Chủ nhật, 24/11/2024 09:01 (GMT+7)
Chủ nhật, 19/12/2021 06:41 (GMT+7)

Chuyên gia phân tích “được và mất” của phiên đấu giá đất tỷ USD ở Thủ Thiêm

Theo dõi KTMT trên

Kết quả của giá trúng đấu giá lần này có thể cao bất ngờ song nó phản ánh chân thực sự vận động của cơ chế thị trường, của cuộc đua giữa những người tham gia đấu giá và thỏa mãn nhu cầu của họ khi đấu giá và trúng đấu giá…

Như vậy, các doanh nghiệp trúng đấu giá 4 lô đất trong khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong buổi đấu giá ngày 10/12 đã ký hợp đồng mua tài sản với các cơ quan chức năng của TP.HCM vào ngày 17/12 vừa qua.

Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản (BĐS) tại TP.HCM cho biết: “Hoạt động đấu giá là công khai và minh bạch nhưng đối với góc độ doanh nghiệp BĐS, mức giá trên 2,4 tỷ đồng/m2 ở Thủ Thiêm là khủng khiếp”.

Nói về câu chuyện về “được và mất” của phiên đấu giá đất tỷ USD ở Thủ Thiêm, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho hay: Một bộ phận người cho rằng vụ trúng đấu giá đất “vô tiền khoáng hậu” này có bàn tay can thiệp của những chủ đất hiện tại ở Thủ Thiêm, các tổ chức tài chính đã, đang và sẽ cho vay BĐS ở Thủ Thiêm, giới đầu cơ trong và ngoài nước... Họ muốn đẩy giá quyền sử dụng đất tại các đô thị lớn ở Việt Nam “lên giời”. Theo đó, thị trường BĐS nước ta sẽ trở thành “siêu bong bóng”. 

Chuyên gia phân tích “được và mất” của phiên đấu giá đất tỷ USD ở Thủ Thiêm - Ảnh 1
Vị trí 4 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm vừa được đấu giá thành công. Ảnh: Hải Long.

Vị chuyên gia kinh tế này phân tích, một hiện thực của tiền và đất để xem sự được và mất từ vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm lần này.

Thứ nhất, một lần nữa khẳng định là cái được lớn nhất là thu ngân sách Nhà nước có được một khoản lớn bất ngờ. Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành thì thu từ giao quyền sử dụng đất đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với ngân sách địa phương.

Với đấu giá có 4 mảnh đất mà ngân sách của TP.HCM đã thu về hơn 37 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn một nửa dự toán tổng số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp cả năm 2021.

Ta có thể thấy, bài toán cân đối ngân sách địa phương của TP.HCM cũng như của tất cả các tỉnh thành khác trên cả nước phải đưa biến số đấu giá đất vào thay cho biến số giao đất không qua đấu giá đất như hiện nay.

Giả sử không thực hiện đấu giá đất mà thực hiện giao đất theo giá khởi điểm thì ngân sách Nhà nước đã thiệt hại tới 32 nghìn tỷ đồng chỉ riêng với 4 mảnh đất được đấu giá tại Thủ Thiêm lần này. Không quá khó để hình dung ngân sách Nhà nước sẽ thiệt hại biết chừng nào với hàng ngàn, hàng vạn khu đất được giao không qua đấu giá, trong đó không ít khu đất ở vị trí được ví như "vàng" và "kim cương".

Hoặc cả 4 người trúng đấu giá lần này đều bỏ cuộc thì đất vẫn còn đó chờ cuộc đấu giá lần sau, còn ngân sách Nhà nước vẫn được bổ sung thêm hơn 1.000 tỷ đồng từ tiền đặt cọc. Như vậy cái được đầu tiên và lớn nhất là Nhà nước không mất tiền, ngược lại còn được tiền, thậm chí rất nhiều tiền.

Thứ hai, khoản tiền chênh lệch khổng lồ giữa giá khởi điểm với giá trúng đấu giá từ đấu giá 4 mảnh đất Thủ Thiêm lần này như một minh chứng hùng hồn giải thích nguồn cơn hàng loạt vụ sai phạm về giao đất không qua đấu giá khiến cho hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cán bộ công chức các cấp bị kỷ luật, thậm chí vướng vòng lao lý.

Chuyên gia phân tích “được và mất” của phiên đấu giá đất tỷ USD ở Thủ Thiêm - Ảnh 2
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế.

Sức hấp dẫn của việc “ăn chia” hàng ngàn tỷ đồng từ giao quyền sử dụng đất, từ bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước gắn với chuyển quyền sử dụng đất khiến cho một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức có liên quan hư hỏng, thoái hóa, biến chất như một lẽ tự nhiên.

Nếu tất cả việc giao quyền sử dụng đất dự án từ nay đều phải thông qua đấu giá đất công khai, minh bạch thì cái được thứ hai không kém phần quan trọng so với được tiền nêu trên chính là không mất cán bộ.

Thứ ba, đấu giá đất công khai, minh bạch tổ chức ở Thủ Thiêm không phải là lần đầu và hy vọng sẽ trở thành phổ biến thay thế hình thức giao đất không qua đấu giá vẫn ngang nhiên tồn tại như hiện nay.

Việc đấu giá đất công khai minh bạch như ở Thủ Thiêm lần này chứng tỏ lợi ích không thể chối cãi khi giao hoặc chuyển quyền sử dụng đất công.

Ở cuộc đấu giá vừa qua được diễn ra công khai với hàng chục lần nâng giá đấu quyết liệt cho thấy hơi thở của thị trường đang thổi vào một lĩnh vực nhiều năm nay vẫn còn tranh tối tranh sáng giữa cơ chế xin - cho với cơ chế thị trường thực sự.

Kết quả của giá trúng đấu giá lần này có thể cao bất ngờ song nó phản ánh chân thực sự vận động của cơ chế thị trường, của cuộc đua giữa những người tham gia đấu giá và thỏa mãn nhu cầu của họ khi đấu giá và trúng đấu giá. Rõ ràng, cơ chế thị trường đang vận động trên thị trường BĐS là cái được thứ ba.

Còn cái mất mà nhiều người mong mất ở đây chính là mất đi những phi vụ "đi đêm", thông đồng móc ngoặc để biến tài sản của Nhà nước, của nhân dân thành của riêng với giá rẻ mạt rồi quay lại tước đoạt những đồng tiền mô hôi nước mắt của người dân.

Thứ tư, đấu giá đất Thủ Thiêm lần này là biểu tượng của cơ chế thị trường được áp dụng và vận hành phù hợp với điều kiện và đặc điểm kinh tế - xã hội của TP.HCM nói riêng, của cả nước nói chung.

TS Ánh nói: Mặc dù vậy, giá trúng đấu giá đất lần này không phải và không thể là giá đất trên thị trường BĐS nói chung hay xác lập xu hướng biến động giá BĐS trong thời gian tới, dù là giá đất ở ngay Thủ Thiêm hay ở các nơi khác do: Giá trúng đấu giá đất là giá chuyên biệt cho một mảnh đất cụ thể.

Với 4 mảnh đất trúng đấu giá ở Thủ Thiêm lần này thì mức giá cũng rất khác nhau, từ trên dưới 500 triệu đồng/m2 đến 2,4 tỷ đồng/m2 và không mức giá nào trong đó được gọi là giá thị trường và có thể sử dụng làm căn cứ để xác định giá các mảnh đất khác tại Thủ Thiêm hay khu vực lân cận.

Vị chuyên gia kinh tế kết lời, cái được lớn nhất từ mức trúng đấu giá ngất ngưởng này chính là phản ánh mức độ hấp dẫn của BĐS Thủ Thiêm, của TP.HCM và cả nước, ít nhất là ở góc nhìn của nhiều nhà đầu tư BĐS trong và ngoài nước.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia phân tích “được và mất” của phiên đấu giá đất tỷ USD ở Thủ Thiêm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới