Chủ nhật, 24/11/2024 04:46 (GMT+7)
Thứ bảy, 19/08/2023 15:10 (GMT+7)

Chuyển đổi xanh, phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo của TP.HCM

Theo dõi KTMT trên

Tại Diễn đàn kinh tế xanh 2023 với chủ đề “Net Zero – Đường đến phát triển bền vững”, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, xác định chuyển đổi xanh, phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới.

Chuyển đổi xanh, phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo của TP.HCM - Ảnh 1
TP.HCM xác định chuyển đổi xanh, phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới (Ảnh Thành ủy TP.HCM)

Ngày 18/8 vừa qua, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức Diễn đàn kinh tế xanh 2023 với chủ đề “Net Zero – Đường đến phát triển bền vững”. Diễn đàn có sự tham dự của ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương, ông Trần Phước Anh - Giám đốc Sở Ngoại vụ, ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cùng nhiều diễn giả, học giả và các doanh nghiệp...

Phát biểu tại diễn dàn, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin, Việt Nam cam kết hành động mạnh mẽ để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050. Đây là mục tiêu đầy tham vọng. TP.HCM là trung tâm lớn của cả nước, cam kết tiên phong trong thực hiện mục tiêu này và sẽ là một bên quan trọng cùng với các bên để hành động thực hiện mục tiêu này.

Chuyển đổi xanh, phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo của TP.HCM - Ảnh 2
Ông Phan Văn Mãi phát biểu tại diễn đàn "Net Zero – Đường đến phát triển bền vững" (Ảnh Kinh tế Sài Gòn)

Thông tin về xu hướng phát triển của TP.HCM trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, TP.HCM xác định chuyển đổi xanh, phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới. Thực tế, TP.HCM đã ban hành các ý tưởng, kế hoạch về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, phát triển đô thị bền vững và các chuyên ngành liên quan khác.

TP.HCM cũng nhận thức rằng, những điều đang triển khai chưa đầy đủ và cần cập nhật mới. Do vậy, TP.HCM đang trong quá trình cập nhật về chiến lược, quy hoạch và đặc biệt là xây dựng thể chế, chính sách chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn, để hướng tới phát triển bền vững rõ nét hơn. Do vậy, TP.HCM mong muốn và kêu gọi sự đồng hành hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước giúp TP.HCM trong thời gian tới.

Thông tin về các cơ chế, chính sách định hướng sự phát triển TP.HCM trong thời gian tới, ông Phan Văn Mãi cho hay, cuối năm 2022, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 31 về định hướng phát triển TP.HCM và mới đây nhất Quốc hội có Nghị quyết 98 về cơ chế chính sách đột phá phát triển TP.HCM. Đây là những định hướng, khung pháp lý về thể chế, để TP.HCM có điều kiện hơn thực hiện mục tiêu phát triển bền vững nhằm triển khai quá trình chuyển đổi xanh được nhanh chóng hơn và thuận lợi hơn. TP.HCM mong muốn có sự tham gia không chỉ của các tổ chức quốc tế, chuyên gia trong và ngoài nước mà còn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân TP.HCM.

“TP.HCM đang rà soát chiến lược quy hoạch, đặc biệt ban hành các hệ thống chính sách TP.HCM hướng tới chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Các chính sách phải tập trung hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, công nghệ, mô hình sản xuất, tiêu dùng và ở đó doanh nghiệp là trung tâm và được tiếp cận chính sách này và doanh nghiệp là người đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi. Vì vậy, TP mong muốn nhận được ý kiến góp ý để TP sớm hoàn thiện định hướng và thể chế chính sách cho chuyển đổi xanh và phát triển bền vững”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu rõ.

Chuyển đổi xanh, phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo của TP.HCM - Ảnh 3
Các chuyên gia nhận định về giải pháp thúc đẩy kinh tế xanh, phát triển bền vững cho kinh tế TP.HCM trong thời gian tới (Ảnh Kinh tế Sài Gòn)

Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và nhà kinh doanh đã cùng nhau bàn thảo về những thách thức và cơ hội khi tham gia tiến trình Net Zero, hành trình kinh tế xanh trong xu thế vượt suy thoái và phát triển ổn định. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đưa ra các giải pháp cho bài toán vốn, chi phí đầu tư và doanh thu, lợi nhuận khi chuyển sang con đường tăng trưởng xanh, nắm bắt xu hướng dịch chuyển xanh trên thế giới và Việt Nam và phục vụ đúng yêu cầu của người tiêu dùng.

Nhận định chung về lộ trình Net Zero, GS.TS Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế quốc tế cấp cao của UNDP, đánh giá lộ trình Net Zero hiện nay chưa khả quan nên thế giới “cần phải nỗ lực hơn nữa”. Trong bối cảnh này, một điểm đáng chú ý nữa là các quốc gia phát triển sẽ gặp áp lực lớn hơn.

Xuất phát từ yêu cầu ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2°C, từ đó đòi hỏi phải cắt giảm 25-50% lượng khí thải nhà kính từ mức của năm 2019 vào năm 2030. Trong khi đó, các cam kết hiện tại của các quốc gia tính đến năm 2030 chỉ giảm 12% so với mức ước tính của năm 2019, và con số này là không đạt như mong muốn.

“Tín hiệu tích cực là các quốc gia đang ngày càng hành động nhanh hơn, vì đã nhận thấy được vấn đề, đặc biệt là trong câu chuyện năng lượng”, ông Pincus chia sẻ.

Với Việt Nam, ông Pincus đánh giá, dù là một trong những nền kinh tế dẫn đầu về xuất khẩu, nhưng hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu lại thâm dụng nhập khẩu, dẫn đến thặng dư thương mại thu hẹp trong nhiều năm, thêm nữa tỷ trọng kiều hối trên GDP giảm, gây áp lực lên cán cân vãng lai. Một yếu tố khác ảnh hưởng lớn quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải carbon thấp phụ thuộc lớn vào công nghệ. Tuy nhiên, câu chuyện căng thẳng địa chính trị sẽ cản trở việc chuyển giao công nghệ, vốn cần thiết để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi toàn cầu với chi phí thấp hơn.

Đối với các doanh nghiệp, việc tham gia tiến trình Net Zero được nhận định sẽ ẩn chứa nhiều thách thức nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội, đặc biệt là khi nắm bắt được xu hướng dịch chuyển xanh trên thế giới và Việt Nam.

Theo số liệu thống kê, hiện nay nhiều công ty trong nước đã đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Trong nông nghiệp, có thể kể đến xu hướng sản xuất và xuất khẩu nông sản hữu cơ, đáp ứng xu hướng tiêu dùng của thế giới do những tác động tích cực mà sản phẩm hữu cơ mang lại cho sức khỏe con người, cho môi trường và hệ sinh thái.

Bà Lâm Tố Trinh, Phó Tổng giám đốc Sáng tạo đổi mới và Phát triển kinh doanh NS BlueScope Việt Nam cho biết, tập đoàn có lộ trình giảm carbon từ sớm, đi theo con đường chung là ESG. Riêng với Net-Zero, tập đoàn sản xuất thép này cũng làm việc với các đối tác để họ cùng đi trên con đường giảm phát thải carbon. “Kinh nghiệm là chia nhỏ giai đoạn, đầu tư từng phần, sau đó tiến đến quy trình sản xuất, dùng những công nghệ mới hơn để sử dụng những sản phẩm vật liệu mới”, bà Trinh chia sẻ.

Theo phân tích của các chuyên gia, cuộc đua hướng tới Net Zero vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sớm cam kết sẽ hưởng lợi thế của người tiên phong, định vị thương hiệu trước xu hướng thay đổi của người tiêu dùng, công nghệ mới và thị trường mới. Sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khối tư nhân và cả người tiêu dùng, được kỳ vọng sẽ tạo một nền tảng bền vững cho tăng trưởng xanh. Vì vậy, Chính phủ và các địa phương cần có những chính sách mang tính đổi mới và sáng tạo, để khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, gia tăng ý thức cộng đồng với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ và Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ, năm 2021, Việt Nam đứng thứ 9 trên 10 quốc gia có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á với diện tích đất nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 174.000 ha. Kim ngạch xuất khẩu nông sản hữu cơ hàng năm đạt khoảng 335 triệu USD (tăng gần 15 lần so với năm 2010), xuất khẩu tới 180 quốc gia trên thế giới.

Song Anh

Bạn đang đọc bài viết Chuyển đổi xanh, phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo của TP.HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới