Chủ nhật, 24/11/2024 06:27 (GMT+7)
Thứ sáu, 25/02/2022 14:00 (GMT+7)

Có cần thiết điều chỉnh thuế môi trường đối với xăng dầu?

Theo dõi KTMT trên

Căng thẳng Nga - Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến giá bán xăng dầu trong nước. Do đó, việc giảm thuế bảo vệ môi trường rất cần thiết để bình ổn giá xăng dầu trong nước.

Xăng dầu đang cõng bao nhiêu loại thuế?

Thuế bảo vệ môi trường là sắc thuế được các chuyên gia đề cập có thể xem xét, xin cấp có thẩm quyền giảm bớt trong giai đoạn này. Việc quyết định điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường hay không, thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Các chuyên gia cho rằng, xăng dầu là sản phẩm chứa các chất hóa học, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường ở diện rộng. Các nước trên thế giới đã đưa xăng dầu vào đối tượng thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường nhằm mục đích bảo vệ môi trường với các tên gọi khác nhau như thuế nhiên liệu, thuế năng lượng, thuế phương tiện... 

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, hiện xăng dầu chỉ chịu các loại thuế, không thu phí và lệ phí nộp ngân sách. Các khoản thuế xăng dầu gồm thuế nhập khẩu với xăng dầu nhập khẩu; thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ thu đối với xăng, không thu với dầu và thuế bảo vệ môi trường.

Về thuế bảo vệ môi trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu, cụ thể: xăng (trừ etanol) là 4.000 đồng/lít; dầu diezel, dầu mazut và mỡ nhờn: 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít. Đối với các mặt hàng xăng sinh học như xăng E5, E10 - chứa 5% - 10% etanol thì chỉ tính thuế bảo vệ môi trường đối với lượng xăng gốc hóa thạch kết cấu trong xăng sinh học.

Có cần thiết điều chỉnh thuế môi trường đối với xăng dầu? - Ảnh 1
Việc giảm thuế bảo vệ môi trường theo các chuyên gia là rất cần thiết để bình ổn giá xăng dầu trong nước. (Ảnh minh họa)

Về thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), hiện quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng là 20%; đối với mặt hàng dầu diezen, mazut, dầu hỏa và nhiên liệu bay là 7%.

Về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (theo các Hiệp định thương mại tự do - FTA), mặt hàng xăng bao gồm cả E5, E10 có mức thuế nhập khẩu FTA theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) là 8%, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh kinh tế Á - Âu (VNEAEU) là 8-8,8% và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) là 20%. Các mặt hàng dầu diezen, mazut, dầu hỏa và nhiên liệu bay có mức thuế nhập khẩu FTA theo Hiệp định VNEAEU là 7%, theo Hiệp định ATIGA và Hiệp định VKFTA là 0%.

Theo tính toán của nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, một lít xăng đang "cõng" hơn 10.000 đồng tiền thuế các loại. 

Đơn cử, một lít xăng RON95 nhập về có giá khoảng 14.900 đồng thì thuế tiêu thụ đặc biệt (10%) tương ứng 1.490 đồng, thuế bảo vệ môi trường 4.000 đồng/lít, thuế nhập khẩu (8%) 1.190 đồng và thuế giá trị gia tăng (10%) 2.500 đồng. 

Như vậy, tổng số tiền thuế một lít xăng RON 95 đang chịu hơn 10.000 đồng. Còn với các mặt hàng xăng dầu khác cũng có mức thuế 8.000 - 9.000 đồng, tùy theo mức thuế từng mặt hàng. 

Điều chỉnh để bình ổn giá xăng dầu

Tại Công điện số 160 về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành nêu rõ - nhiệm vụ của Bộ Tài chính là chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.

Trước bối cảnh giá xăng dầu trên thị trường thời gian gần đây lại có xu hướng diễn biến phức tạp, khó dự báo; trong đó có những thời điểm tăng, giảm với biên độ khá lớn, thì chính sách thuế cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Trao đổi với báo Lao Động, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, điều hành xăng dầu cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp - nhà nước và người dân.

Việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu có thể thực hiện được, cơ quan chức năng cần xem xét, cân nhắc nhưng phải tính toán đến cân đối, để vừa đảm bảo nguồn thu và nhiệm vụ chi trong thời gian tới.

"Phương án tối ưu nhất ở thời điểm này là giảm thuế bảo vệ môi trường, vì đây thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Năm 2020 và 2021, trước thực trạng khó khăn của ngành hàng không, Bộ Tài chính cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 2 lần giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay", ông Long thông tin.

Hiện nay, giá xăng dầu đang được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo quy định tại Nghị định 83 và Nghị định 95 của Chính phủ. Để quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 103 hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, để giảm giá xăng dầu, tránh ảnh hưởng bất lợi tới nền kinh tế đang bị ảnh hưởng dịch Covid-19 cần thông qua Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và thuế. Điều hành quỹ cần linh hoạt vì có thời điểm nhiều doanh nghiệp kinh doanh đầu mối cũng âm quỹ do chi quá nhiều. Đối với điều tiết về thuế, cần phải được tính toán, cân nhắc, bởi giảm thuế sẽ gây áp lực lên nguồn thu ngân sách. Mặt khác, để giảm thuế cần trình cấp có thẩm quyền xem xét nên không thể quyết trong trước mắt ngay được.

Thời gian qua, công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được sử dụng linh hoạt, hiệu quả đã giúp công tác điều hành giá xăng dầu trong nước tăng, giảm ở mức độ phù hợp, không xảy ra tình trạng đột biến về giá. Năm 2021, Quỹ Bình ổn giá gần như liên tục được sử dụng để giữ ổn định hoặc hạn chế mức tăng giá, qua đó góp phần bình ổn giá và hỗ trợ đời sống, sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, giá xăng dầu thế giới có thể tiếp tục tăng thêm, tác động tiêu cực đến giá bán xăng dầu trong nước. Do đó, việc giảm thuế bảo vệ môi trường rất cần thiết để bình ổn giá xăng dầu trong nước. 

Mức giảm thuế 1.000 đồng/lít, từ 4.000 xuống 3.000 đồng với xăng và 500 đồng/lít, từ 2.000 xuống 1.500 đồng với dầu diesel.

"Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Do đó, việc giảm thuế để bình ổn giá nhiên liệu sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Đây là cách để nuôi dưỡng nguồn thu, tăng nguồn thu về mặt lâu dài cho ngân sách nhà nước" - Ông Trịnh Quang Khanh, Tổng Thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhấn mạnh.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Có cần thiết điều chỉnh thuế môi trường đối với xăng dầu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới