Thứ năm, 28/11/2024 01:02 (GMT+7)
Chủ nhật, 05/05/2024 14:46 (GMT+7)

Chuyện chưa kể về "đảo ma" Voz, nạn nhân của chất thải sinh học thời kỳ Liên Xô

Theo dõi KTMT trên

Từ một hòn đảo xinh đẹp dồi dào hải sản, đảo Voz đã biến thành một hoang đảo, một thị trấn ma không có người sinh sống, thậm chí không còn bóng dáng của một cánh chim bay lượn.

Giữa vùng biển Trung Á hoang vắng, ít ai biết đến sự tồn tại của một hòn đảo ma mang tên Voz, bởi nó ẩn chứa bí mật đen tối về một vùng đất thải sinh học đầy rẫy những nguy hiểm chết chóc. Từng là nơi sinh sống nhộn nhịp của một thị trấn đánh cá nhưng dần dần đảo Voz đã trở thành một vùng đất chết bị cách li với cả thế giới. Phải chăng điều gì đó tồi tệ đã xảy ra với đảo Voz?

Sự ra đời của hòn đảo với tên gọi mỹ miều

Chuyện chưa kể về "đảo ma" Voz, nạn nhân của chất thải sinh học thời kỳ Liên Xô - Ảnh 1
Đảo Voz từng là nơi trú ngụ của các ngư dân.

Nằm trên biển Aral, đảo Voz trước kia thuộc về Liên Xô cũ. Ngày nay, nó chính là khu vực giao giữa hai quốc gia Kazakhstan và Uzbekistan. Đảo Voz trước kia có tên gọi đầy đủ là Vozrozhdeniya, trong tiếng Nga có nghĩa là Hồi sinh. Vì thế, đảo Vozrozhdeniya còn được biết đến với tên gọi đảo Hồi sinh hay đảo Phục hưng. Tuy nhiên, trái ngược với tên gọi đầy ý nghĩa đó, đảo Voz lại trở thành một vùng đất tử thần kể từ khi trở thành trung tâm thí nghiệm vũ khí sinh học tuyệt mật của Liên Xô cũ vào những năm 1930.

Quay trở lại năm 1848, đảo Voz đã được A. Butkov phát hiện trong chuyến khám hiểm vùng biển Aral. Nơi đây không có nguồn nước ngọt nhưng lại dồi dào hải sản, là nơi trú ẩn an toàn cho quần thể linh dương saiga và chim nước nên cũng được coi là nơi có thể tồn tại sự sống. Có lẽ đây chính là lý do khiến đảo được đặt tên là Hồi sinh, Phục hưng. Đến đầu thế kỷ 20, một khu định cư nhỏ đã xuất hiện trên đảo với những ngôi nhà dừng chân tạm thời cho ngư dân và một nhà máy chế biến cá.

Quá khứ đen tối của hòn đảo vốn rất xinh đẹp và trù phú

Cuộc sống êm đềm trên đảo Voz vẫn cứ thế tiếp diễn cho đến năm 1933, Liên Xô thành lập Viện Khoa học Quân y với nhiệm vụ tạo ra vaccine phục vụ quân sự và nghiên cứu các chủng bệnh nguy hiểm. Việc thực hiện những dự án nghiên cứu như thế này ở khu vực đông dân cư sinh sống là rất nguy hiểm nên đảo Voz đã được lựa chọn làm nơi thí nghiệm vì có lợi thế về mặt chiến lược cho các hoạt động nghiên cứu mang tính bí mật như vậy. Nằm ở vị trí xa xôi, khó tiếp cận và cách xa khu dân cư, đảo Voz cách thị trấn Muynak và Aralsk ít nhất 150km và không có du khách vãng lai tới đó. Vào mùa hè, nhiệt độ trên đảo thường vượt trên 40 độ C. Đây là nhiệt độ lý tưởng để vô hiệu hóa các loại virus và vi khuẩn.

Vì những điểm cộng đó, đảo Voz hoàn toàn phù hợp để trở thành trung tâm nghiên cứu chương trình vi khuẩn học của Viện Khoa học Quân y Liên Xô vào năm 1936. Mới đầu, viện khoa học đã thử nghiệm các tác nhân gây bệnh than, sốt thỏ, tả, dịch hạch, đậu mùa... đồng thời cũng thử nghiệm vaccine chống lại những căn bệnh này. 

Qua một vài biến động, đến năm 1948, một khu phức hợp khoa học và quân sự mang tên Barkhan đã được xây dựng trên đảo Voz. Tất cả ngư dân đã được sơ tán hết khỏi đảo và không được lại gần. Cách đó không xa, thị trấn Kantubek với mã danh Aralsk-7 cũng ra đời. Đó là nơi ở cho các nhà khoa học, quân nhân và gia đình của họ. Trên bản đồ, Aralsk-7 không hề tồn tại vì đây là một dự án tuyệt mật của Liên Xô cũ. Chỉ biết rằng, thị trấn Aralsk-7 là một khu gồm có 15 tòa nhà 3 tầng, câu lạc bộ văn hóa, quán ăn, cửa hàng, sân vận động, khu diễu hành và nhà máy điện riêng.

Chuyện chưa kể về "đảo ma" Voz, nạn nhân của chất thải sinh học thời kỳ Liên Xô - Ảnh 2
Một tòa nhà của dân cư tại thị trấn Aralsk-7 năm xưa.

Cuộc sống ở Aralsk-7 vẫn diễn ra bình thường như trong đất liền. Ban ngày cha mẹ làm việc tại phòng thí nghiệm, trẻ em được tới trường. Buổi tối, các cư dân tập trung tại câu lạc bộ văn hóa xem phim hay cuối tuần thì dã ngoại bên bờ biển. Trong khi đó khu quân sự Barkhan vẫn được quân đội bảo vệ nghiêm ngặt.

Vào thời điểm đó, đảo Voz nhìn từ bên ngoài vẫn là một thiên đường đáng sống nơi đảo xa nhưng sâu bên trong lại là nơi đáng sợ và nguy hiểm nhất ở Liên Xô. Trong khu phòng thí nghiệm có mật danh PNIL-52, những virus gây bệnh và biến thể do con người tạo ra có ở khắp nơi trong không khí và đất. Tại một khu vực cách phòng thí nghiệm PNIL-52, các động vật như ngựa, cừu, chó, chuột, khỉ, tinh tinh... đều không may trở thành nạn nhân của các cuộc thử nghiệm vũ khí sinh học. Các chủng virus được phát tán qua máy bay hoặc bom, trong khi các động vật nhỏ bé bị trói nhốt để các nhà khoa học nghiên cứu tốc độ lây lan và phát triển của bệnh. 

Từ một thị trấn đảo nhộn nhịp đến vùng đất chết không bóng người

Có lẽ các nhà khoa học ở PNIL-52 cũng không thể ngờ rằng Aralsk-7 lại là một vùng đất tàng ẩn chết chóc đến như thế. Trong vòng hơn 50 năm, các mầm bệnh nguy hiểm như bệnh than, dịch hạch, đậu mùa, sốt thỏ và nhiều bệnh khác đã được thử nghiệm trên đảo Voz. Các mẫu vũ khí sinh học được từ khắp các thành phố bí mật của Liên Xô cũ. 

Vào những năm 1970, tại đảo Voz đã xuất hiện nhiều cái chết bất thường liên quan tới vấn đề sức khỏe. Năm 1971, một nữ nhà khoa học trẻ đã bị ốm ngay sau khi tàu nghiên cứu của cô bị bao phủ bởi một đám bụi màu nâu. Chỉ vài ngày sau đó, cô được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa mặc dù trước đó đã tiêm phòng. Sau đó, dù đã khỏi bệnh nhưng cô vẫn lây virus đậu mùa cho thêm 9 người khác khiến 3 người tử vong. Đến năm 1972, người ta phát thấy thấy hài cốt của 2 ngư dân mất tích trên chiếc thuyền trôi dạt vào gần đảo. Nguyên nhân có thể là do bệnh đậu mùa hoặc dịch hạch. Sau thời gian đó, các quần thể cá địa phương cũng bắt đầu chết hàng loạt một cách bí ẩn.

Chuyện chưa kể về "đảo ma" Voz, nạn nhân của chất thải sinh học thời kỳ Liên Xô - Ảnh 3
Những con thuyền bị bỏ hoang ở đảo Voz.

Tình hình bắt đầu trở nên trở nên thực sự nghiêm trọng vào năm 1979 khi một làn bụi thải ra từ ống khói của khu quân sự gần thành phố Sverdlovsk, nay là thành phố Yekaterinburg của Nga lan rộng trên bầu trời. Trong vài tuần sau đó, 80 người dân nơi đây đã mắc triệu chứng như bệnh cúm nhưng nhanh chóng phá hủy cơ thể hơn sau đó. Họ bị suy nội tạng và xuất huyết nghiêm trọng. Bi kịch xảy ra khi 68 người trong số đó đã tử vong. Mọi người đều nhận ra đây không phải là một căn bệnh thông thường. Có tin cho rằng, vi khuẩn bệnh than đã bị rò rỉ ra từ đó nhưng chính quyền Liên Xô vẫn một mực phủ nhận. Vào thời điểm đó, bệnh than là một trong những căn bệnh gây chết người nguy hiểm nhất của nhân loại.

9 năm sau vụ rò rỉ vi khuẩn bệnh than, tức là vào năm 1988, Liên Xô mới chính thức ngừng hoạt động nghiên cứu vũ khí sinh học. Khu quân sự Barkhan trên đảo Voz được biến thành nơi chôn cất vũ khí sinh học mang mã hiệu Anthrax-836 và xác chết của động vật thí nghiệm. Khoảng 100 - 200 tấn chất thải  chứa vi khuẩn bệnh than trộn lẫn với chất khử trùng đã được vận chuyển đến đảo Voz bằng xà lan, sau đó đổ vào các hố nông để xử lý vội vàng. Lượng lớn chất thải này đã bị vứt bỏ ở đảo mà không có biện pháp giám sát và phòng ngừa sau đó. Cũng trong năm 1988, một thảm khốc đã xảy ra khi gần 50 nghìn con linh dương saiga đang chăn thả ở gần Barkhan bỗng ngã gục và chết trong vòng chỉ 1 giờ đồng hồ. Thời đại phát triển, dự án phát triển vũ khí sinh học đã trở nên lỗi thời nên Barkhan hay Aralsk-7 cũng không còn quan trọng. Sau sự sụp đổ của Liên Xô thì đến năm 1992, toàn bộ cư dân đã được sơ tán, Aralsk-7 trở thành thị trấn ma kể từ đó.

Những nguy cơ chết người tiềm ẩn trên hòn đảo tử thần

Các nhà khoa học Mỹ đã ghé thăm thị trấn Aralsk-7 vào năm 1995 theo lời mời của chính phủ Uzbekistan và Kazakhstan để tiến hành nghiên cứu về các chất thải độc hại được chôn ở đó. Kết quả nghiên cứu những năm 1995, 1997, 1999 và 2002 cho thấy, bào tử và vi khuẩn bệnh than vẫn sống sót mặc dù đã được khử trùng ở khu chôn cất và tồn tại giữa nhiệt độ nóng trên 40 độ C. Sau đó, Mỹ đã cam kết chi 6 triệu USD cho dự án làm sạch hoang đảo Voz trong vòng 4 tháng. Khu bãi chôn đã được khử trùng bằng bột tẩy mạnh trong 6 ngày để loại bỏ bào tử và vi khuẩn bệnh than.

Một chuyên gia về bệnh than cho biết, các dấu vết của vi khuẩn vẫn sẽ tồn tại, đặc biệt là hố chôn xác động vật bị nhiễm bệnh. Nếu chôn động vật ở độ sâu ít hơn 2m, bào tử vi khuẩn bệnh than sẽ trôi ngược lại vào đất khi có lũ lụt hoặc giun đất chính là tác nhân phát tán bào tử này lại vào đất. Loại vi khuẩn sống như một bào tử và có khả năng tồn tại tới 200 năm trong lòng đất.

Mặc dù đã được đầu tư khử trùng khu bãi chôn nhưng không gì có thể đảm bảo vi khuẩn sẽ tiếp tục rò rỉ ra khỏi bãi chôn. Chưa kể đến toàn bộ hòn đảo Voz đã bị ô nhiễm sau nhiều thập kỷ thử nghiệm ngoài trời. Vấn đề khử trùng một cách triệt để vẫn còn là một thách thức với các nhà khoa học hiện nay. Ngày nay, đảo Voz đã được mở rộng diện tích gấp 10 lần và nối với đất kiền như một bán đảo nhưng vẫn không ai dám lại gần. Đối với người dân địa phương, Voz vẫn là một nơi hết sức nguy hiểm và nên tránh xa. Sự im lặng đến ghê rợn bao trùm khắp hoang đảo. Nơi đây không còn dấu vết của bất kỳ loài chim chóc hay côn trùng nào, thị trấn Aralsk-7 và khu quân sự Barkhan năm nào cũng bị chính quyền Uzbekistan phá hủy, chỉ còn lại duy nhất một sân bay quân sự. Hình ảnh lạc lõng ấy giống như một lời cảnh báo cho nhân loại đừng nên lại gần khu vực này.

Chuyện chưa kể về "đảo ma" Voz, nạn nhân của chất thải sinh học thời kỳ Liên Xô - Ảnh 4
Những gì còn sót lại của chính quyền Liên Xô cũ.
Chuyện chưa kể về "đảo ma" Voz, nạn nhân của chất thải sinh học thời kỳ Liên Xô - Ảnh 5
Những tàn tích này cuối cùng cũng được dọn dẹp sạch vào năm 2021.

Theo: Tổng hợp

Gia Tuệ

Bạn đang đọc bài viết Chuyện chưa kể về "đảo ma" Voz, nạn nhân của chất thải sinh học thời kỳ Liên Xô. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Masan 2024: Tích cực với mảng cốt lõi tiêu dùng bán lẻ
Năm 2024 là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế xã hội Việt Nam, mặc dù được đánh giá tốc độ phục hồi không quá nhanh nhưng thị trường tiêu dùng bán lẻ đã bước đầu có những tín hiệu khả quan và dự báo có tiềm năng bứt phá hơn trong thời gian tới.
Chi tiết việc sáp nhập xã, phường tại Bắc Ninh
Sau khi sáp nhập tỉnh Bắc Ninh sẽ có 8 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 4 huyện, 2 thị xã và 2 thành phố; 121 đơn vị hành chính cấp xã gồm: 66 xã, 50 phường và 05 thị trấn (giảm 05 đơn vị hành chính cấp xã).

Tin mới