Chủ nhật, 24/11/2024 05:18 (GMT+7)
Thứ năm, 03/09/2020 13:00 (GMT+7)

Cơ hội khẳng định vị thế gạo Việt Nam trên thị trường EU và thế giới

Theo dõi KTMT trên

EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm với thuế suất 0% được xem là cơ hội để gạo Việt Nam, đặc biệt là gạo chất lượng cao khẳng định vị thế, thương hiệu trên thị trường EU và thế giới.

Cơ hội khẳng định vị thế gạo Việt Nam trên thị trường EU và thế giới - Ảnh 1
Chuẩn bị nguồn hàng gạo xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Xuất khẩu gạo của Thái Lan dự kiến cả năm 2020 chỉ đạt 6,5 triệu tấn. Nhiều khả năng, Việt Nam có thể vượt Thái Lan về xuất khẩu gạo.

Một điểm đáng mừng hơn là thời gian vừa qua, có thời điểm giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam vượt Thái Lan do nhu cầu thế giới tăng cao và chất lượng gạo của Việt Nam đang tốt lên.

Cùng với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã có hiệu lực từ đầu tháng Tám, việc EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm với thuế suất 0%, được xem là cơ hội để gạo Việt Nam, đặc biệt là gạo chất lượng cao khẳng định vị thế, thương hiệu trên thị trường EU nói riêng và thế giới nói chung.

Mỗi năm EU tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo. Nhưng Việt Nam mới xuất khẩu vào thị trường này được khoảng trên 20.000 tấn/năm do thuế suất nhập khẩu gạo vào EU cao, nên gạo Việt Nam khó cạnh tranh được với gạo của các nước khác như Thái Lan, Hoa Kỳ, Australia được phân bổ lượng hạn ngạch thuế quan lớn và các nước kém phát triển như Lào, Campuchia, Myanmar được miễn thuế và không bị áp dụng hạn ngạch.

Với xu thế sử dụng gạo ở EU đang tăng lên đáng kể do sự phổ biến của thức ăn châu Á tại đây, trong khi so với hạn ngạch EU cấp khi EVFTA có hiệu lực, dư địa cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam còn rất lớn, nhất là khi thuế chỉ còn 0%.

Sớm nắm bắt cơ hội này, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đã triển khai đóng lô gạo đầu tiên xuất khẩu vào EU với mức thuế suất 0%. Công ty đã ký hợp đồng bán gạo với ba khách hàng của Cộng hòa Liên bang Đức với tổng khối lượng lên đến 3.000 tấn.

Trong đợt giao lô hàng lần đầu tiên, đơn vị này sẽ giao khoảng 150 tấn gạo với hai loại gạo thơm là ST20 và Jasmine; trong đó, gạo ST20 được bán với giá trên 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 USD/tấn.

Xu hướng tiêu dùng thực phẩm của EU là lựa chọn những sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng cao, sạch và an toàn cho sức khỏe. Với hướng đi gạo thơm, chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bán được với giá trên 1.000 USD/tấn, mang tới sắc màu mới cho bức tranh xuất khẩu gạo Việt Nam.

Điển hình trong tháng Bảy vừa qua, Công ty Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) - thành viên Tập đoàn PAN đã xuất khẩu gạo VJ Pearl Rice và gạo thơm RVT sang Hà Lan và Cộng hòa Séc với giá 1.040 USD/tấn. Đây cũng là những sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam đầu tiên nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này.

Các sản phẩm gạo chất lượng cao này đều được sử dụng giống bản quyền của Việt Nam, gieo trồng, thu hoạch và chế biến đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn và điều kiện khắt khe từ xây dựng vùng trồng đến sản phẩm cuối cùng.

Với hạn ngạnh ưu đãi thuế 80.000 tấn, các doanh nghiệp cho rằng đây không phải là sản lượng lớn. Tuy nhiên, để xuất khẩu được vào thị trường này đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng.

Ông Nguyễn Quang Trường, Tổng giám đốc Vinaseed, cho biết nắm bắt yêu cầu về các điều kiện, tiêu chuẩn xuất gạo vào EU rất cao, Vinaseed đã chủ động ngay từ các khâu ban đầu như: chọn giống phù hợp; quy hoạch vùng sản xuất bền vững, truy xuất rõ ràng; đầu tư hệ thống cơ sở vật chất hiện đại cùng với hệ thống quản trị chất lượng đạt chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm ISO, HACCP, FSSC22000 và có hệ thống cung ứng, phân phối bền vững.

Với hơn 50 năm hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, Vinaseed có được các đối tác tin cậy như các tập đoàn lớn, các viện nghiên cứu, công ty trong lĩnh vực giống cây trồng và nông sản trên thế giới và trong nước. Qua đó, công ty có các thông tin về đối tác nhập khẩu uy tín và có nhu cầu. Cộng với cơ hội từ EVFTA, Vinaseed đã làm việc cụ thể với các đối tác về kế hoạch mở rộng thị phần và xâm nhập sâu hơn vào thị trường EU.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị xuất khẩu gạo bảy tháng đạt 3,9 triệu tấn, trị giá 1,9 tỉ USD, giảm 1,4% về lượng và nhưng tăng gần 11% về giá trị với cùng kỳ năm 2019. Đây cũng là mặt hàng tuy có khối lượng xuất khẩu giảm nhưng giá trị xuất khẩu vẫn tăng khá nhờ giá xuất khẩu tăng cao, bình quân đạt 488 USD/tấn.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết về chủng loại xuất khẩu, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 38% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 38%… Ðáng chú ý, đối với gạo trắng thì gạo phân khúc chất lượng thấp chỉ còn chiếm tỉ trọng hơn 2% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Xuất khẩu gạo Việt Nam liên tục tăng trưởng, trong khi đó, Thái Lan dự kiến cả năm 2020 chỉ đạt 6,5 triệu tấn. Dự báo, Thái Lan nhiều khả năng sẽ bị tụt từ vị trí thứ ba xuống thứ năm trong danh sách các nhà xuất khẩu gạo toàn cầu trong thập niên tới.

Tuy Việt Nam nằm trong top 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng ông Nguyễn Quang Trường cho rằng, một trong những thách thức lớn của ngành lúa gạo Việt Nam là chất lượng gạo xuất khẩu không đồng đều. Xuất khẩu gạo Việt Nam đang dần được tổ chức theo chuỗi mặt hàng gạo chặt chẽ từ khâu nghiên cứu, phát triển, lựa chọn giống chất lượng cao đến chế biến, đóng gói và quảng bá để tạo lập được thương hiệu quốc gia.

Cơ hội khẳng định vị thế gạo Việt Nam trên thị trường EU và thế giới - Ảnh 2
Hơn 30 năm đổi mới, từ chỗ là nước thiếu gạo, phải nhập khẩu, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. (Ảnh: Trần Tuấn/TTXVN)

Xuất khẩu gạo Việt Nam cần được tổ chức theo chuỗi mặt hàng gạo chặt chẽ từ khâu nghiên cứu, phát triển, lựa chọn giống chất lượng cao đến quản lý tốt sản xuất, chế biến, đóng gói và quảng bá để tạo lập được thương hiệu quốc gia.

Chẳng hạn về giống, thực tế, Việt Nam vẫn chưa chọn ra được một vài giống tốt chủ lực, đang xuất khẩu rất nhiều loại gạo khác nhau. Điều này sẽ hạn chế tính cạnh tranh, xây dựng thương hiệu. Trong khi đó, ở các nước, việc xây dựng một loại gạo mang tính cạnh tranh cao được quan tâm hàng đầu.

Về quản lý sản xuất, cần quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu bền vững, tổ chức sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng và quản lý được việc sử dụng các chất bảo vệ thực vật an toàn và đúng quy trình kỹ thuật. Tổ chức sản xuất theo quy trình chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đồng bộ từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, chế biến, bảo quản, đóng gói theo yêu cầu của thị trường; đảm bảo sản phẩm gạo có chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu, thị hiếu người tiêu dùng trong nước, nước ngoài và hàng rào kỹ thuật của các thị trường.

Trong chế biến, bảo quản, các doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất; chế biến sâu, bảo quản lúa gạo, giảm tổn thất sau thu hoạch. Tuân thủ các quy trình công nghệ trong chuỗi sản xuất sản phẩm từ thu mua, sấy bảo quản, xay xát, dự trữ, lưu thông nâng cao chất lượng và đáp ứng được những yêu cầu của những thị trường cao cấp. Cùng với đó là hệ thống quản trị chất lượng đạt chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải nâng cao chất lượng thiết kế mẫu mã bao bì. Thông tin trên bao bì phải rõ ràng và đầy đủ theo quy định của đơn vị quản lý hàng xuất nhập khẩu. Sử dụng các bao bì đạt chuẩn theo yêu cầu của thị trường mục tiêu, thậm chí là thân thiện môi trường.

Về xây dựng thương hiệu, ông Nguyễn Quang Trường cho rằng, nếu trước đây các doanh nghiệp Việt chủ yếu xuất khẩu dưới dạng "No name - No Brand" hoặc gia công cho các công ty nhập khẩu khác, thì những năm gần đây, xu hướng tiêu dùng trên thị trường có sự thay đổi nhanh. Yêu cầu của thị trường ngày càng khắt khe và để nâng cao giá trị hàng hóa các doanh nghiệp cũng đã bước đầu triển khai xuất khẩu các sản phẩm gạo thương hiệu.

"Đây sẽ là hướng đi tất yếu để có thể xây dựng thành công thương hiệu gạo Việt Nam trong thời gian tới. Việc xây dựng các sản phẩm nông sản có chất lượng tốt và đồng đều, có chỉ dẫn địa lý, bảo hộ thương hiệu là một xu thế và cần thiết trong quá xây dựng thương hiệu," ông Nguyễn Quang Trường chỉ ra.

Về việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam với nhãn hiệu "Gạo Việt Nam/VIETNAM RICE," Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, các cơ quan chức năng đang thực hiện đăng ký quốc tế theo Hệ thống Madrid.

Sau khi hoàn thiện đăng ký, Bộ sẽ có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ kết quả thực tế thực hiện Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam; trong đó, kiến nghị Chính phủ cho phép Hiệp hội Lương thực Việt Nam được quản lý sử dụng và cấp chứng nhận nhãn hiệu gạo Việt Nam.

Bích Hồng

Bạn đang đọc bài viết Cơ hội khẳng định vị thế gạo Việt Nam trên thị trường EU và thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới