Chủ nhật, 24/11/2024 07:27 (GMT+7)
Thứ sáu, 01/07/2022 06:00 (GMT+7)

Cơ chế chính sách, giải pháp nào để phát triển năng lượng Việt Nam bền vững?

Theo dõi KTMT trên

Chưa bao giờ vấn đề năng lượng bền vững cho sự phát triển đất nước lại nóng như thời gian gần đây. Trong bối cảnh ấy, ngày 17/6, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đã tổ chức Hội thảo “Cơ chế chính sách, giải pháp phát triển năng lượng Việt Nam bền vững”.

Trong lời khai mạc, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch VEA đã nêu mục tiêu nước Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Đồng thời, Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) là Việt Nam sẽ đạt trung hòa carbon (Net Zero) vào năm 2050. Hội thảo cần thảo luận các vấn đề thiết thực, cụ thể về phát triển năng lượng Việt Nam. Nổi bật là các bài học rút ra từ Quy hoạch điện VII (QHĐ 7) điều chỉnh và thực hiện các chỉ tiêu Chính phủ đề ra cho dự thảo Quy hoạch điện VIII (QHĐ 8).

Cơ chế chính sách, giải pháp nào để phát triển năng lượng Việt Nam bền vững? - Ảnh 1
Đoàn chủ tịch Hội thảo.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban chấp hành VEA nêu các thách thức trong đảm bảo an ninh cung cấp điện và phát triển bền vững năng lượng Việt Nam. Kinh nghiệm từ việc thực hiện QHĐ 7 điều chỉnh để đánh giá tính khả thi của QHĐ 8. Nguồn điện Việt Nam phát triển mạnh nhưng giảm tốc độ trong những năm gần đây. Có các rủi ro về nguồn điện khi nhiều dự án chậm tiến độ hay thậm chí không bố trí được vốn. Những ý kiến chỉ đạo của Chính phủ đối với dự thảo QHĐ 8 đã cho thấy những vấn đề mà QHĐ 8 còn chưa có phương hướng giải quyết. Trong vòng có 8 năm phải đưa vào vận hành một lượng lớn công suất LNG rất khó khả thi. Nhất là với giá LNG hiện nay và thủ tục đầu tư kéo dài.

Về điện mặt trời tập trung, dự thảo QHĐ 8 không đưa thêm công suất đến tận 2030. Trong khi đó, còn 48 dự án điện mặt trời đang xây dưng vẫn chưa đưa vào vận hành. Hơn 50% các dự án điện gió được công nhận COD năm 2021 nhưng còn nhiều dự án đã xây dựng mà chưa kịp COD. Điện gió ngoài khơi chưa có cơ chế rõ ràng về quy hoạch không gian biển. Điện khí trong nước cũng gặp khó khăn do đàm phán kéo dài, giá khí cập bờ không còn rẻ như đối với các nhà máy đang vận hành.

Ông Nguyễn Văn Vy - Tổng thư ký kiêm Phó chủ tịch VEA nhấn mạnh: Hệ thống năng lượng Việt Nam đã dựa vào nền tảng của nhiên liệu hóa thạch. Mức sử dụng năng lượng đã tăng 5,5 lần trong ba thập kỷ qua. Sự dịch chuyển năng lượng sang năng lượng tái tạo có thể mang lại những thay đổi căn bản về phạm vi và tác động của các nuồn nhiên liệu hóa thạch.

Tiềm năng thủy điện của Việt Nam đã khai thác gần hết, nhưng điện gió và mặt trời còn nhiều tiềm năng. Điện gió có tiềm năng kỹ thuật khoảng 377 GW với 217 GW trên đất liền và 160 GW trên mặt biển. Điện mặt trời Việt Nam có tiềm năng kỹ thuật khoảng 434 GW. Ngoài ra còn nguồn sinh khối từ phụ phẩm nông nghiệp. Phát triển nguồn năng lượng tái tạo góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững.

Đại diện EVN cho biết phát triển nguồn điện của EVN về cơ bản tuân thủ đúng QHĐ 7 điều chỉnh (93% so với QHĐ 7). Dự thảo QHĐ 8 đã được hội đồng thẩm định thông qua, cần được phê duyệt để có thể đi vào thực hiện. Theo quy hoạch, EVN cần huy động khoảng 5 tỷ USD/năm từ nay tới 2030, đó là thách thức lớn. Nguồn vốn lại bị hạn chế do chính sách tín dụng quốc tế thay đổi. Các ngân hàng trong nước đã vượt room tín dụng. Vốn ODA đang giảm dần. Mặt khác, giá bán điện chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư thương mại.

Vấn đề xã hội hóa rất cấp thiết để thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia cả nguồn điện và lưới truyền tải. Còn nhiều điều chưa rõ ràng về bàn giao lưới truyền tải, vận hành lưới cần được luật hóa rõ ràng hơn.

Chủ tịch công ty Enterprize Energy, ông Ian Hatton, trình bày quá trình theo đuổi dự án Thang Long Wind với công suất đặt dự kiến 3.400 MW ngoài khơi Bình Thuận. Công ty đã có kinh nghiệm tốt từ dự án Hải Long ở Đài Loan, nơi có điều kiện địa chất và thủy văn phức tạp hơn nhiều so với biển Bình Thuận. Hiện nay công ty và các bên đối tác đã thực hiện khảo sát gió bằng Lidar. Các khảo sát địa vật lý cũng cho thấy nền đáy biển ở khu vực khảo sát có thể xây dựng được tua bin điện gió. Dự án đã tính đến sự biến thiên của điện gió và dự kiến sản xuất hydrogen và amoniac vào lúc điện dư thừa, giúp ổn định lưới điện. Hai loại khí đó có thể bán cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết ngành dầu khí đã có những lúc là nguồn đóng góp chiếm tỷ lệ cao của ngân sách nhà nước. Năm 2021 khai thác 10,97 triệu tấn dầu và 7,43 tỷ m3 khí, 16,0 tỷ kWh điện. PVN đã phát triển thành chuỗi các ngành công nghiệp dầu khí từ thăm dò khai thác đến sản xuất điện, phân bón. Tuy nhiên, các mỏ dầu của Việt Nam đã vào giai đoạn cuối, đã phải tiến hành phát triển các mỏ sâu và mỏ cận biên. Hoạt động thăm dò mở rộng trữ lượng đang tiến hành chậm do một số cơ chế ràng buộc. Sự hấp dẫn dầu khí của Việt Nam đang bị giảm sút do các nước khác cạnh tranh tốt hơn.

Cơ chế chính sách, giải pháp nào để phát triển năng lượng Việt Nam bền vững? - Ảnh 2
Toàn cảnh Hội thảo.

Ông Tạ Đình Thi, Đại biểu Quốc hội Khóa 15, Phó chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận thấy mấy vấn đề nổi lên qua hội nghị: Bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều thay đổi. Chính sách và pháp luật của Việt Nam cần phải đáp ứng các biến đổi đó. Việc triển khai kết quả Hội nghị COP26 thật sự là thách thức đối với ngành năng lượng Việt Nam. Những biến động ngoài Biển Đông cũng là thách thức phát triển năng lượng của Việt Nam. Các nghị quyết của TW về phát triển NLTT và phát triển kinh tế biển cần được luật hóa. Sửa đổi Luật Dầu khí đang được chuẩn bị tích cực từ nay đến tháng 10. Luật Điện lực có sửa đổi điều 4 khuyến khích thu hút đầu tư tư nhân vào lưới chuyển tải điện. Sẽ còn phải sửa đổi toàn diện. Quốc hội đang cân nhắc Luật NLTT.

Hoạt động giám sát của Quốc hội bao gồm cả giám sát các hoạt động phát triển năng lượng để tìm ra các vướng mắc về chính sách cần giải quyết. Ủy ban đang được giao trách nhiệm theo dõi chuyển dịch năng lượng.

Ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội Khóa 15, Uỷ viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam bổ sung là nắng và gió chúng ta không phải nhập khẩu nhưng hầu như toàn bộ thiết bị Việt Nam phải nhập khẩu. Cần chính sách khuyến khích sản xuất thiết bị điện gió và điện mặt trời trong nước để đảm bảo an ninh năng lượng.

Tập đoàn Tín Thành giới thiệu công nghệ xử lý rác thải và sinh khối để phát điện. Hiện nay có 32 xưởng chuyển đổi chất thải thành điện thay thế dầu FO và nhiên liệu khác đã xây dựng ở các doanh nghiệp danh tiếng trong nước và FDI. Biomass từ cây cao lương đang là xu hướng hứa hẹn có thể đồng đốt trong lò hơi.

Công ty CP Tư vấn Thiết kế Dầu khí (PVE) đưa ra xu thế quốc tế về dịch chuyển năng lượng sang năng lượng tái tạo, trong đó có sản xuất hydrogen xanh. QHĐ 8 đặt ra việc chuyển đổi nhiệt điện than sang đốt hydrogen và NH3. Điện gió Việt Nam trên bờ có đặc điểm gió thấp. Gió ngoài khơi cao hơn, đạt 9 - 11 m/s theo số liệu công ty đã đo gió trên các giàn khoan. Các giàn khoan dầu khí đã gần hết hạn, cần tính toán tận dụng để sản xuất điện gió và hydrogen.

Tham luận của PGS. TS. Nguyễn Minh Duệ, chuyên gia kinh tế năng lượng: QHĐ 8 nêu nhu cầu vốn đầu tư quá lớn. QHĐ 8 đến nay chưa được duyệt. Rút kinh nghiệm QHĐ 7 đa số các dự án đều chậm tiến độ nên lượng vốn đầu tư nhỏ hơn so với quy hoạch. Cần phải có chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Hiện mới chỉ có quy hoạch và chiến lược cho các phần ngành năng lượng: Than, dầu khí, điện. Để đảm bảo an ninh năng lượng cần tăng cường phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo. Tăng cường thực hiện sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng sẽ giảm chi phí đầu tư cho nguồn năng lượng. Cần huy động vốn từ tư nhân và đầu tư nước ngoài.

Câu hỏi của đại biểu tham gia hội thảo là nguồn Amoniac và biomass từ đâu ra mà chuyển đổi than sang đốt Amoniac và biomass? Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh trả lời nếu tính theo tuổi thọ nhà máy điện than (20 - 30 năm) nên lúc đó có thể sẽ thay thế bằng nhà máy có công nghệ mới. Việc chuyển đổi từ từ chứ không thể làm một lúc. Phát thải của CO2 của Việt Nam dưới 1% của thế giới, quá nhỏ bé so với Mỹ và Trung Quốc. Đảm bảo an ninh năng lượng rất quan trọng vì chúng ta đã dùng hết các nguồn năng lượng trong nước. Vì thế dự thảo phải đưa ra sử dụng hydrogen. Nhưng chuyển đổi làm sao cho nền kinh tế chịu đựng được. Vì gió và mặt trời không ổn định, chúng ta phải có dự phòng. Quan trọng là chi phí sản xuất ở mức chấp nhận được.

Ý kiến khác nêu chưa rõ làm thế nào để tăng nhanh công suất điện gió nhanh như đề xuất trong dự thảo QHĐ 8? Đó thực sự là thách thức. Nếu ép điện than phải thay đổi công suất liên tục sẽ tăng chi phí và giảm tuổi thọ của thiết bị. Ngay cả Trung Quốc cũng cam kết năm 2060 và vẫn duy trì tiêu thụ than mặc dù họ có sản lượng NLTT và hạt nhân tăng rất nhanh. Chắc chắn là than và điện khí sẽ giảm thời gian chạy và biến đổi công suất liên tục. Nếu lưới điện thông minh và kết nối tốt thì có thể giảm được những biến động đột ngột.

TS. Nguyễn Cảnh Nam trình bày về ngành than: Tổng sản lượng than năm 2020 đạt 52,05 triệu tấn, trong đó sản xuất trong nước 37,15 triệu tấn, mua ngoài TKV 5,31 triệu tấn, nhập khẩu 9,61 triệu tấn. Tuy trữ lượng than còn hơn 2 tỷ tấn nhưng đó là những trữ lượng khai thác khó, dưới sâu, giá thành cao. Khai thác lộ thiên đã hết, phải chuyển sang khai thác hầm lò. Khả năng tăng sản lượng than rất khó. Lao động cho ngành than rất khó tuyển.

Thuế tài nguyên với than hiện đang cao hơn các nước khác. Cần phân biệt mỏ dễ và mỏ khó. Hiện nay toàn mỏ khó nên đặt mức 12% quá cao. Cần xây dựng chiến lược đầu tư khai thác than ở nước ngoài. Về lâu dài, cần xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, hệ thống logistic phục vụ nhập khẩu than.

Ý kiến đại biểu cho thấy cơ chế chính sách như tiêu đề của Hội thảo có tính quyết định hơn là nguồn vốn. Cơ chế hợp lý đã làm cho NLTT tăng rất nhanh trong vòng vài năm. Mặt khác, cơ chế không hợp lý làm dự án khí Ô Môn B trình ba năm không được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Doanh nghiệp đang đầu tư vào nông nghiệp và điện đang chờ giá điện cho điện gió và mặt trời. Hơn một năm chưa có giá thì doanh nghiệp biết làm tiếp hay thôi? Không biết quy hoạch tiếp theo là gì?

Chủ tịch VEA Trần Viết Ngãi kết luận: Các bài tham luận cho thấy bức tranh khái quát năng lượng Việt Nam và tương lai đến 2030 - 2045. Chỉ có điện gió ngoài khơi mới giải quyết được thay thế điện hóa thạch. Kinh tế phát triển dứt khoát phải có năng lượng đi trước. Sẽ kiến nghị với Đảng, Nhà nước để điện và năng lượng phát triển. Phải có cơ chế và chính sách để khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn vào phát triển năng lượng. Các dự án kéo dài vì cơ chế chính sách chưa hoàn hảo. Có cơ chế chính sách rồi thì phải có biện pháp. NLTT cần phải có lưu trữ để phát triển. Công nghệ đã có như thủy điện tích năng, cần cơ chế để thực hiện. Những người tham gia hôm nay đã có thêm nhận thức về phát triển năng lượng bền vững của Việt Nam. Hiệp hội Năng lượng Việt Nam sẽ thu thập tất cả ý kiến để kiến nghị với Đảng và Nhà nước.

ĐÀO NHẬT ĐÌNH - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Cơ chế chính sách, giải pháp nào để phát triển năng lượng Việt Nam bền vững?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới