Chủ nhật, 24/11/2024 04:00 (GMT+7)
Chủ nhật, 11/08/2024 07:20 (GMT+7)

Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh ở Hà Tĩnh và những vấn đề đặt ra

Theo dõi KTMT trên

Thực hiện Chiến lược và kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh là yêu cầu đặt ra, nhằm hướng đến phát triển nhanh và bền vững. Vấn đề là địa phương sẽ thực hiện như thế nào cho phù hợp.

Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh ở Hà Tĩnh và những vấn đề đặt ra - Ảnh 1
PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIAEE).

Đặt vấn đề

Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh là chủ trương lớn của Đảng, triển khai thực hiện của Nhà nước, đã được cụ thể hóa bằng “Chiến lược tăng trưởng xanh” và kế hoạch hành động thực hiện của Chính phủ. Việc thực hiện chủ trương của Đảng, triển khai cụ thể Chiến lược và kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh là yêu cầu phải thực hiện để hướng đến phát triển nhanh và bền vững. Vấn đề đặt ra cho tỉnh Hà Tĩnh là thực hiện chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh như thế nào cho phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội hiện nay và cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như quy hoạch của tỉnh đã được phê duyệt. Đây là vấn đề cần được trao đổi kỹ và có tính khả thi . Bài viết sẽ bàn luận vấn đề này và đưa ra một số gợi ý cho tỉnh.

Luận cứ về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh

Chuyển đổi xanh

Chuyển đổi xanh được hiểu là chuyển đổi trạng phát triển “nâu” sang “xanh”, điều này có nghĩa trong hiện tại và trước đây đang thực hiện trạng thái nâu, nay chuyển sang xanh, trong đó nội dung chính đã và đang thực hiện “kinh tế nâu” nay chuyển đổi sang thực hiện “kinh tế xanh”. Vậy nội hàm của kinh tế xanh là gì? Điều này đã được luận bàn và thống nhất từ những năm 2012 của thế giới do Tổ chức Môi trường Liên Hợp Quốc khởi xướng trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng trở nên nghiêm trọng. Theo cách nhìn nhận của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP): “Kinh tế xanh là nền kinh tế nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái. Nói một cách đơn giản, nền kinh tế xanh có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới công bằng xã hội.”[1]

Để thực hiện “Kinh tế xanh” cần có sự đầu tư trở lại trong việc thực hiện tăng trưởng kinh tế, những đầu tư này xuất phát từ khoản đầu tư của Nhà nước, khu vực tư nhân để giảm thiểu phát thải carbon, giảm ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn được sự suy giảm đa dạng sinh học và các dịch vụ của hệ sinh thái. Đối với những khoản đầu tư này, cần được thực hiện từ sự nhận thức và thay đổi về mặt chính sách, đưa ra những quy định mới so với thực hiện “kinh tế nâu” trước đây. Đầu tư chi tiêu công phải là nguồn đầu tư được xem xét trước và dẫn dắt thu hút các nguồn đầu tư khác để duy trì, cải thiện và phục hồi nguồn vốn tự nhiên. Vì nguồn vốn tự nhiên là nguồn lợi chung, đặc biệt đối với những người nghèo, sinh kế và an ninh của họ phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên.

Như vậy chuyển đổi xanh, trong đó nội dung chính là chuyển đổi cách thức phát triển kinh tế từ “kinh tế nâu” sang “kinh tế xanh”, sự chuyển đổi này cần có sự đầu tư cần thiết nguồn lực để đảm bảo duy trì, cải thiện và phục hồi nguồn vốn tự nhiên, đảm bảo công bằng xã hội nhất là những đối tượng mà sinh kế và sự an toàn của họ phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên.

Tăng trưởng xanh

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được ban hành tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 cho thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong Chiến lược này có ba nhiệm vụ chính. Thứ nhất “, giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thứ hai, “xanh hóa sản xuất”; thứ ba xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững”. Để thực hiện nhiệm vụ của Chiến lược, “Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch hành động và chỉ đạo thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh; cụ thể hóa nhiệm vụ và lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của địa phương đồng thời bảo đảm kinh phí cho việc triển khai thực hiện tại địa phương”[2]. Như vậy các địa phương, trong đó có Hà Tĩnh cần xem xét và đánh giá tổng kết kết quả thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2011-2020 là hết sức cần thiết. Để từ đó có cơ sở cho xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh trong các giai đoạn tiếp theo.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được ban hành tại quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021. Để phù hợp với bối cảnh và xu hướng phát triển mới, so với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020, Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 đã đưa ra những định hướng cho Chiến lược gồm định hướng chung và định hướng cho các ngành, lĩnh vực để làm căn cứ các Bộ ngành và địa phương triển khai thực hiện.

“Định hướng chung: Tập trung nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải khí nhà kính thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh, bảo đảm quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu trong toàn bộ nền kinh tế”[3]. Như vậy trong nội dung định hướng của Chiến lược đã khẳng định “chuyển đổi xanh” là yêu cầu cấp thiết cho toàn bộ nền kinh tế trong việc thực hiện tăng trưởng xanh. Đối với cấp tỉnh, chậm nhất sau 01 năm kể từ ngày kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 được phê duyệt, hoàn thành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh hoặc tích hợp các mục tiêu, nội dung triển khai chiến lược trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình thực tiễn ở tỉnh. Quyết định phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022. Như vậy các tỉnh phải hoàn thành kế hoạch hành động hoặc tích hợp mục tiêu, nội dung tăng trưởng xanh vào quy hoạch tỉnh trước ngày 23/7/2023. Đến nay, Hà tĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 các mục tiêu, nội dung về tăng trưởng xanh phải có trong quy hoạch của tỉnh. Mới đây tỉnh cũng đã ban hành quyết định về “Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030”.        

Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh ở Hà Tĩnh và những vấn đề đặt ra - Ảnh 2
Một góc huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Những vấn đề đặt ra đối với Hà tĩnh cho chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh

Từ Chiến lược quốc gia, kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 những vấn đề đặt ra đối với tỉnh Hà Tĩnh là:

Thứ nhất, đối với kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tỉnh

 Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tỉnh đến năm 2030 tại quyết định số 778/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh ngày 02/4/2024. Vấn đề đặt ra là việc triển khai thực hiện quyết định này như thế nào để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tiễn của các địa phương, ban ngành trong tỉnh từ nhận thức đến hành động cụ thể, với mỗi người dân, cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị xã hội của tỉnh. Với nội dung của quyết định thực hiện đã phù hợp với chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh theo cách làm của thế giới và yêu cầu của Chính phủ hay chưa? Nhất là tiết kiệm và chuyển đổi năng lượng sang năng lượng tái tạo, đầu tư phục hồi duy trì và phát triển hệ sinh thái địa phương và tính công bằng xã hội.

Thứ hai, đối với Quy hoạch của tỉnh

Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 08/11/2022. Trong Quyết định này liên quan đến chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh cũng đã được đề cập ở nội dung quan điểm phát triển mục c) “…thu hút nhân tài phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, xã hội số…”[4]. Tầm nhìn đến năm 2050 trong mục 4 của quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển có nêu “…các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển xanh, công nghiệp sinh thái, thông minh…”. Như vậy trong quan điểm, định hướng của Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh đã được Thủ tướng phê duyệt cũng đã thể hiện được “kinh tế xanh” “phát triển xanh” là cơ sở để thực hiện chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh đối với các ngành lĩnh vực trong quá trình triển khai thực hiện. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là triển khai cụ thể, sự phát triển “kinh tế xanh” của tỉnh như thế nào cho các ngành, lĩnh vực và địa phương. Đối với các khu, cụm công nghiệp triển khai thực hiện “kinh tế xanh” như thế nào từ khâu điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trước đây từ “nâu” sang “xanh”, thậm chí có những khu, cụm công nghiệp quy hoạch cũ chưa đề cập tới “xanh”, đang ở dạng “nâu” nay cần quy hoạch lại từ khâu thiết kế đến triển khai thực hiện dạng mô hình “sinh thái” hay “tuần hoàn” phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội và triển khai thực hiện quy hoạch của tỉnh đạt mục tiêu chuyển đổi xanh, tang trưởng xanh.

Thứ ba, vấn đề nhận thức chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh

Nhận thức về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh từ lãnh đạo các cấp đến người dân và doanh nghiệp. Đây là vấn đề cần đặt ra khi bắt đầu và trong quá trình thực hiện trên địa bàn tỉnh, bởi lẽ hiểu đúng bản chất của chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh để từ đó triển khai trong quá trình thực hiện không phải là vấn đề đơn giản, hơn nữa phù hợp với trình độ nhận thức của tỉnh. Thực tế cũng cho thấy thường có sự lẫn lộn giữa chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh với bảo vệ môi trường hay thích ứng với biến đổi khí hậu hoặc thiếu môt sự nhìn nhận đầy đủ về công bằng, sinh kế người dân, đầu tư phục hồi hệ sinh thái và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Thứ tư, các chính sách thực thi của tỉnh từ trước tới nay

Vấn đề đặt ra đối với lãnh đạo tỉnh và các địa phương trong tỉnh là các chính sách thực hiện ở tỉnh trước đây nay cần phải xem xét sửa đổi lại cho phù hợp với chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh như các nội dung đã đề ra trong quy hoạch phát triển tỉnh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt và kế hoạch hành động tăng trưởng xanh theo quyết định số 778/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh ngày 02/4/2024 mới đây. Những Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thực hiện đã có cũng cần phải rà soát, chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện lại, chẳng hạn như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành trên địa bàn tỉnh, các quyết định đã ban hành đã có.

Thứ năm, khoa học kỹ thuật và công nghệ

Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh đòi hỏi phải đổi mới khoa học công nghệ. Vấn đề đặt ra đối với tỉnh là những công nghệ cũ đang tồn tại không đáp ứng tiêu chí xanh chuyển đổi như thế nào, phát triển khoa học công nghệ, đưa công nghệ mới thay thế công nghệ cũ ra sao. Từ kinh nghiệm của Trung Quốc và một số nước trên thế giới cho thấy họ sẵn sàng loại bỏ công nghệ cũ và thay thế bằng công nghệ mới sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng và nguyên liệu thay thế để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trong sản xuất. Những khu, cụm công nghiệp và địa bàn sản xuất mới đương nhiên phải thực hiện kêu gọi đầu tư và chỉ cho phép đầu tư các loại hình công nghệ đảm bảo tiêu chí xanh.

Thứ sáu, nguồn lực cho chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh

Để thực hiện được chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, nguồn lực đóng vai trò hết sức quan trọng, trong đó có hai nguồn lực chính là nguồn nhân lực và nguồn lực tài chính. Vậy vấn đề đặt ra cho tỉnh giải quyết hai nguồn lực cơ bản này để đáp ứng chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh ra sao.

Đối với nguồn nhân lực, con người đóng vai trò chính trong việc thực hiện chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, trong đó lực lượng lao động là yếu tố then chốt. Những lực lượng lao động cũ cần phải đào tạo lại, bổ cập kiến thức mới, nhất là khi đổi mới công nghệ trong sản xuất để đáp ứng yêu cầu vận hành công nghệ mới, công nghệ “xanh” đúng nghĩa. Đối với lực lượng lao động mới đáp ứng nhu cầu chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh của tỉnh để phù hợp với mỗi ngành, lĩnh vực trong tỉnh cần có kế hoạch tuyển dụng, đào tạo mới, đào tạo lại nguồn nhân lực này. Tỉnh có Đại học Hà Tĩnh, nên chăng đây là trung tâm bồi dưỡng, đào tạo lại, đào tạo mới nguồn nhân lực cho chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh của tỉnh.

Đối với nguồn lực tài chính, nguồn lực tài chính đầu tư cho chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh đã được đề cập trong quy hoạch và kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tỉnh đến năm 2030. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là nguồn lực này chưa phản ánh đầy đủ cho chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, đây là vấn đề tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện cho huy động nguồn lực tài chính phục vụ chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh đối với từng ngành, lĩnh vực và địa phương trong tỉnh, phải tính toán chi tiết theo kế hoạch, quy hoạch dự định chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh làm căn cứ cho ưu tiên ngành, lĩnh vực nào cần thực hiện trước để có tính dẫn đầu đột phá và mang lại hiệu quả cao nhất, dẫn dắt các ngành, lĩnh vực khác, phát huy ưu thế của Hà Tĩnh, nhất là các tỉnh khác không có lợi thế bằng Hà Tĩnh. Vấn đề đặt ra là tỉnh đã có cơ chế huy động hay tìm kiếm nguồn lực tài chính xanh trong nước và trên thế giới hay chưa.

Với những vấn đề đặt ra như đã nêu, việc thực hiện chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh cho Hà Tĩnh cần được xem xét nghiên cứu và có những thay đổi phù hợp để thực hiện từng bước, thành công chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh”.

Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh ở Hà Tĩnh và những vấn đề đặt ra - Ảnh 3

Làng chè Sơn Kim 2 được Bộ NN&PTNT chọn xây dựng mô hình phát triển chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Hải.

Những đề xuất khuyến nghị để tỉnh Hà Tĩnh thực hiện chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh

Để thực hiện chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, ngoài những vấn đề đặt ra cho tỉnh như sáu vấn đề đã nêu ở trên, có một số khuyến nghị sau đây để tỉnh tham khảo.

Thứ nhất, chuyển đổi xanh tăng trưởng xanh đối với phát triển các ngành và lĩnh vực

Chuyển đổi xanh tăng trưởng xanh trong ngành công nghiệp và xây dựng.

Đối với ngành công nghiệp, công nghiệp xanh (CNX) là một sáng kiến được UNIDO khởi xướng từ năm 2008 đã được sự ủng hộ cao của các quốc gia trên thế giới, theo đó CNX đưa ra cách tiếp cận theo hai hướng: Thứ nhất, CNX thông qua việc “xanh hóa các ngành công nghiệp” làm giảm liên tục sử dụng tài nguyên thiện nhiên và ô nhiễm phát sinh ra môi trường trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh trên cơ sở sử dụng tài nguyên hiệu quả và sản xuất sạch hơn; Thứ hai, thông qua việc tạo dựng “các ngành công nghiệp xanh” sẽ hiện thực hóa việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ môi trường chất lượng cao một cách hiệu quả mang tính công nghiệp, bao gồm cả những lĩnh vực năng lượng tái tạo, thu hồi tài nguyên, tái chế chất thải cũng như tư vấn về mối trường[5]. Như vậy chuyển đổi sang công nghiệp xanh theo cách nhìn nhận của UNIDO, tỉnh Hà Tĩnh hoàn toàn có khả năng thực hiện được. Chẳng hạn như khu công nghiệp Hưng Nghiệp Formosa, chuyển đổi sang công nghiệp xanh trước hết phải gắn với tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và giảm thiểu tối đa phát thải chất ô nhiễm ra môi trường, áp dụng sản xuất sạch hơn cho các công đoạn trong toàn bộ dây chuyền sản xuất. Mặt khác đối với chuyển đổi năng lượng, một mô hình có thể được tính đến như, chuyển đổi một phần sang sử dụng năng lượng tái tạo, vì doanh nghiệp Formosa phân bố sát biển, do vậy việc sử dụng năng lượng tái tạo từ gió và năng lượng mặt trời có tính khả thi, đối với sử dụng nhiên liệu than hoàn toàn có thể thu hồi khí thải cho các ngành công nghiệp khác thành chu trình khép kín, chất thải rắn như tro xỉ là đầu vào cho sản xuất vật liệu xây dựng. Nói tóm lại doanh nghiệp Formosa có thể chuyển đổi hoạt động sản xuất từ mô hình đã có sang chuyển đổi xanh, trong đó không chỉ áp dụng sản xuất sạch hưn, mà còn hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp và tiết kiệm, chuyển đổi năng lượng, không phát thải gây ô nhiễm môi trường. Các khu cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cần rà soát xem xét lại từ quy hoạch để chỉnh sửa hoặc thiết kế mới theo mô hình khu công nghiệp, cụm công nghiệp xanh dựa vào mô hình khu cụm công nghiệp sinh thái, tuần hoàn, chuyển đổi xanh và tiết kiệm năng lượng.

Đối với lĩnh vực xây dựng và đô thị. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, chuyển đổi xanh trong lĩnh vực xây dựng và đô thị là một trong những lĩnh vực được áp dụng đầu tiên, do vậy Hà Tĩnh nên tiên phong đi đầu áp dụng chuyển đổi xanh trong lĩnh vực này. Cụ thể đối với đô thị, ngay từ quy hoạch những tiêu chí xanh được đưa vào ngay từ đầu như không gian xanh, tiết kiệm năng lượng, phân loại và thu gom chất thải gồm chất thải rắn và nước thải, tạo lập môi trường sinh thái thân thiện. Đối với các ngôi nhà theo mô hình ngôi nhà xanh, sử dung năng lượng mặt trời áp mái, vườn hoa cây cảnh, thậm chí sử dụng được cả nguồn nước mưa....

Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh ở Hà Tĩnh và những vấn đề đặt ra - Ảnh 4
Khu bến cảng Vũng Áng có vị trí địa lý thuận lợi nằm trong Khu kinh tế Vũng Áng.

Chuyển đổi xanh, tăng trưởng trong ngành nông nghiệp

Hà Tĩnh có ưu thế trong một số lĩnh vực nông nghiệp như lâm nghiệp và rừng, cây ăn quả và thủy hải sản. Do vậy, đối với các ngành này cần phải được đánh giá và xem xét lại theo những nội dung như đã đưa ra trong quy hoạch phát triển cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để chuyển đổi sang tăng trưởng xanh. Cần lưu ý ba tiêu chí chính gồm sử dụng tiết kiệm và chuyển đổi năng lượng trong sản xuất nông nghiệp, duy trì hệ sinh thái thiên nhiên và đảm bảo công bằng trong thu nhập và sinh kế của người dân. Hà Tĩnh nên quy hoạch và tính toán sớm tiềm năng tín chỉ carbon rừng để tham gia vào thị trường carbon thế giới và Việt Nam khi thị trường này đi vào vận hành trong nước. Các mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ và cách thức sản xuất mới để giảm thiểu tối đa khí gây hiệu ứng nhà kính trong nông nghiệp, những mô hình này cũng đã được đề cập trong quy hoạch tỉnh và kế hoạch hành động tăng trưởng xanh như mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn.

Tỉnh cũng nên xem xét lại các mô hình đã triển khai thí điểm trên địa bàn tỉnh trước đây, nhất là các mô hình thí điểm của các dự án đã có, đánh giá hiệu quả sau một thời gian áp dụng, đúc kết rút kinh nghiệm như mô hình triển khai của dự án GIZ do đức tài trợ áp dụng vùng miền núi và ven biển đó là mô hình dựa vào hệ sinh thái EbA (Ecosystem Based Approach). Mô hình này phù hợp cho những vùng sinh kế người dân chủ yếu dựa vào thiên nhiên và áp dụng để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với chăn nuôi, hình thành các trang trại chăn nuôi xanh gắn với hệ sinh thái theo mô hình khép kín dạng mô hình kinh tế tuần hoàn, thu hồi chất thải, thu hồi khí mê tan, sử dụng năng lượng mặt trời áp mái phục vụ trang trại, tùy thuộc vào loại hình chăn nuôi đại gia súc, gia súc hay gia cầm để có thiết kế theo tiêu chí xanh phù hợp.

Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh trong ngành dịch vụ

Đối với lĩnh vực du lịch, Hà Tĩnh có nhiều ưu thế về phát triển du lịch, nhất là du lịch biển. Trên cơ sở quy hoạch phát triển của tỉnh cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tỉnh, cần chi tiết hóa và quy hoạch bổ sung hoàn thiện dựa vào tiêu chí chuyển đổi du lịch hiện có sang du lịch xanh, tăng trưởng xanh. Mô hình du lịch xanh ven biển, du lịch xanh miền núi, du lịch xanh tâm linh. Đối với những địa bàn có ưu thế về mặt tự nhiên cần gắn với du lịch sinh thái. Các cơ sở kinh doanh du lịch, nhất là khách sạn, nhà hàng tận dụng ưu thế về mặt tự nhiên tận dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời áp mái, điện gió trong chuyển đổi năng lượng phục vụ du lịch.

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, chuyển đổi xanh gắn với chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực giao thông vận tải, quy hoạch hệ thống đường, cảng biển, nhà ga, bến bãi, hệ thống chiếu sáng... trên địa bàn tỉnh gắn với tiêu chí xanh trong việc sử dụng năng lượng tái tạo, không gian xanh và duy trì, bảo tồn hệ sinh thái địa phương. Chẳng hạn đối với cảng Vũng Áng, chuyển đổi sang cảng xanh những tiêu chí xanh cần được đưa vào để xem xét quy hoạch lại và hoàn thiện bổ sung cho cảng này như tiết kiệm và chuyển đổi năng lượng sang năng lượng tái tạo dựa vào ưu thế ven biển gió và năng lượng mặt trời, những quy định nghiêm ngặt cho bảo vệ môi trường biển, giảm thiểu tối đã và ngăn chặn ô nhiễm từ đất liền đối với biển, tạo ra nhiều công ăn việc làm.

Đối với dịch vụ thương mại, chuyển đổi sang thương mại xanh cần quy hoạch lại hệ thống chợ, siêu thị, kho bãi... phù hợp với tiêu chí xanh trong việc sử dụng hiệu quả, chuyển đổi sử dụng năng lượng sang năng lượng tái tạo, hệ thống thu gom, vận chuyển xử lý chất thải, hệ thống không gian xanh phù hợp để đảm bảo cho hoạt động dịch vụ thương mại hiệu quả và tốt hơn so với trước đây khi chưa thực hiện chuyển đổi xanh.

Đối với dịch vụ môi trường. Liên quan đến hệ sinh thái tự nhiên, duy trì, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên trên địa bàn tỉnh, nhất là những hệ sinh thái đã có như Vũ Quang, khu vực Hương Sơn, liên kết với các tỉnh của Lào có chung hệ sinh thái tự nhiên, cùng với duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên, tính toàn tiềm năng hấp thụ carbon và tính toán khối lượng tín chỉ carbon rừng trên địa bàn. Hệ sinh thái biển và ven biển cần được nghiên cứu bảo tồn và phát triển. Tỉnh cần tính toán xu hướng hiện nay và tương lai phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn đối với các loại chất thải, nhất là chất thải sinh hoạt, chất thải đô thị từ khâu phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng và tái chế. Hạn chế tối đa chôn lấp và đốt chất thải gây ô nhiễm môi trường và lãng phí chất thải. Ngay từ bây giờ phải đưa vào quy hoạch trong hệ thống không gian đô thị và khu vực nông thôn, giành quỹ đất phù hợp.

Chuyển đổi xanh trong ngành năng lượng

Mặc dù diện tích tự nhiên không lớn, nhưng Hà Tĩnh có lợi thế là tỉnh có địa hình bờ biển dài suốt ranh giới phía Đông của tỉnh, phía Tây là núi cao thuộc dãy Trường Sơn. Do vậy, việc phát triển điện gió có nhiều ưu thế, chuyển đổi xanh gắn liền với chuyển đổi năng lượng, tỉnh cần tính toán, đánh giá tiềm năng điện gió để có quy hoạch tận dụng thế mạnh này trong quá trình chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh. Ngoài ra tiềm năng về năng lượng mặt trời cũng cần được tính đến, cần được đánh giá đầy đủ để có phương án phát triển năng lượng mặt trời phù hợp. Năng lượng tái tạo điện gió và điện mặt trời cần ưu tiên những địa phương đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp, dịch vụ không thuận lợi, phát triển công nghiệp có những trở ngại, nếu phát triển ở đây sẽ cải thiện đời sống của người dân được nâng lên. Như vậy sẽ đạt mục tiêu chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh.

Thứ hai, chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh theo không gian lãnh thổ. Cùng với chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh theo ngành, lĩnh vực. Việc nhìn nhận chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh theo không gian lãnh thổ, vì hiện nay cách nhìn nhận phát triển kinh tế xanh có hai khái niệm “Green Economy” và “Blue Economy” tạm dịch tiếng Việt là “xanh lam” và “xanh lá cây”, xanh lam phản ánh tận dụng ưu thế của biển và đại dương cho phát triển kinh tế, còn xanh lá cây là tận dụng ưu thế trên đất liền. Từ các khái niệm đó, nhìn nhận vào thực tế địa bàn của tỉnh Hà Tĩnh cho thấy cả hai loại hình kinh tế xanh ở Hà Tĩnh đều hội tụ đủ. Chính vì vậy trong phát triển chuyển đổi sang phát triển kinh tế xanh tỉnh cũng cần phân định rõ những ngành kinh tế nào liên quan đến kinh tế xanh lam và những ngành kinh tế nào thuộc về nhóm xanh lá cây để có những định hướng phát triển phù hợp gắn với hệ sinh thái tự nhiên biển hoặc đất liền. Tuy nhiên cũng có những ngành phát triển gắn liển với cả kinh tế xanh lam và xanh lá cây, là phần giao của hai loại hình kinh tế này, có nghĩa là gắn với biển và đất liền, do vậy mô hình và định hướng phát triển cũng là sự giao thoa giữa biển và đất liền.

Thứ ba, quảng bá chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh. Kinh nghiệm của một số nước như Nhật Bản cho thấy đề chuyển đổi xanh quảng bá hết sức quan trọng cho toàn xã hội hiểu và cùng đồng lòng thực hiện. Họ thường tổ chức các Hội chợ lớn để trưng bày các sản phẩm sản xuất từ công nghiệp, nông nghiệp và các ngành nghề liên quan dưới dạng "sản phẩm xanh” tạo nên một sự kết nối và thực hiện chia sẻ thông tin và gặp gỡ giữa các doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh và như vậy cũng đúng với sự vận hành của thể chế kinh tế thị trường. Từ kinh nghiệm này, Hà Tĩnh hoàn toàn có thể thực hiện được và tạo nên một bước đột phá mới từ những Hội chợ đổi mới xanh “Green inovation” thu hút không chỉ trong tỉnh mà còn kết nổi ngoài tỉnh và thậm chí với khu vực và thế giới. Từ đó tìm kiếm công nghệ xanh, trao đổi giới thiệu quảng bá sản phẩm xanh của tỉnh nhà.

Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh ở Hà Tĩnh và những vấn đề đặt ra - Ảnh 5
Thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

Kết luận

Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu để hướng đến phát triển bền vững, Hà tĩnh đã có kế hoạch hành động tăng trưởng xanh ban hành tháng 4/2024. Quan điểm chuyển đổi xanh đã được thể hiện trong quy hoạch phát triển của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt. Vấn đề đặt ra cho tỉnh là phải giải quyết những vấn đề vướng mắc với sáu vấn đề cơ bản như đã nêu. Tỉnh cũng cần phải có cách thức triển khai phù hợp cho các ngành, lĩnh vực và theo không gian lãnh thổ phù hợp để phát huy lợi thế của tỉnh về mặt tự nhiên, kinh tế và xã hội. Chuyển đổi xanh cần phải được sự hiểu biết và đồng thuận của toàn xã hội thông qua các cách thức quảng bá khác nhau, nhất là tổ chức Hội chợ, từ đó để trao đổi thông tin, tạo lập thị trường, chuyển giao công nghệ và quảng bá sản phẩm xanh của tỉnh, động lực chính để chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Thủ tướng Chính phủ. Chiến lược quốc gia về tang trưởng xanh. Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2012.
  2. Thủ tướng Chính phủ, quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
  3. Thủ tướng Chính phủ. Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022. “Phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030”.
  4. Thủ tướng Chính phủ quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 08/11/2022 “về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
  5. UBND tỉnh Hà Tĩnh. Quyết định số 778/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh ngày 02/4/2024 về “Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030”
  6. “Hướng tới nền kinh tế xanh. Lộ trình cho phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo”. Báo cáo phục vụ hoạch định chính sách. Hà Nội, tháng 8 năm 2011. Phiên bản dịch từ tiếng Anh của UNEP, do ISPONRE thực hiện, tài trợ bới Hanns Seidel Foundation.
  7. UNIDO, tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc. “Hướng tới tăng trưởng xanh từ phát triển công nghiệp xanh tại Việt Nam”. Tháng 10 năm 2012.

[1] UNEP. “Hướng tới nền kinh tế xanh. Lộ trình cho phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo”. Báo cáo phục vụ hoạch định chính sách. Hà Nội, tháng 8 năm 2011. Phiên bản dịch từ tiếng Anh của UNEP, do ISPONRE thực hiện, tài trợ bới  Hanns Seidel Foundation.

[2]Thủ tướng Chính phủ. Chiến lược quốc gia về tang trưởng xanh. Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2012.

[3] Thủ tướng Chính phủ, quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

[4] Thủ tướng Chính phủ quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 08/11/2022 “về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

[5] UNIDO, tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc. “Hướng tới tăng trưởng xanh từ phát triển công nghiệp xanh tại Việt Nam”. Tháng 10 năm 2012.

PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIAEE)

Bạn đang đọc bài viết Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh ở Hà Tĩnh và những vấn đề đặt ra. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới