Chủ nhật, 24/11/2024 06:54 (GMT+7)
Thứ sáu, 03/09/2021 07:05 (GMT+7)

Chuyên gia nói gì về kiến nghị kiểm định khí thải xe máy của Bộ Công an?

Theo dõi KTMT trên

Trước kiến nghị của Bộ Công an về việc bắt buộc xe mô tô, xe gắn máy định kỳ kiểm tra khí thải, chuyên gia về giao thông môi trường đã đưa ra quan điểm.

Chia sẻ với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải) đồng tình với kiến nghị bắt buộc kiểm định khí thải định kỳ với xe mô tô, xe gắn máy mà Bộ Công an vừa đưa ra trong văn bản gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT).

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, qua kiểm định chúng ta có thể xác định được phương tiện nào đủ điều kiện tham gia giao thông, phương tiện nào cần loại bỏ vì khí thải vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Thông qua kiểm định có thể dần thay thế, thải loại các phương tiện cũ nát vẫn đang tham gia lưu thông trên đường hàng ngày.

Cũng theo Tiến sĩ Thủy, để việc kiểm định khí thải đảm bảo khoa học, hiệu quả thì Bộ Công an cần phối hợp giao cho Bộ Giao thông Vận tải xây dựng đề án, tiêu chuẩn kiểm tra để áp dụng vào thực tiễn đạt kết quả tốt nhất.

Chuyên gia nói gì về kiến nghị kiểm định khí thải xe máy của Bộ Công an? - Ảnh 1
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy.

Trước đó, Bộ Công an đánh giá với hơn 50 triệu ôtô và mô tô hiện nay, có các nguyên nhân chính làm gia tăng khí thải từ các phương tiện giao thông làm ô nhiễm không khí, nhất là tại các đô thị.

Theo đó, số lượng phương tiện cá nhân, nhất là mô tô (chạy động cơ xăng tăng nhanh) và không kiểm soát về khí khải khi hoạt động. Các ô tô, nhất là ô tô cá nhân tăng, nhưng phần lớn tiêu chuẩn về khí thải chỉ đạt mức tối thiểu để giảm giá bán.

Công cụ kiểm soát khí thải từ giá xăng, dầu chưa hiệu quả, kiểm soát khí thải từ đăng kiểm chỉ có chỉ số đạt hay không đạt dẫn đến thiếu kích thích chủ xe nâng cao chất lượng phương tiện của mình.

Theo đó, Bộ Công an đề nghị Bộ TN&MT phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ các chính sách kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông. Việc định kỳ kiểm tra khí thải đối với xe máy sẽ được nghiên cứu sao cho đơn giản, không đưa vào trạm kiểm định như ô tô.

Điển hình, Bộ Công an kiến nghị bổ sung các quy định về việc bắt buộc xe mô tô, xe gắn máy có định kỳ kiểm tra khí thải, tuy nhiên đơn giản hóa việc kiểm tra, không thể đưa vào trạm kiểm định như ô tô. Cơ quan này cũng cho rằng cần có chế định liên quan đến bảo hành, bảo trì và đặc biệt là bảo dưỡng thường xuyên phương tiện giao thông, kèm theo đó là chế tài đủ mạnh nếu cá nhân, tổ chức không chấp hành.

Chuyên gia nói gì về kiến nghị kiểm định khí thải xe máy của Bộ Công an? - Ảnh 2
Ô nhiễm môi trường từ khí thải xe máy gia tăng. (Ảnh minh họa)

Bộ Công an còn bổ sung thông số về khí thải trên giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, màu của tem kiểm định để phân biệt các thông số khí thải, cung cấp cho người tiêu dùng từ nhập khẩu đến kiểm định định kỳ.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đề xuất cần có cơ chế, chính sách giảm, miễn lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số đối với phương tiện sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, tăng phí đối với xe chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu; có cơ chế để khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam, như ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với xe điện.

Bộ Công an nhận định cần có lộ trình thời hạn rõ ràng, khả thi hơn về hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, xe máy và tiến tới cấm xe máy quá niên hạn sử dụng hoặc không đảm bảo an toàn kỹ thuật tham gia giao thông để bảo vệ môi trường, giảm ùn tắc giao thông và hướng đến đô thị văn minh, hiện đại.

Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc thực hiện chế độ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật và mức phát thải giữa hai kỳ kiểm định, kèm theo đó là chế tài xử lý nghiêm minh.

Bộ Công an sẽ nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các quy định về đăng ký xe, theo hướng bổ sung đầy đủ dữ liệu liên quan đến loại động cơ, loại nhiên liệu, chỉ số khí thải vào dữ liệu đăng ký, quản lý phương tiện. Cơ quan này cũng nghiên cứu việc thiết kế và lắp biển số xe có đặc trưng riêng cho xe xanh (xe điện, xe lai xăng điện…) để phân biệt với phương tiện chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu và đề xuất ưu tiên cho phép tham gia giao thông trên những tuyến đường mà phương tiện chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu không được phép lưu thông.

Theo thống kê, TP.Hà Nội, TP.HCM có nguy cơ cao ô nhiễm không khí từ khí thải xe máy. TP.Hà Nội có hơn 5,7 triệu xe máy (trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước năm 2000) và trên 730.000 ôtô, chưa tính nhiều phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn.  TP.HCM hiện có 7,4 triệu xe môtô, xe máy. Lượng xe máy đã sử dụng hơn 10 năm chiếm tỉ lệ hơn 67%. Ðây là những loại xe thường có lượng phát thải vượt tiêu chuẩn hiện hành. Theo tính toán, Thành phố không kiểm soát khí thải xe máy, hằng năm lượng khí thải gia tăng thêm từ loại hình phương tiện này là 68.479 tấn/năm với khí CO2, tương ứng mức gia tăng là 15,88%; với HC là 4.475 tấn/năm, tương ứng với mức gia tăng là 12,85%.

Vân Cường

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia nói gì về kiến nghị kiểm định khí thải xe máy của Bộ Công an?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới