Chủ nhật, 24/11/2024 05:24 (GMT+7)
Thứ tư, 10/02/2021 20:20 (GMT+7)

Công nhân vệ sinh môi trường và nỗi niềm trước đêm giao thừa

Theo dõi KTMT trên

24 năm làm công nhân vệ sinh môi trường thì có đến 23 năm bà Đỗ Thị Hoa không được đón giao thừa cùng gia đình bởi những ngày Tết, lượng rác lại tăng đột biến, đồng nghĩa với ca làm việc buổi tối phải kéo dài đến sáng hôm sau.

Tết và những ca làm việc kéo dài

Chiều tối 29 Tết, phố phường Hà Nội đã thưa dần người xe qua lại, ít ai để ý rằng trong khi người người vui vẻ, quây quần bên mâm cơm ấm cúng thì trên đường phố, những người công nhân vệ sinh môi trường vẫn đang tất bật dọn dẹp, thu gom rác thải, mặc cho Tết đang đến rất gần, trời lạnh và nguy cơ dịch bệnh covid19 xâm nhập ngoài cộng đồng vẫn luôn thường trực.

Có mặt ở điểm tập kết rác số 18 Nguyễn Chí Thanh, quận Ba Đình, TP.Hà Nội vào lúc 19h tối, các công nhân vệ sinh môi trường của tổ môi trường số 9, Chi nhánh Ba Đình, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội vẫn đang miệt mài thực hiện nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác thải đưa về khu xử lý của thành phố. Những thùng rác đầy ắp lần lượt được cẩu lên xe, xen lẫn trong đó có cả những cành đào đã bung nở sớm hơn dự định…

Công nhân vệ sinh môi trường và nỗi niềm trước đêm giao thừa - Ảnh 1
Cận Tết Nguyên đán, lượng rác tăng lên đột biến, công nhân vệ sinh môi trường phải tăng ca, làm thêm giờ. 

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, bà Đỗ Thị Hoa (54 tuổi, Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) – Tổ trưởng tổ môi trường số 9 cho biết, theo nghề đã 24 năm, nhưng có đến 23 năm bà không được đón giao thừa cùng với gia đình và giao thừa năm nay cũng không ngoại lệ. Bởi những ngày Tết, lượng rác lại tăng đột biến, công nhân vệ sinh môi trường phải tăng ca, dọn dẹp cho đến khi nào đường phố sạch rác mới được được trở về nhà.

Được biết, từ ngày 23 tháng Chạp đến nay, lượng rác tăng gấp 2, thậm chí gấp 3 lần so với ngày bình thường, anh chị em công nhân đang phải tăng ca, thay phiên nhau làm việc liên tục 24/24h. Chính vì vậy, ngày làm việc của mỗi công nhân không chỉ là 8h như ngày thường mà tăng lên từ 16-18h.

Thêm vào đó, năm nay dịch bệnh covid19 lại bùng phát và diễn biến phức tạp vào đúng dịp Tết Nguyên đán nên công việc vốn dĩ khó khăn, vất vả và nhiều nguy hiểm lại thêm phần nặng nhọc hơn, kèm theo sự lo lắng.

“Dịp lễ tết nhiều ngành khác được nghỉ ngơi nhưng chúng tôi thì không có ngày nghỉ, thay vào đó phải tăng ca, thêm giờ làm, đi làm cả ngày Chủ nhật. Hiện nay, chúng tôi phải đeo khẩu trang suốt ca làm việc, dùng nước sát khuẩn, rửa tay khô trong ca sản xuất để phòng chống dịch bệnh covid19”, bà Hoa nói.

Công nhân vệ sinh môi trường và nỗi niềm trước đêm giao thừa - Ảnh 2
Bà Hoa (áo đỏ) đang cùng anh chị em công nhân tổ môi trường số 9, chi nhánh Ba Đình cẩu rác lên xe vận chuyển. 

Chia sẻ thêm với phóng viên, ngoài việc không có thời gian nghỉ lễ tết, các công nhân vệ sinh môi trường hàng ngày phải liên tục tiếp xúc với môi trường độc hại, bụi bặm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động, nhiều công nhân trong quá trình làm việc đã không may trở thành nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông. Chính vì vậy, ngành vệ sinh môi trường hiện nay gặp khó khăn trong việc tuyển thêm nhân lực, bởi “làm được việc đã khó, để gắn bó với nghề lại càng khó hơn”.

Vất vả, khó khăn là vậy, nhưng với lòng yêu nghề, quyết tâm gắn bó, nêu cao tinh thần trách nhiệm, bà Hoa và các anh chị em tổ môi trường số 9 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2020 vừa qua, bà Hoa được tôn vinh là lao động tiên tiến của đơn vị.

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”

Chia sẻ với phóng viên, bà Hoa cũng như nhiều anh chị em công nhân ước ao được đón giao thừa cùng gia đình, đi thăm hỏi chúc tết người thân, hàng xóm láng giềng, thế nhưng vì đặc thù công việc, mọi người cũng đành gạt lại niềm vui riêng, động viên nhau hoàn thành công việc để sớm được trở về bên gia đình.

Những ngày sát Tết, bà Hoa cũng đã tranh thủ thu xếp mọi thứ để gia đình đón một cái Tết ấm cúng, đủ đầy. Nhờ có sự ủng hộ, cảm thông, chia sẻ từ phía gia đình mà nhiều năm nay, bà Hoa quen dần với sự thiệt thòi này và không còn canh cánh về đêm giao thừa.

Công nhân vệ sinh môi trường và nỗi niềm trước đêm giao thừa - Ảnh 3
Rác nhiều nên ngày làm việc của mỗi công nhân không chỉ là 8h như ngày thường mà tăng lên từ 16-18h.

“Chú (chồng bà Hoa-PV) là hậu phương vững chắc của cô, các con cô cũng đã trưởng thành rồi, có thể giúp bố lo chu toàn mọi thứ nên cô yên tâm công tác. Chú cũng là công nhân, về nghỉ hưu được 4 năm rồi nên rất thương và hiểu cho công việc, giờ giấc đi làm của cô, cứ đường phố sạch sẽ, xong việc rồi thì cô về”, bà Hoa chia sẻ với phóng viên.

Bà Hoa cho biết, mỗi năm đến thời khắc giao thừa, người người đi chúc Tết, nhà nhà sum vầy thì chị em công nhân vệ sinh môi trường vẫn đang trong ca làm việc nên phải đón giao thừa ngoài đường. Tuy nhiên, mọi người cũng có cách đón giao thừa rất riêng. Thông thường, tập thể sẽ tranh thủ quây quần lại bên nhau, đơn giản chỉ là một chút bánh kẹo, những lon nước ngọt, họ chúc nhau năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, chúc những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong năm mới rồi nhanh chóng quay lại làm việc. 

“Chỉ mong người người mạnh khỏe, nhà nhà hạnh phúc, chúng tôi bắt tay nhau để chúc mừng năm mới, chúc nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ mà chi nhánh và công ty giao cho”, bà Hoa tâm sự.

Bà Hoa kể, thời khắc ấy, cũng có nhiều chị em ước gì giờ này được về đón giao thừa nhưng ai cũng hiểu đó là điều không thể, may ra phải chờ đến lúc về nghỉ hưu vì còn công việc, còn nhiệm vụ không thể bỏ dở giữa chừng.

Công nhân vệ sinh môi trường và nỗi niềm trước đêm giao thừa - Ảnh 4
Tổ môi trường số 9 quyết tâm đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực phường Ngọc Khánh trong dịp Tết Nguyên đán. 

“Chúng tôi thèm được quây quần với gia đình đón giao thừa, muốn được về thắp hương, chúc tết nhưng công việc không thể đừng được nên anh chị em đồng nghiệp lại an ủi, động viên nhau vượt qua nỗi buồn, sát cánh cùng nhau hoàn thành công việc. Xã hội phân công cả rồi, mỗi người mỗi nghề, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì nghề nặng nhọc sẽ nhường cho ai?”, bà Hoa nói.

Mặc dù năm 2020, cả đất nước phải gồng mình lên chống dịch, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, khoe với chúng tôi, bà Hoa và các anh chị em phấn khởi khi các chế độ vẫn được công ty duy trì, có thưởng lương tháng 13 kèm theo giỏ quà Tết cho người công nhân. Đây là niềm động viên, khích lệ tinh thần rất lớn đối với các anh chị em mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Trao đổi với phóng viên về trăn trở của mình đối với nghề vệ sinh môi trường, bà Hoa cho rằng, chỉ cần người dân nâng cao ý thức, bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định thì nỗi vất vả của người công nhân sẽ vơi bớt đi rất nhiều. Sự hưởng ứng, chung tay của cộng đồng chính là động lực để anh chị em công nhân hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn vệ sinh môi trường, giúp cho Thủ đô thân yêu ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn.

Vương Liễu

Bạn đang đọc bài viết Công nhân vệ sinh môi trường và nỗi niềm trước đêm giao thừa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới