Chủ nhật, 24/11/2024 06:37 (GMT+7)
Thứ năm, 07/04/2022 16:00 (GMT+7)

Cơ hội và thách thức phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam đã có ​​sự tăng trưởng ấn tượng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo những năm gần đây. Tuy nhiên, trong việc triển khai các dự án còn nhiều khó khăn thách thức về quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng, cơ chế tài chính….

Nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển

Mới đây, Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 2) với chủ đề “Hướng tới trung hòa carbon - Cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các sự án điện gió, điện mặt trời, điện khí” đã được tổ chức. Diễn đàn có sự tham gia của các bộ, ban ngành, các cơ quan báo chí và đông đảo đại biểu, với hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tại Diễn đàn, nhiều vấn đề như: Cơ chế lựa chọn nhà đầu tư nguồn điện gió, điện mặt trời, điện khí; các chính sách tài trợ vốn ưu đãi cho ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, công nghệ cao; những điều kiện cấp tín dụng cho vay phát triển dự án năng lượng sạch, kinh nghiệm chính sách quốc tế của các nước đang phát triển về chính sách thu hút nguồn đầu tư, khoản tín dụng đối với đầu tư dự án năng lượng sạch; cơ chế - giải pháp để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo… đã được nêu lên để thảo luận.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Trọng Hiếu - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, cho biết: Về cơ chế chính sách, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo trong một số văn bản như Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của việt nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị... 

Theo đó, để đạt được các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các loại hình điện từ năng lượng tái tạo được đánh giá là có tiềm năng lớn. Cụ thể bao gồm cơ chế giá FIT cho các dự án điện gió, điện mặt trời; ưu đãi về thuế thu nhập, thuế nhập khẩu thiết bị, ưu đãi về sử dụng đất và tiếp cận tài chính. 

Cơ hội và thách thức phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam - Ảnh 1
Nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các loại hình điện từ năng lượng tái tạo đã được ban hành, đem lại nhiều kết quả tích cực.

Với các chính sách khuyến khích phát triển điện năng lượng tái tạo đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Đến nay, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo trên cả nước đạt khoảng 20,7 GW, chiếm hơn 27% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện. 

Trong đó, công suất các dự án năng lượng mặt trời đã được bổ sung quy hoạch là hơn 15.000 MW, phần lớn tập trung ở miền Nam với tỷ lệ khoảng 96%. Trong đó, đối với các dự án điện mặt trời, đến hết ngày 31/12/2020 đã có 148 dự án đã được công nhận vận hành thương mại (COD) với tổng công suất là 8.652,9MW. 

Áp lực lớn trong việc truyền tải công suất lưới điện

Tuy nhiên, trong thời gian qua, sự phát triển mạnh mẽ các nguồn điện gió, điện mặt trời trong thời gian qua đã dẫn đến mất cân đối nguồn tải các miền do các nguồn điện gió, điện mặt trời chủ yếu phát triển ở miền Trung và miền Nam. Trong khi chỉ có 4% nguồn điện mặt trời đã được vận hành tại miền Bắc. Điều này gây áp lực lên sự cân bằng nguồn cung - cầu nguồn tải giữa các miền.

Cũng theo ông Hiếu, khó khăn thách thức trong việc triển khai các dự án năng lượng sạch hiện nay các vấn đề: Công tác quy hoạch, công tác đầu tư xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng, cơ chế tài chính….

Về công tác quy hoạch,  Luật Quy hoạch đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2009 và Nghị định số 37 của Chính phủ đã có những quy định chi tiết về công tác lập, thẩm định và bổ sung quy hoạch các dự án. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc. Ngoài ra, tính đồng bộ giữa các quy hoạch chưa cao giữa quy hoạch điện lực và quy hoạch một số lĩnh vực hạ tầng khác, gây ảnh hưởng tới tiến độ đầu tư xây dựng các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm và các dự án lưới điện.

Trong công tác giải phóng mặt bằng, hầu hết các dự án điện đều gặp khó khăn, đặc biệt là các dự án lưới điện. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công các công trình, nguyên nhân do chính sách bồi thường tại các địa phương chưa tạo sự đồng thuận của các hộ dân bị ảnh hưởng; công tác quản lý đất đai còn nhiều hạn chế, đặc biệt đối với những khu vực vùng sâu vùng xa…

Cơ hội và thách thức phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam - Ảnh 2
Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 2) với chủ đề “Hướng tới trung hòa carbon - Cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các sự án điện gió, điện mặt trời, điện khí”.

“Hiện giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo đang cao hơn so với nguồn điện từ nguồn năng lượng truyền thống (nhiệt điện, thủy điện), chi phí bù giá năng lượng tái tạo đang được hòa chung với chi phí của ngành điện, chưa tách rõ ràng trong hóa đơn tiền điện. Khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên thì thành phần bù giá sẽ ngày càng tăng và ảnh hưởng lớn đến chi phí giá thành ngành điện”, ông Hiếu chia sẻ.

Hiện nguồn năng lượng tái tạo tại tập trung chủ yếu ở một số tỉnh, địa phương nhất định trong khi phần lớn các tỉnh này có phụ tải tiêu thụ tại chỗ nhỏ. Do đó gây áp lực lên hệ thống lưới điện quốc gia trong việc truyền tải công suất, dẫn đến làm tăng chi phí đầu tư cho hệ thống… 

Về tài chính, việc các đầu tư các dự án năng lượng tái tạo có nhu cầu về vốn lớn, tiềm ẩn rủi ro, công suất và sản lượng phụ thuộc và điều kiện thời tiết, khí hậu, khả năng thu hồi vốn lâu do suất đầu tư cao hơn nguồn năng lượng truyền thống, vì vậy các tổ chức tài chính ngân hàng thương mại thường chưa sẵn sàng cho vay đối với các dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Trong lĩnh vực phát triển điện khí, chuỗi dạng điện khí gồm nhiều dự án thành phần, bao gồm phát triển mỏ, nhập khẩu khí, vận chuyển tồn chứa và xây dựng nhà máy điện. Vì vậy, việc phát triển các dự án này đòi hỏi tính đồng bộ cả về kỹ thuật và hiệu quả đầu tư của từng dự án thành phần. Mặt khác, các dự án này do nhiều chủ đầu tư thực hiện, giá nhiên liệu chịu biến động của thị trường trong khi giá điện dần tiến tới thị trường cạnh tranh.

Biến đổi khí hậu đang là thách thức nghiêm trọng toàn cầu, trong đó Việt Nam không phải là ngoại lệ. Là một trong các quốc gia đang phát triển, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của biến đổi khí hậu. Tại COP26, VN đã có cam kết mạnh mẽ cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Việc thực hiện các cam kết tại COP26 có nhiều thuận lợi và thách thức.

Để góp phần đáp ứng các cam kết đó, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Chính phủ tiếp tục hoàn thiện Đề án Quy hoạch điện VIII. Việc lựa chọn phương án cùng với triển khai thực hiện phương án sau khi được phê duyệt để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26 đòi hỏi sự nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách, sự tham vấn của các nhà khoa học và sự ủng hộ, tham gia của cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng.

Liên quan đến vấn đề vốn, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Đến hết 31/12/2021 dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 441.000 tỷ đồng (chiếm 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế) tăng 32,5% so với năm 2020, đặc biệt dư nợ tín dụng cho các dự án năng lượng tái tạo đạt khoảng hơn 212 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 47% dư nợ cấp tín dụng xanh của toàn hệ thống.

Cũng theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, các tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo vì phải tính đến yếu tố hiệu quả của dự án thông qua các vấn đề: Giá điện, thời gian thu hồi vốn, yếu tố thời tiết, khả năng của hệ thống truyền tải, năng lực quản lý của chủ đầu tư… Và để cải thiện được các vướng mắc trên Việt Nam cần phải có chính sách đột phá; cần phải hình thành Quỹ năng lượng tái tạo tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho các chủ đầu tư thực hiện các hình thức ủy thác, bảo lãnh, vay vốn thông qua quỹ này,phát hành trái phiếu xanh… để đảm bảo thu hút nguồn lực tài chính cho lĩnh vực này.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cơ hội và thách thức phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới