Chủ nhật, 24/11/2024 05:57 (GMT+7)
Thứ bảy, 22/08/2020 10:00 (GMT+7)

Cô giáo Mường và lớp học xuyên biên giới

Theo dõi KTMT trên

Thông qua các ứng dụng hội thảo trực tuyến như Microsoft Teams, Zoom, Skype…, cô Hà Ánh Phượng, giáo viên Trường THPT Hương Cần (xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) đã đưa học sinh (HS) của mình đến với các tiết học cùng thầy cô và bạn bè khắp năm châu. Nhờ đó, môn tiếng Anh đã trở nên thú vị và gần gũi hơn với các em người dân tộc thiểu số.

Từ giấc mơ của cô bé người Mường...

Sinh ra ở một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, từ nhỏ, cô bé Hà Ánh Phượng đã ước mơ lớn lên trở thành cô giáo. Năm 11 tuổi, Phượng bắt đầu cuộc sống tự lập và bước vào hành trình chinh phục con chữ ở trường dân tộc nội trú của huyện, của tỉnh, những năm đại học, rồi sau đại học ở Hà Nội. Đằng đẵng gần 20 năm xa quê, xa nhà… ước mơ đó chưa bao giờ nguôi trong lòng cô bé người Mường đầy nghị lực.

Tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu của Đại học Hà Nội, Phượng đã từ chối những công việc với mức lương hấp dẫn để tiếp tục học thạc sĩ ngành Sư phạm tiếng Anh. Năm 2016, cô gái Mường quyết định trở về quê để thực hiện ước mơ từ thuở bé.

Cô giáo Mường và lớp học xuyên biên giới - Ảnh 1
Cô giáo Hà Ánh Phượng (ở giữa) đang giúp học sinh người dân tộc thiểu số học ngoại ngữ.

Chia sẻ về quyết định của học trò, cô giáo Phùng Thị Hoàng Yến, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ cho biết: “Khi Phượng tâm sự về quê, tôi cứ tưởng em sẽ về thành phố cùng phát triển việc đào tạo ngoại ngữ tại tỉnh. Nhưng thật bất ngờ, em chọn về xã Hương Cần, một nơi còn nhiều khó khăn để cống hiến”.

Từ khi về Trường THPT Hương Cần, Phượng liên tục đề xuất những đổi mới trọng việc dạy và học tiếng Anh. Mục tiêu của cô giáo Mường là giúp những HS miền núi chưa một lần được ra khỏi tỉnh, có thể tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh với các bạn và giáo viên trên toàn thế giới.

“Tiết học đầu tiên, tôi kết nối cho các em trò chuyện với một thầy giáo người Brazil. Nhưng chỉ sau vài câu “Hello!”, các em đùn đẩy nhau và cùng im lặng. Sự khởi đầu thất bại đó mách bảo tôi phải kiên trì và thay đổi để tạo niềm cảm hứng cho các em. Tham gia diễn đàn giáo viên sáng tạo, tôi tìm đến mô hình lớp học “xuyên biên giới”. Được nhìn thấy bạn bè đồng trang lứa ở Mỹ, Ấn Độ,... các em bắt đầu hào hứng hơn mặc dù kỹ năng nghe, nói thời gian đầu vẫn còn hạn chế”, cô Phượng nhớ lại.

Chú trọng hơn vào việc chuẩn bị tài liệu, đồng thời xây dựng các buổi học thành những giờ giới thiệu, chia sẻ về văn hóa truyền thống hay những chủ đề thú vị như âm nhạc, bóng đá, ẩm thực…, tiếng Anh đã không còn là nỗi sợ với các em học sinh ở Hương Cần. Cho đến nay, các tiết học “xuyên biên giới” đã trở thành giờ học thú vị được mong nhất hằng tuần.

Em Đinh Thị Thùy Hương, học sinh lớp 11A1, Trường THPT Hương Cần cho biết: “Ngày trước, đi ra ngoài giao lưu em rất e ngại và rụt rè. Nhưng từ khi được tham gia vào các tiết học của cô Phượng, được giao tiếp với các bạn trên khắp cả nước cũng như trên thế giới, em thấy tự tin hơn nhiều”.

… đến “Tốap 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu”

Hiệu quả của những tiết học xuyên biên giới do cô Phượng khởi xướng ở Trường THPT Hương Cần đã tạo nên sức lan tỏa mới trong việc đào tạo ngoại ngữ tại Phú Thọ, một tỉnh miền núi trung du còn nhiều khó khăn. Ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ cho biết: “Cô Phượng đã tạo ra cảm hứng học tiếng Anh, khiến môn học này trở nên thú vị, gần gũi hơn ở ngôi trường có đến 80% các em HS là người dân tộc thiểu số. Hiện, chúng tôi đã nhân rộng mô hình học này ra các các sở giáo dục khác trên địa bàn”.

Mới đây, cô giáo Hà Ánh Phượng đã trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục toàn cầu Varkey Foundation vinh danh vào “Tốp 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu”. Đây là giải thưởng thường niên nhằm tôn vinh những nhà giáo có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục trên toàn thế giới. Trước đó, vào đầu năm 2020, cô giáo Phượng cũng nhận được học bổng toàn phần SEAYLP dành cho giáo viên và được công nhận là chuyên gia giáo dục sáng tạo của Tập đoàn Microsoft (MIE Expert).

Chia sẻ về mục tiêu lớn nhất mà mình theo đuổi, cô Phượng cho biết: “Có một câu nói rất hay, đó là: “Người dạy là người không bao giờ ngừng học”. Đây cũng là điều mà tôi luôn tâm niệm để cố gắng nhiều hơn nữa nhằm giúp HS của mình, những em người dân tộc thiểu số, những em không có cơ hội học tập tốt như các bạn ở thành phố vẫn có thể trở thành công dân toàn cầu trong tương lai”.

Bảo Ngân

Bạn đang đọc bài viết Cô giáo Mường và lớp học xuyên biên giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới