
Chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi của nhà đầu tư đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 6. Với nỗi lo căng thẳng kéo dài từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các nhà đầu tư ở Phố Wall còn lo ngại báo cáo về việc làm và tiền lương của Bộ Lao động nước này. Cụ thể, mức tiền lương tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn dự báo từ Dow Jones là 0,1%. Tiền lương mạnh là một chỉ báo về sự gia tăng lạm phát.
Ông Joseph Quinlan, Giám đốc đầu tư thuộc Merrill and Bank of America Private Bank đánh giá: “Nỗi lo lớn nhất đối với giới đầu tư là họ nhận ra rằng chiến tranh thương mại đã trở thành một vấn đề có tính hệ thống và sẽ kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc”. Bởi theo ông Quinlan, thị trường vốn không thích sự bấp bênh, mà thời điểm hiện tại “là đỉnh điểm của sự bấp bênh”.
Không chỉ mối lo ngại từ cuộc chiến thương mại, mà hôm thứ Tư, thị trường chứng khoán Mỹ còn giảm mạnh sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell thông báo hạ lãi suất 0,25% và có thể không giảm thêm lãi suất trong năm nay. Mức cắt giảm lãi suất này thấp hơn kỳ vọng và dự báo sẽ giảm 0,5% đưa ra trước đó, khiến Tổng thống Trump cũng bày tỏ “thất vọng” sau những nỗ lực kêu gọi FED mạnh tay hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Mỹ đang chững lại.
Kim Anh