Thứ năm, 28/11/2024 04:19 (GMT+7)
Thứ hai, 07/08/2023 06:00 (GMT+7)

Chuyên gia: Vụ lở đất ở Sóc Sơn là lời cảnh báo từ thiên nhiên

Theo dõi KTMT trên

"Có thể nói, sự cố xảy ra tại khu vực hồ Ban Tiện, Sóc Sơn, chính là "lời cảnh báo từ thiên nhiên" cho những tác động thiếu bền vững của con người", PGS.TS Lưu Đức Hải cảnh báo.

Mới đây, tại khu vực hồ Ban Tiện (xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội) đã xảy ra tình trạng xói, lở đất làm nhiều phương tiện giao thông bị mắc kẹt, gây khó khăn trong đi lại, ảnh hưởng đến tâm lý người dân.

Ngày 7/8, trao đổi với Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường về hiện tượng này, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, bản thân ông từng có một thời gian khá dài hoạt động nghiên cứu về địa chất, địa mạo trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

Chuyên gia: Vụ lở đất ở Sóc Sơn là lời cảnh báo từ thiên nhiên - Ảnh 1
PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, kết cấu địa chất, địa mạo ở Sóc Sơn khá đặc biệt, có thể chia thành 3 phần. Thứ nhất là phần núi cao, thứ hai là phần giữa, thứ ba là phần đồng bằng.

Phần núi cao được cấu tạo hầu hết là tầng đá gốc, rất bền chắc, độ dốc lớn, không phù hợp để xây dựng các công trình kiên cố.

Phần giữa, phần đệm này được cấu tạo bằng cả đá gốc lẫn đá trầm tích. Trong điều kiện có lớp phủ thực vật đảm bảo, không có sự tác động của con người thì phần này cũng tương đối bền chắc, rất hiếm khi xảy ra sự cố sụt lún hay sạt lở.

Thế nhưng, thời gian gần đây, rất nhiều khu resort, homestay được xây dựng trên phần này. Điều đó đã khiến lớp phủ thực vật bị mất đi, kết cấu địa chất bị tác động, cộng với việc mưa lớn kéo dài khiến lớp đá trầm tích ngấm nước dẫn đến nguy cơ sạt lở, sụt lún tăng cao.

"Có thể nói, sự cố xảy ra tại khu vực hồ Ban Tiện, Sóc Sơn, chính là "lời cảnh báo từ thiên nhiên" cho những tác động thiếu bền vững của con người", PGS.TS Lưu Đức Hải nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, các cơ quan quản lý tại Hà Nội nói chung và Sóc Sơn nói riêng cần nhanh chóng vào cuộc thanh kiểm tra, đánh giá tác động của hoạt động xây dựng trên địa bàn, đặc biệt là hoạt động xây dựng tại "phần giữa" như đã phân tích ở trên, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm.

Đồng thời, nên có một cuộc khảo sát địa chất, từ đó có được cơ sở dữ liệu chính xác, khoanh vùng có nguy cơ nứt, gãy sạt lở để đưa ra cảnh báo cho người dân.

Chuyên gia: Vụ lở đất ở Sóc Sơn là lời cảnh báo từ thiên nhiên - Ảnh 2
Lở đất ở xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn khiến nhiều xe ô tô bị đất đá bủa vây, không thể di chuyển. Nguồn: Facebook.

Trước đó, trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, một lãnh đạo xã Minh Phú cho biết, nguyên nhân ban đầu được xác định là do mưa lớn trong nhiều ngày, nước chảy thành dòng lại gặp một số vật cản từ đất đá, cây gẫy, phương tiện đỗ dừng ven đường gây ách tắc dòng chảy, dẫn đến ngập, úng cục bộ.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, chính quyền xã Minh Phú cùng một số đơn vị liên quan đã nhanh chóng san gạt đất đá, cứu hộ các phương tiện bị mắc kẹt, đồng thời cảnh báo người dân về những nguy cơ có thể xảy ra tại khu vực này.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn nhấn mạnh, huyện đã yêu cầu Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, Công an huyện phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn có rừng thực hiện ngay việc kiểm tra, đánh giá nguyên nhân, xác định trách nhiệm để xảy ra vụ việc xói, lở đất, ngập úng tại Đội 5, xóm Ban Tiện (Minh Phú) vừa qua. Cùng với đó, các ngành liên quan báo cáo đề xuất UBND huyện biện pháp xử lý lâu dài đảm bảo an toàn, phòng ngừa xói lở, ngập úng trên địa bàn các xã có rừng theo quy định.

Theo lãnh đạo huyện Sóc Sơn, huyện đặc biệt lưu ý các địa phương khi xảy ra sự cố sạt trượt, xói lở đất, ngập úng trên địa bàn phải kịp thời nắm tình hình và báo cáo ngay cấp có thẩm quyền để triển khai các biện pháp xử lý ngay từ giờ đầu.

Được biết, hiện nay ở địa bàn xã Minh Phú có hàng loạt homestay, resort được xây dựng la liệt tại các địa điểm ven sườn đồi, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân.

Như trên địa bàn thôn Lâm Trường, không khó để nhận ra các homestay, khu nghỉ dưỡng mang nhiều phong cách khác nhau như: SH HOMESTAY, ALOHA VALLEY, LA PINETA HOMESTAY, LUCKY HOUSE, LAGOIE, GOLD MOON GARDEN, NGO MINH GARDEN, CUPID HOUSE,… cùng với đó là nhiều nhà vườn, nhà hàng sang trọng được xây dựng nằm ngay rừng phòng hộ.

PV

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia: Vụ lở đất ở Sóc Sơn là lời cảnh báo từ thiên nhiên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới