Cơ hội tiếp cận vốn lãi suất thấp
Sau khi lãi suất USD giảm, nhiều nước châu Á bất ngờ giảm lãi suất đồng nội tệ. Tại Việt Nam, lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, nhiều phân tích chỉ ra rằng, việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng sẽ khó tạo nên một mặt bằng lãi suất mới, nhất là khi động thái giảm chỉ tác động tới một số lĩnh vực ưu tiên và lãi suất huy động vẫn tiếp tục được neo ở mức cao.
“Nóng” cạnh tranh huy động vốn
Khảo sát trên thị trường trong thời gian gần đây, để tăng khả năng hút vốn, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã tăng lãi suất huy động vốn dài hạn lên hơn 8%/năm. Không chỉ ở kỳ hạn dài, các NHTM còn tăng lãi suất huy động cả kỳ hạn ngắn và trung hạn để cơ cấu lại nguồn vốn, đáp ứng lộ trình giảm vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Điều này khiến cuộc cạnh tranh huy động vốn giữa các ngân hàng tiếp tục “nóng” lên. Đơn cử, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) từ nay đến hết ngày 5/10, chương trình “Kỳ hạn vàng tri ân khách hàng” dành cho sản phẩm tiết kiệm bậc thang theo số tiền với lãi suất hấp dẫn đã được triển khai trên toàn quốc. Trong thời gian triển khai chương trình, các khách hàng mở mới sổ tiết kiệm bậc thang theo số tiền tại quầy giao dịch SHB với kỳ hạn 9 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất lên tới 8,2%/năm. Được biết, SHB đang là một trong những ngân hàng niêm yết mức lãi suất tiết kiệm cao nhất trên thị trường ở kỳ hạn 9 tháng hiện nay.
Bên cạnh tăng lãi suất tiền gửi, cuộc cạnh tranh vốn của các ngân hàng còn nóng lên bởi các chương trình khuyến mãi quà tặng, các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, tiện ích đi kèm,… Mới đây, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã triển khai chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng tham gia gửi tiết kiệm online từ ngày 5/8 đến 5/10. Theo đó, khách hàng khi gửi tiết kiệm online sẽ có cơ hội nhận một chỉ vàng 9999 trị giá 3,5 triệu đồng. Đáng chú ý, khác biệt khá lớn giữa gửi tiết kiệm online và tiết kiệm tại quầy là khách hàng được nhận mức lãi suất cao hơn, tối đa 0,4% so với lãi suất tại quầy, với kỳ gửi linh hoạt từ 7 ngày đến 36 tháng.
Lý giải nguyên nhân triển khai các chương trình tiền gửi tiết kiệm với lãi suất ưu đãi, Tổng Giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê cho biết: Nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh tiếp tục khởi sắc trong các tháng cuối năm, hiện các ngân hàng trên thị trường đang đẩy mạnh huy động vốn, nhất là các kỳ hạn dài. Nắm bắt xu hướng này, SHB triển khai chương trình tri ân khách hàng trên với lãi suất cao để thu hút khách hàng. Không chỉ nâng lãi suất đầu vào, nhiều ngân hàng còn phát hành trái phiếu kỳ hạn dài, lãi suất cao để tăng huy động vốn. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa phát hành thành công 3.100 tỉ đồng trái phiếu dài hạn kỳ hạn 10 năm theo hình thức phát hành riêng lẻ, lãi suất cố định 7,35%/năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản bảo đảm. “Lượng vốn huy động lần này sẽ được sử dụng để tăng vốn lưu động, cải thiện cơ cấu huy động vốn, bảo đảm tuân thủ lộ trình giảm vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”- đại diện LienVietPostBank giải thích.
Lãi suất cho vay hạ nhiệt
Động thái cắt giảm lãi suất USD vừa qua của FED, theo đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), sẽ khiến Ngân hàng trung ương thị trường mới nổi phải thận trọng hơn trong các quyết định về lãi suất trong tương lai. Tại Việt Nam, ngay sau quyết định của FED, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã cắt giảm 0,25% lãi suất tín phiếu, từ mức 3% về mức 2,75%. Đầu tháng 8, nhiều NHTM cũng đồng loạt công bố giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm, đều áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn bằng VND từ ngày 1/8 đến hết năm 2019. Nhóm đối tượng khách hàng được hưởng thụ là các doanh nghiệp thuộc năm lĩnh vực ưu tiên theo xác định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ngoài ra, một số ngân hàng cũng mở rộng thêm nhóm đối tượng khác ngoài các đối tượng ưu tiên, như tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), từ nay đến hết ngày 31/12, ABBank cho vay với lãi suất từ 7%/năm nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính của các khách hàng cá nhân giai đoạn cuối năm, với hạn mức giải ngân 3.600 tỉ đồng. Theo Quyền Tổng giám đốc ABBank Phạm Duy Hiếu, với gói vay này, khách hàng sẽ vừa bảo đảm được dòng tiền khi nhu cầu sử dụng vốn đang tăng cao, vừa giảm bớt gánh nặng lãi suất trả nợ vào thời điểm cuối năm.
Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) cũng cho biết, việc giảm lãi suất lần này được triển khai trên phạm vi rộng với dư nợ cho vay tương đương 38% dư nợ cho vay ngắn hạn hiện hành và chiếm gần 20% tổng dư nợ cho vay nội tệ hiện hữu của Vietcombank (tương đương khoảng 140 nghìn tỉ đồng). Mặt khác, lần giảm lãi suất này cũng đưa mặt bằng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên xuống còn 5,5%/năm. Đây được đánh giá là mức lãi suất cho vay thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Song với các diễn biến hiện tại, BVSC nhận định mặt bằng lãi suất ở Việt Nam có thể được điều chỉnh giảm ở một số lĩnh vực ưu tiên, nhưng khó thiết lập được mặt bằng lãi suất mới thấp hơn hiện nay.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Hiện tại, mới chỉ có những ngân hàng lớn giảm lãi suất đối với những lĩnh vực ưu tiên, còn trên toàn hệ thống vẫn chưa thấy dấu hiệu giảm nhiều. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi lãi suất giảm liên quan đến vấn đề chi phí vốn của các ngân hàng. Hiện những ngân hàng hạng trung, hạng nhỏ vẫn phải huy động vốn với lãi suất cao, nhất là các kỳ hạn dài. Một khi chi phí vốn cao thì ngân hàng khó có thể giảm lãi suất cho vay. Đối với những ngân hàng có room tín dụng thấp, muốn duy trì lợi nhuận bắt buộc phải giữ lãi suất cho vay cao. Chưa kể, thị trường tài chính thế giới, nhất là từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc diễn biến phức tạp, tạo áp lực lên thị trường tiền tệ, tỷ giá. Các ngân hàng không muốn dòng tiền chảy ra khỏi ngân hàng thì phải giữ lãi suất ở mức cao để giữ chân khách hàng. Đây là những trở ngại khiến các ngân hàng này khó kéo giảm lãi suất xuống.