Thứ tư, 18/12/2024 10:24 (GMT+7)
Chủ nhật, 20/10/2019 10:27 (GMT+7)

Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam - Bài 2: Phát triển năng lượng tái tạo tại ĐBSCL

Theo dõi KTMT trên

Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, với tiềm năng nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào thời kỳ phát triển điện mặt trời mạnh mẽ. Đặc biệt An Giang, Bạc Liêu là những tỉnh đi đầu trong ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo có sẵn (điện gió, điện Mặt trời).

Trong đó, nguồn năng lượng mặt trời được lựa chọn là một trong những nguồn năng lượng tái tạo thay thế trong chiến lược phát triển năng lượng của 2 tỉnh này, với bức xạ mặt trời nằm trong khoảng trên 4,8 - 5,1 kWh/m2/ngày. Tuy vậy, hiện vẫn còn gặp nhiều thách thức trong cơ chế mua bán điện mặt trời áp mái; thiếu nguồn tài chính; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng (lưới điện, cầu đường, giao thông)….

Vẫn nhiều vướng mắc

Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam - Bài 2: Phát triển năng lượng tái tạo tại ĐBSCL - Ảnh 1
Thi công lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái nhà tại hộ dân trên địa bàn tỉnh Long An.
Ảnh: Thanh Bình/TTXVN

Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết: Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã có 120 hộ đầu tư lắp điện mặt trời áp mái với tổng công suất là 650 kWp (trong đó có 5 hộ đầu tiên được Công ty Điện lực Bạc Liêu hỗ trợ 6 triệu đồng/hộ).

Tuy vậy, số lượng các dự án điện mặt trời áp mái được đầu tư trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa phản ánh được tiềm năng của loại hình điện sạch này. Nguyên nhân là do nhận thức và hiểu biết của người dân về điện mặt trời áp mái còn hạn chế; chi phí đầu tư cho điện mặt trời áp mái còn tương đối cao (khoảng 15-20 triệu đồng/1kWp); các chính sách hỗ trợ đầu tư điện mặt trời áp mái chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Bên cạnh đó, đối với các hộ gia đình đầu tư điện mặt trời áp mái không nối lưới, phải sử dụng hệ thống bình ắc-quy (tuổi thọ của ắc-quy chỉ khoảng 2 năm; chi phí cho ắc-quy tương đối cao) đây cũng là một khó khăn khiến nhiều hộ gia đình chưa mạnh dạn lắp đặt điện mặt trời áp mái...

Hiện tại tỉnh Bạc Liêu có tổng số 24 dự án điện gió, với tổng quy mô công suất là 4.449,8MW. Trong đó, gồm 2 dự án đang vận hành, công suất là 99,2MW; đã được phê duyệt quy hoạch 4 dự án, công suất là 292MW; đang trình bổ sung quy hoạch 18 dự án, công suất là 4.058,6 MW.

Việc truyền tải công suất các dự án nhà máy điện gió đã được phê duyệt quy hoạch và đang trình xin phê duyệt bổ sung quy hoạch gặp nhiều khó khăn do các công trình đường dây và Trạm biến áp 110 kV trong khu vực chậm thực hiện, các công trình đường dây và Trạm biến áp 220 kV theo quy hoạch dự kiến thực hiện trong năm 2023.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh chưa có lưới điện 500kV để truyền tải các dự án điện gió cũng như dự án điện khí LNG Bạc Liêu (công suất 3.200 MW). Hệ thống lưới truyền tải cao thế của khu vực bán đảo Cà Mau nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng còn rất thiếu và yếu; tiến độ xây dựng lưới truyền tải chậm thực hiện. Trong thời gian tới, nếu phát triển thêm các dự án năng lượng theo quy hoạch, nhất là các dự án công suất lớn thì đây là sẽ là một trong những vướng mắc lớn nhất.

Bên cạnh đó, lưới điện phát triển theo quy hoạch điện lực chưa tính hết sự thâm nhập lớn của nguồn năng lượng điện gió trên địa bàn tỉnh, dẫn đến khả năng lưới điện không đảm bảo hấp thụ hết toàn bộ sản lượng điện phát của các nguồn điện gió trong tương lai, gây quá tải lưới cục bộ, tổn thất điện năng và ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện cho phụ tải điện của tỉnh.

Cũng tương tự như tình trạng của tỉnh Bạc Liêu, ông Mai Chí Cường, chuyên viên Phòng Quản lý Năng lượng, Sở Công Thương An Giang nhận xét, hiện trên địa bàn tỉnh có 10 dự án đầu tư Nhà máy điện mặt trời với tổng công suất khoảng 780MWp tập trung tại các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và Châu Thành.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 4 dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời đi vào hoạt động, phát điện thương mại với tổng công suất 214 MWp và 6 dự án còn lại đang trình Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt.

Riêng điện mặt trời áp mái lắp cho các cơ sở, doanh nghiệp, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã đấu nối với lưới điện với tổng công suất khoảng 600kWp. Có 5 dự án đầu tư Nhà máy điện gió với tổng công suất khoảng 550MW tập trung các huyện Thoại Sơn và Tri Tôn. Hiện nay, các dự án này đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương nghiên cứu, khảo sát, lắp đặt và thu thập kết quả đo gió.

Cùng với các dự án xây dựng nhà máy quy mô lớn, các hình thức ứng dụng công nghệ tận dụng năng lượng mặt trời phát điện đang được chính quyền, cơ quan chức năng, khuyến khích phổ biến rộng rãi trong sinh hoạt, sản xuất khắp các địa phương.

Mô hình điện mặt trời áp mái tại tỉnh An Giang các cơ sở, doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư lắp đặt đấu nối với lưới điện, tổng công suất đạt khoảng 600kWp, ở các đô thị trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang phổ biến.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều thách thức do chi phí công nghệ và giá mua điện cao so với giá điện thông thường; đền bù, giải phóng mặt bằng và các xung đột trong sử dụng đất đai; khả năng đấu nối các dự án vào hệ thống lưới điện quốc gia; cơ chế mua bán điện mặt trời áp mái, thiếu nguồn tài chính…

Cần đầu tư hệ thống truyền tải

Để có hướng khắc phục tình trạng trên, theo ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bạc Liêu, cần tập trung nguồn lực để đầu tư hệ thống truyền tải đáp ứng yêu cầu phát triển điện gió cũng như dự án điện khí LNG Bạc Liêu (công suất 3.200 MW) trên địa bàn tỉnh. Cụ thể về bổ sung quy hoạch điện Quốc gia, đầu tư cải tạo lưới điện truyền tải, đầu tư các công trình đường dây và Trạm biến áp 110 kV theo quy hoạch...

Theo đó, đề nghị Tổng Công ty Điện lực Miền Nam đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đường dây và Trạm biến áp 110 kV Bạc Liêu 2 - Hòa Bình - Đông Hải, công trình đường dây và Trạm biến áp 110 kV Bạc Liêu 2 - Vĩnh Châu nhằm phục vụ đấu nối các dự án điện gió theo quy hoạch; sớm triển khai đầu tư công trình đường dây và Trạm biến áp 110 kV Hiệp Thành.

Ông Lê Hải Đăng, Trưởng Ban Chiến lược, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho rằng, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cần phải có các giải pháp, tính toán, xác định giới hạn công suất truyền tải trên đường dây 500kV Bắc Nam; bổ sung thêm các hệ thống bảo vệ đặc biệt (sa thải phụ tải theo điện áp, theo giới hạn ổn định); đồng thời, nghiên cứu khả năng ứng dụng thiết bị tích trữ năng lượng.

Hiện các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn trên thế giới cũng như ngân hàng lớn đang tập trung đầu tư, nghiên cứu sáng tạo ra hệ thống lưu trữ mới, đảm bảo môi trường. Khi hệ thống lưu trữ điện phát triển, thương mại hoá, giá hành hợp lý… năng lượng tái tạo có tương lai tươi sáng hơn.

Hơn nữa, trong thời gian tới điện mặt trời ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phổ biến mạnh mẽ hơn nếu có chính sách miễn giảm thuế và khuyến khích đầu tư từ Chính phủ, người dân được ưu đãi giá đầu tư lắp đặt pin mặt trời, được thông tin rõ hơn về chính sách đầu tư, được huấn luyện kỹ năng quản lý - vận hành và dịch vụ bảo trì, tư vấn, thay thế thiết bị điện mặt trời.

Bạn đang đọc bài viết Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam - Bài 2: Phát triển năng lượng tái tạo tại ĐBSCL. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

6 “ông lớn” Nhà nước chuẩn bị về Bộ Công Thương
Bộ Công Thương chuẩn bị tiếp nhận 6 doanh nghiệp Nhà nước từ Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, gồm: Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Xăng dầu, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản và Tổng công ty Thuốc lá.

Tin mới