Công ty CJ ViNa Agri nói gì về trang trại liên kết chăn nuôi không đảm bảo môi trường? (Bài 4)
Công ty CJ ViNa Agri nói gì về việc hàng loạt trang trại lợn liên kết chăn nuôi không đảm bảo môi trường ở xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội?
Trước đó, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã đăng tải thông tin về việc Công ty CJ ViNa Agri ký hợp đồng với trang trại không đảm bảo về môi trường trong quá trình liên kết sản xuất.
Ngày 8/2/2023, Công ty CJ ViNa Agri đã cử ông Phạm Văn Tuy, Quản lý bộ phận đại diện Công ty CJ ViNa Agri – Chi nhánh Bình Dương đã đến tòa soạn làm việc và trao đổi thông tin với Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường.
Ông Tuy cho rằng, trước khi đăng tải bài viết, phóng viên đã không liên hệ với công ty để thông tin bài viết được khách quan, rõ ràng hơn. Vấn đề này đã được phóng viên lý giải đã nhiều lần liên hệ vào số điện thoại của Tổng công ty CJ ViNa Agri có trụ sở tại Long An và Bình Dương nhưng đều không nhận được phản hồi. Các cuộc gọi và ghi âm đều đã được phóng viên lưu và thông tin lại để ông Tuy nắm được.
Trong buổi làm việc ông Tuy thừa nhận: Bên chúng tôi đã tổ chức chăn nuôi rồi, đánh giá các trang trại hộ nhà ông Tuấn, ông Hiếu, ông Tạo… không đủ các điều kiện, đặc biệt là vấn đề môi trường nên công ty đã thanh lý hợp đồng.
Theo các văn bản đại diện công ty CJ ViNa Agri cung cấp về việc thanh lý hợp đồng có trường hợp của hộ ông Nguyễn Trọng Hiếu, biên bản thanh lý hợp đồng số 061.2022/BBTL/CJ-GC ngày 30/6/2022. Biên bản thanh lý hợp đồng với hộ ông Nguyễn Văn Tạo số 0413.2022/BBTL/CJ-GC ngày 30/4/2022; Biên bản thanh lý hợp đồng số 053.2022/BBTL/CJ-GC ngày 31/5/2022.
Còn hợp đồng số 21/2021/HĐKT/CJV_GC giữa Công ty CJ ViNa Agri và ông Nguyễn Văn Hùng ngày 22/02/2021 có thời hạn đến năm 2024 thì phía công ty chưa cung cấp được bản thanh lý hợp đồng…
Trước câu hỏi phía công ty dựa trên cơ sở nào để ký kết hợp đồng với các trang trại khi các điều kiện pháp lý chưa có, nhất là vấn đề bảo vệ môi trường, ông Tuy cho rằng: Đây cũng là thiếu sót của bộ phận pháp chế của công ty. Tuy nhiên, khi chúng tôi phát hiện vấn đề này nhanh chóng thanh lý hợp đồng. Trong quá trình nuôi gia công do vướng đợt dịch Covid-19 nên chúng tôi cũng mới chỉ nuôi gia công có một lứa số lượng không nhiều khoảng vài trăm con.
Mặc dù vậy, trên trang Website của doanh nghiệp, Tổng giám đốc công ty đã có những cam kết với khách hàng về sản phẩm của mình đặc biệt là vấn đề chất lượng, môi trường và nguồn gốc, vậy câu hỏi đặt ra ai sẽ là người chịu trách nhiệm về sản phẩm không được kiểm soát khi ký hợp đồng chăn nuôi gia công với trang trại vi phạm các quy định về pháp luật môi trường cùng các vấn đề pháp lý liên quan khác.
Kết thúc buổi làm việc ông Phạm Văn Tuy hứa sẽ cung cấp thông tin về việc xử lý trách nhiệm của các bộ phận, cá nhân liên quan và gửi cho cơ quan truyền thông báo chí. Nhưng đến, phóng viên vẫn chưa nhận được sự phản hồi nào từ vị này.
Theo quy định tại khoản 12, 13 Điều 12 Những hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi của Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 quy định: Xả thải chất thải chăn nuôi chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu vào nơi tiếp nhận chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Gian dối trong kê khai hoạt động chăn nuôi nhằm trục lợi.
Theo quy định tại điểm đ, khoản 3, điều 168: Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14. Ủy ban nhân dân cấp xã, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây: Kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền hoặc chuyển người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền…
Cũng theo quy định tại khoản 9, điều 6: Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường: Che giấu hành vi gây ô nhiễm môi trường, cản trở, làm sai lệch thông tin, gian dối trong hoạt động bảo vệ môi trường dẫn đến hậu quả xấu đối với môi trường.
Còn nữa….
Kiên Giang