Chủ nhật, 24/11/2024 08:06 (GMT+7)
Thứ hai, 18/03/2019 15:11 (GMT+7)

Cổ đông lớn “nóng ruột” trước sức ép giảm sở hữu chéo ngân hàng

Theo dõi KTMT trên

Kể từ ngày 1/3/2019 Thông tư 46/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực sẽ siết chặt sở hữu của các cổ đông lớn và người liên quan của ngân hàng nắm từ 5% trở lên ở ngân hàng khác.

Cổ đông lớn “nóng ruột” trước sức ép giảm sở hữu chéo ngân hàng - Ảnh 1

Thông tư 46 của Ngân hàng Nhà nước quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác.

Theo đó, các TCTD phối hợp với cổ đông lớn rà soát, xác định danh sách cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác. TCTD đầu mối phối hợp với TCTD khác, nhóm cổ đông lớn có liên quan lập kế hoạch khắc phục việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn, triển khai thực hiện kế hoạch khắc phục đảm bảo chậm nhất ngày 31/12/2020, gửi lên NHNN.

Việc NHNN “điểm danh” thêm một hình thức sở hữu chéo nữa và đặt ra lộ trình cụ thể để xử lý đã cho thấy sự quyết liệt của cơ quan chức năng đối với vấn đề này.

Đáng chú ý, kể từ ngày 01/3/2019 Thông tư 46 có hiệu lực, nhóm cổ đông lớn có liên quan không được tăng số lượng cổ phần sở hữu tại TCTD đầu mối và TCTD khác dưới mọi hình thức, trừ các trường hợp nhận cổ phiếu thưởng hoặc cổ tức bằng cổ phiếu; mua cổ phiếu phát hành thêm khi TCTD đầu mối, TCTD khác tăng vốn điều lệ nhưng phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu cổ phần sau khi mua tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần quy định tại Luật các TCTD.

Đặc biệt, TCTD đầu mối, TCTD khác không được cấp tín dụng cho nhóm cổ đông lớn có liên quan sau 90 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành cho đến khi nhóm cổ đông lớn có liên quan tuân thủ tỉ lệ sở hữu cổ phần theo quy định.

Thông tu 46 có hiệu lực sẽ siết chặt việc sở hữu chéo của các cổ đông ngân hàng A tại một hay nhiều ngân hàng khác, nhằm giảm thiểu một số cá nhân/tập thể có mục đích lợi dụng quyền lợi để trục lợi cá nhân hoặc nhóm lợi ích, từ đó gây bất ổn cho hệ thống. Bởi lâu nay tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống TCTD dù đã giảm mạnh song vẫn còn tồn tại, gây ra nhiều vấn đề nan giải, thậm chí có nhóm cổ đông lớn thao túng ngân hàng, gây ra nhiều sai phạm nghiệm trọng, ngân hàng thua lỗ đối mặt nguy cơ phá sản như trong các đại án kinh tế xảy ra tại ACB, VNCB, OceanBank, GPBank…

Sở hữu chéo sẽ khiến cho việc đánh giá rủi ro của hệ thống ngân hàng bị sai lệch bởi nhiều chỉ số trên vốn sở hữu không phản ánh chính xác, góp vốn ảo hay tăng vốn không thực chất từ nguồn tiền vay mượn mua cổ phần…

Trên thực tế, cổ đông lớn của ngân hàng A có thể nắm sở hữu tại ngân hàng B, C… thông qua một pháp nhân trung gian (sở hữu gián tiếp), hoặc cá nhân khác (uỷ quyền). Do đó, các cổ đông này này thực tế nắm quyền lực chi phối rất lớn tại các ngân hàng mà việc xác định chính xác sở hữu và “bóc tách” sở hữu chéo không hề dễ dàng.

Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ là sớm đưa các ngân hàng lên niêm yết trên sàn, tăng sự minh bạch thông tin tài chính, sở hữu cổ phần… từ đó sẽ kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ sở hữu của các cổ đông lớn, ngăn chặn ảnh hưởng thao túng ngân hàng. Đến nay, còn khá nhiều ngân hàng TMCP chưa lên sàn như MSB, Nam Abank, ABBank, Bac A Bank, VietBank, Viet Abank, SCB… Trong số này, có MSB, ABBank và Nam A Bank có động thái sẽ lên sàn trong năm 2019.

Kim Anh

Bạn đang đọc bài viết Cổ đông lớn “nóng ruột” trước sức ép giảm sở hữu chéo ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới