Chủ nhật, 24/11/2024 08:22 (GMT+7)
Thứ hai, 21/11/2022 05:50 (GMT+7)

Chuyển đổi số giúp hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng

Theo dõi KTMT trên

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động. Các ngân hàng Việt đang ngày càng nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường quản trị rủi ro để hoạt động an toàn hơn.

Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm 12 ngân hàng Việt Nam

Thông tin 12 ngân hàng Việt Nam được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's nâng mức xếp hạng được xem là điểm sáng trong bức tranh hoạt động ngân hàng gần đây. Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn duy trì được triển vọng đánh giá tích cực.

Cơ sở quan trọng để 12 ngân hàng được nâng mức xếp hạng tín nhiệm là nhờ sự ổn định kinh tế vĩ mô, khi tổ chức Moody's cũng nâng mức xếp hạng quốc gia của Việt Nam lên 1 bậc, từ mức Ba3 lên mức Ba2, với triển vọng ổn định.

Chuyển đổi số giúp hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng - Ảnh 1

Các ngân hàng Việt đang ngày càng nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường quản trị rủi ro để hoạt động an toàn hơn. (Ảnh minh họa)

Có thể nói, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là 1 trong 4 quốc gia trên toàn thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm.

Cụ thể, 8 ngân hàng được nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn. 7 ngân hàng được nâng hạng về rủi ro đối tác và đánh giá rủi ro đối tác.

Việc nâng xếp hạng các ngân hàng phản ánh khả năng hỗ trợ của Chính phủ mạnh mẽ hơn trong thời điểm căng thẳng, Moody's cho hay.

Ông Nguyễn Duy Anh, Trưởng phòng Quản Lý Danh mục Đầu tư Công ty Quản lý quỹ VCBF nhận định về sức khỏe của các ngân hàng trong những năm qua cho biết: "Sức khỏe của các ngân hàng trong thời điểm hiện tại đã tốt hơn cách đây 10 năm rất nhiều. Điều đó thể hiện qua tỷ suất sinh lời, tỷ lệ vốn, an toàn vốn cũng như vốn điều lệ của các ngân hàng tăng rất mạnh. Tại thời điểm năm 2012, khi Ngân hàng Nhà nước tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, tỷ lệ vốn vay trên vốn huy động của toàn hệ thống là 98%, tỷ lệ này tốt hơn trước năm 2012 rất nhiều.

Trước năm 2012, phần lớn trên 100% các ngân hàng cho vay nhiều hơn số họ huy động được, cho thấy sức khỏe cách đây 10 năm tương đối yếu. Tuy nhiên đến giai đoạn hiện tại, tỷ lệ này chỉ còn 74% cho đến tháng 6/2022. Do đó, chúng ta có thể thấy hệ thống ngân hàng đã khỏe lên rất nhiều".

Hiện Việt Nam có 20 ngân hàng được công nhận đạt chuẩn Basel II. Dù Basel II là yêu cầu cao nhất được Ngân hàng Nhà nước đặt ra hiện nay, nhưng nhiều ngân hàng cũng đã chủ động triển khai Basel III với nhiều tiêu chí khắt khe hơn. Điều này cũng đã đem lại một số lợi thế nhất định cho các ngân hàng thương mại.

Nhờ áp dụng sớm các chuẩn mực quốc tế, tỷ lệ an toàn vốn theo Basel III của TPBank đã trên 12,2% vào cuối tháng 6, cao hơn nhiều so với yêu cầu khoảng 8% của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) đến hết tháng 9 đạt gần 61%, an toàn hơn nhiều so với mức quy định là ở dưới 85%.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết: "Ngân hàng còn phải duy trì một số tỷ lệ, đặc biệt là quản trị về thanh khoản, tỷ lệ về sức chống chịu trước các rủi ro về thanh khoản hoặc ngân hàng cũng phải duy trì một tỷ lệ đảm bảo cho các khủng hoảng có thể xảy ra liên quan tới rủi ro vận hành, rủi ro tín dụng. Một khi ngân hàng đáp ứng được các chuẩn mực đó thì trong khủng hoảng, sức chống chịu của ngân hàng tốt hơn và ổn định hơn".

Các ngân hàng cho hay, dù phải duy trì lượng vốn dự trữ nhiều hơn, nhưng đổi lại đảm bảo thanh khoản, nâng cao năng lực quản trị, đồng thời mở ra cơ hội tiếp cận thị trường vốn quốc tế. Như ngân hàng VPBank, tỷ lệ an toàn vốn cũng đạt trên 15%.

"Basel III đưa ra một mức chuẩn cao hơn cho tính thanh khoản, cho sự ổn định của nguồn vốn, nhằm đảm bảo các ngân hàng có đủ nguồn tiền để vượt qua khủng hoảng. Các tiêu chuẩn của Basel III không chỉ tính toán ở thời điểm hiện tại, mà còn cả những dự đoán cho tương lai và quan trọng hơn cả là không chỉ ở tình trạng bình thường mà có tính trước đến cả những tình huống khó khăn", ông Dmytro Kolechko, Giám đốc Khối quản trị rủi ro VPBank, thông tin.

GS.TS. Trần Thọ Đạt, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định: "Hệ thống ngân hàng thương mại ngày càng tiến tới các chuẩn mực quốc tế, là điều kiện tiên quyết để đảm bảo giảm thiểu rủi ro mang tính hệ thống trong ngân hàng".

Việc triển khai Basel III từ sớm dù cơ quan quản lý chưa có lộ trình bắt buộc cho các ngân hàng thương mại cũng cho thấy tầm nhìn phát triển bền vững theo chuẩn quốc tế của các ngân hàng.

Để nâng cao hiệu quả quản trị, theo ông Nguyễn Duy Anh, Trưởng phòng Quản Lý Danh mục Đầu tư Công ty Quản lý quỹ VCBF, quan trọng nhất đối với hệ thống ngân hàng là việc phải chuẩn bị đủ nguồn vốn để thực hiện các hoạt động cho vay và cũng phải quản trị tốt các khoản vay.

Ông Nguyễn Duy Anh nhấn mạnh: "Các khoản vay phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn của quốc tế, khi đó chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn nước ngoài.

Nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng nhờ chuyển đổi số

Bên cạnh việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế, để nâng cao hiệu quả hoạt động, nhiều ngân hàng cũng cho biết là họ đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Dựa vào những tiến bộ công nghệ mới, nhiều nghiệp vụ ngân hàng sẽ giảm thiểu được nhiều rủi ro như là rủi ro về con người, hay rủi ro tín dụng..., đặc biệt là đơn giản thủ tục, qua đó, tối ưu được hiệu quả hoạt động.

Đơn giản thủ tục nhờ công nghệ, các ngân hàng cũng áp dụng chính công nghệ để tăng cường hiệu quả quản trị thông qua trí tuệ nhân tạo và hệ thống dữ liệu lớn. Các ngân hàng có cơ sở để chấm điểm tín nhiệm, xác định khả năng chi tiêu, trả nợ của từng khách hàng và đưa ra những sản phẩm phù hợp cho từng nhóm.

Các ngân hàng cũng cho biết đang tiếp tục nâng cấp công nghệ, tạo ra những phòng tuyến quản trị nhiều hơn, tăng cường giám sát để kịp thời cảnh báo và ngăn chặn những rủi ro phát sinh.

Ông Nguyễn Duy Anh, Trưởng phòng Quản Lý Danh mục Đầu tư Công ty Quản lý quỹ VCBF, đánh giá: "Với những ngân hàng đi đầu trong chuyển đổi số, hiệu quả hoạt động của họ sẽ tăng lên tương ứng. Vì việc áp dụng công nghệ như chatbox sẽ giúp các ngân hàng chăm sóc khách hàng hiệu quả hơn, qua đó giảm thời gian phản hồi khách hàng, giúp ngân hàng giảm chi phí chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, các công nghệ như phân tích dữ liệu lớn hoặc tự động hóa quy trình thủ công sẽ giúp các ngân hàng phát hiện và ngăn chặn sớm sai sót, gian lận trong giao dịch tài chính, qua đó giúp ngân hàng quản trị một cách hiệu quả hơn".

Khác với Basel II, chuẩn Basel III còn giúp các ngân hàng dự báo, đo lường trước những rủi ro trong tương lai, từ đó đưa ra các phương án quản trị hiệu quả. Việc được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá cao phản ánh quá trình nỗ lực của các ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thiểu các rủi ro. Đây là cơ sở quan trọng để các ngân hàng sẵn sàng đối mặt với các thách thức trong một thị trường nhiều biến động hiện nay.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Chuyển đổi số giúp hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới