Chuyển đổi số trong tiêu dùng - bán lẻ: Bài học từ doanh nghiệp lớn
Những năm gần đây, chuyển đổi số đang được các nước và khu vực trên thế giới đẩy mạnh phát triển. Hậu Covid-19, xu hướng chuyển đổi số lại càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Đây cũng là xu hướng phát triển tất yếu của Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Với nhiều doanh nghiệp, chuyển đổi số không còn là một lựa chọn, mà là giải pháp sống còn để duy trì và phát triển kinh doanh.
Xu hướng chuyển đổi số tại Việt Nam sau Covid-19
Việt Nam đang là một trong những quốc gia tập trung phát triển và ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi số. Chính phủ cũng liên tục đưa ra các chủ trương giúp doanh nghiệp đẩy nhanh chuyển đổi số. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, vừa phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản.
Công cuộc chuyển đổi số sẽ mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp. Trong báo cáo "Mở khóa tiềm năng kỹ thuật số của Việt Nam" của AlphaBeta, giá trị kinh tế hàng năm mà chuyển đổi số có thể mang lại lên đến 1.733 nghìn tỷ đồng (74 tỷ USD) cho Việt Nam vào năm 2030. Hàng loạt doanh nghiệp lớn đã manh nha chuyển đổi số từ rất lâu, trong đó có Masan – doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ hàng đầu Việt Nam
Masan tiên phong chuyển đổi số với Point of Life
Xuất phát điểm là tập đoàn chuyên sản xuất các mặt hàng tiêu dùng nhanh, từ khi mua lại chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart+, Masan đã bước chân vào lĩnh vực bán lẻ. Trong tương lai, Masan đặt mục tiêu sẽ biến điểm bán lẻ offline trở thành các kênh tiếp cận xuyên suốt từ online đến offline nhằm phục vụ không chỉ các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu mà còn các dịch vụ tài chính, viễn thông, chăm sóc sức khỏe... Từ đó, hệ sinh thái Point of Life của Masan sẽ giúp khách hàng tích hợp và quản lý thông tin khi sử dụng nhiều dịch vụ khác nhau.
Mục tiêu đẩy nhanh chuyển đổi số của Masan không chỉ vì xu hướng mới. Masan không muốn bị cuốn theo các xu hướng công nghệ hay những mỹ từ phức tạp. Khi thực hiện chuyển đổi, câu hỏi đầu tiên của Masan là cần giải quyết thách thức nào của thị trường. Và khi tìm ra câu trả lời, Masan sẽ vận dụng các hiểu biết và ứng dụng công nghệ để giải quyết thách thức đó. Ví dụ như khi Masan đặt mục tiêu phục vụ người tiêu dùng các trải nghiệm cá nhân hóa, và có thể là mở rộng sang lĩnh vực giải trí trên nền tảng số, tập đoàn cần ứng dụng big data (dữ liệu lớn) để giải quyết vấn đề này.
Và với hệ sinh thái tiêu dùng - công nghệ Point of Life, Masan sẽ cải thiện hoạt động kinh doanh cốt lõi và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đến người tiêu dùng một cách chính xác, thuận tiện, giúp người tiêu dùng và đối tác tiếp cận dễ dàng. “Masan sẽ không trở thành một công ty công nghệ như Google mà sẽ vận dụng công nghệ để giải quyết các nhu cầu lớn chưa được đáp ứng và mang lại lợi ích vượt trội, phụng sự người tiêu dùng.” ông Danny Lê, CEO của Masan Group đã chia sẻ về hành trình chuyển đổi số của Tập đoàn, tại Diễn đàn kinh doanh 2022 với chủ đề Tái tạo tăng trưởng do Forbes tổ chức.
Có cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức
Thế nhưng, dù là với doanh nghiệp lớn như Masan, việc chuyển đổi số cũng không phải không gặp thách thức. “Khi thử nghiệm mô hình mới, chúng tôi bắt đầu với từng bước nhỏ cẩn trọng và thất bại nếu có sẽ chỉ diễn ra trong phạm vi cho phép. Khó khăn lớn nhất chính là dám bắt đầu. Và khi đã bắt đầu rồi, bạn sẽ dần hiểu rõ bài toán và tìm cách để có đáp án,” ông Danny Le tiết lộ.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh đến yếu tố con người khi thực hiện chuyển đổi số: “Điều quan trọng là xây dựng một đội ngũ vững mạnh, không nhất thiết phải là những chuyên gia công nghệ giỏi nhất, mà là những người hiểu rõ về công nghệ để đưa ra giải pháp, đồng thời có tư duy “đặt người tiêu dùng làm trọng tâm” phù hợp với chiến lược chung của Masan để mang lại giá trị cho người tiêu dùng.”
Ông Danny chia sẻ: “Tập đoàn Masan đang thực thi một chiến lược chuyển đổi lớn, đưa công nghệ trở thành giá trị cốt lõi, thành ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển giai đoạn tiếp theo. Và cách tốt nhất để rút ngắn quá trình này là trở thành đối tác với các công ty công nghệ như Trusting Social. Từ đó, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi giúp Masan trở thành hệ sinh thái tiêu dùng – công nghệ tích hợp từ offline đến online.”.
Trusting Social mang đến các giải pháp ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) và Máy học (ML) giúp ngân hàng và tổ chức tài chính cung cấp các sản phẩm tài chính cho người tiêu dùng trên quy mô lớn. Cùng với Trusting Social, Masan kỳ vọng AI/ML sẽ không chỉ giúp công ty cung cấp một chương trình khách hàng thân thiết được cá nhân hóa cho hơn 2 triệu người tiêu dùng mà còn gia tăng tiện ích, giúp họ có thể mua sắm đa kênh một cách đơn giản với chi phí phải chăng.
Mục tiêu Masan cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chất lượng vượt trội cho 100 triệu người tiêu dùng. Cách tốt nhất hiện thực hóa điều đó chính là mang đến cho đối tác thương mại truyền thống các giải pháp công nghệ tối ưu nhất mà Tập đoàn đang triển khai thực hiện.
PV