Chủ nhật, 24/11/2024 07:44 (GMT+7)
Thứ bảy, 11/05/2019 15:13 (GMT+7)

Cơ hội và thách thức trong nền kinh tế số

Theo dõi KTMT trên

Kinh tế số đang là xu thế mạnh mẽ của thế giới, và Việt Nam không thể nằm ngoài dòng chảy đó. Nền kinh tế này mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng nhiều thách thức cho các quốc gia.

Xu thế mới nhiều thu hút

Cơ hội và thách thức trong nền kinh tế số - Ảnh 1
Việt Nam không thể nằm ngoài dòng chảy nền kinh tế số. Ảnh minh họa.

Mới đây, tại Diễn đàn Kinh tế số Việt Nam (Vietnam Digital Economy Forum – VDE Forum) các chuyên gia kinh tế số VDE (Vietnam Digital Economy network) đã chia sẻ những thông tin hướng đến việc kiến tạo nền tảng đối thoại giữa các nhà hoạch định chính sách quốc gia, các doanh nghiệp Việt Nam, các tập đoàn kinh tế toàn cầu… Mục tiêu chính của diễn đàn là chia sẻ tầm nhìn chiến lược cấp quốc gia, kinh nghiệm triển khai thực tế tại các tổ chức công và doanh nghiệp.

Nền kinh tế thế giới đang thay đổi một cách sâu rộng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Với hiệu suất kinh tế vượt trội, các mô hình kinh tế mới đang tạo ra những biến đổi căn bản trong nhiều ngành công nghiệp, từ thông tin truyền thông, giải trí, giáo dục đào tạo đến giao thông vận tải, khách sạn, phân phối, bán buôn, bán lẻ… Thế mạnh công nghệ mới cũng giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp tư nhân giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống. Chính xu thế này đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Mô hình kinh tế số đang trở thành xu hướng sống động, đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp và mô hình truyền thống phải có những thay đổi mạnh mẽ để tiếp tục tồn tại, phát triển trong bối cảnh hiện nay.

Tại Việt Nam, các mô hình số hóa đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân, tận dụng một cách hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội. Tuy nhiên, họ cũng tạo ra những mâu thuẫn, thay đổi cơ bản với mô hình kinh doanh truyền thống. Trước viễn cảnh các mô hình số hóa sẽ tác động lên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, việc giải quyết các bài toán này bằng các công cụ hành chính, chính sách cần cân bằng giữa lợi ích trước mắt và lâu dài.

Bên cạnh đó, sự phát triển của các mô hình tổ chức, công nghệ vượt trội cũng đặt ra vấn đề rất lớn về nguồn nhân lực. Các nhà nghiên cứu tại đại học Oxford và tập đoàn tư vấn McKinsey đã đưa ra dự báo về việc 50% công việc tại các nước phát triển sẽ được thay thế bởi các quy trình tự động hóa trong 15 năm tới. Tỉ lệ này cao hơn ở các nước đang phát triển như Việt Nam vì giá trị gia tăng của lực lượng lao động trong nước là rất thấp so với mức trung bình của thế giới. Do đó, nhu cầu đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số ngày càng trở nên cấp bách.

Mở ra nhiều cơ hội hợp tác

Chia sẻ tại diễn đàn này, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đều cho thấy nền kinh tế số mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các nước.

Cơ hội và thách thức trong nền kinh tế số - Ảnh 2
Nền kinh tế số mở ra nhiều cơ hội hợp tác. Ảnh minh họa.

Ông André Laperrière, Tổng giám đốc của chương trình Dữ liệu mở toàn cầu về Nông nghiệp và Dinh dưỡng – GODAN – của Liên Hiệp Quốc, cho biết: “Chương trình GODAN đã thiết lập hợp tác với 800 tổ chức chính phủ, phi chính phủ và doanh nghiệp đến từ hơn 100 quốc gia. Chương trình GODAN mong muốn hợp tác với các tổ chức tại Việt Nam nhằm chia sẻ kinh nghiệm sử dụng Dữ liệu mở để nâng cao an toàn thực phẩm, góp phần cải thiện chế độ dinh dưỡng cũng như giảm bớt nguy cơ bệnh tật cho người dân”.

Ông Ryan Jacildo, Chuyên gia kinh tế OECD – Tổ chức hợp tác và phát triển Kinh tế, phụ trách nghiên cứu mảng Kinh tế số cho khu vực Đông Nam Á cho rằng: “Một số thay đổi quan trọng về chính sách đào tạo nhân lực, hệ thống thanh toán và ký thác cũng như các chính sách bảo vệ thông tin, người tiêu dùng sẽ trở nên cần thiết để Việt Nam phát huy hiệu quả quá trình chuyển đổi số, tiếp tục duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao, ổn định như trong thời gian vừa qua”.

Tuy nhiên, để thích ứng, phát huy thế mạnh của nền kinh tế số, đòi hỏi cần nhiều chính sách, biện pháp, đặc biệt là về giải pháp công nghệ, ứng dụng công nghệ. Theo Ông Ludovic Bodin, Đại sứ đầu tư quốc tế, France AI: “Công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi sâu sắc đến cách xã hội vận hành cũng như vận mệnh của các doanh nghiệp. Do đó cần có chiến lược phát triển tổng thể và đồng nhất giữa các cơ quan hoạch định chính sách, các tổ chức nghiên cứu, các quỹ đầu tư công nghệ cũng như các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ ứng dụng dữ liệu và công nghệ trí tuệ nhân tạo”.

Ông Vũ Ngọc Anh, sáng lập viên của Diễn đàn Kinh tế số Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp. Theo đó, từ một hệ thống kinh tế tập trung đầu tư vào các tập đoàn công nghiệp và dịch vụ liên quốc gia, chính phủ Pháp và các đô thị lớn như Paris, Lyon, Lille đã mạnh dạn thí điểm triển khai các sáng kiến và dự án về luật, đầu tư, công nghệ, quản lý đổi mới sáng tạo, hướng đến việc đưa các doanh nghiệp vừa và nhỏ thành động lực phát triển của nền kinh tế Pháp trong quá trình phát triển kinh tế số.

Bạn đang đọc bài viết Cơ hội và thách thức trong nền kinh tế số. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới