Chủ nhật, 24/11/2024 04:20 (GMT+7)
Thứ tư, 24/05/2023 16:26 (GMT+7)

Đa dạng sinh học và câu chuyện “xanh hóa” khu công nghiệp tại Việt Nam (Bài 1)

Theo dõi KTMT trên

Nhiều chuyên gia khẳng định, để phát triển khu công nghiệp sinh thái, vấn đề quy hoạch ngay từ đầu rất quan trọng, đặc biệt là quy hoạch cây xanh. Vì thế, cần có cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng để hỗ trợ phát triển khu công nghiệp sinh thái.

Đa dạng sinh học và câu chuyện “xanh hóa” khu công nghiệp tại Việt Nam (Bài 1) - Ảnh 1

Lời tòa soạn:

Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp, phát triển các khu công nghiệp sinh thái là mục tiêu và đích đến không chỉ của Việt Nam mà nó còn mang tính toàn cầu. Cách đây không lâu, tại Báo cáo tổng kết 30 năm phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ đồng ý, đến năm 2030 sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8% đến 10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư. Vậy, câu hỏi được đặt ra, việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam đã, đang và sẽ thực hiện ra sao, thuận lợi, khó khăn như thế nào?

Để cung cấp đến độc giả thông tin toàn cảnh về việc hiện trạng khu công nghiệp, phát triển khu công nghiệp sinh thái, Tạp chí Kinh tế Môi trường khởi đăng tuyến bài viết Đa dạng sinh học và hiện trạng “xanh hóa” KCN tại Việt Nam.

Đa dạng sinh học và câu chuyện “xanh hóa” khu công nghiệp tại Việt Nam (Bài 1) - Ảnh 2

Việt Nam, là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới, có sự phong phú và đa dạng về các nguồn gen quý, hiếm. Đa dạng sinh học ở Việt Nam đứng thứ 16 trên thế giới với gần 12.000 loài thực vật có mạch, 330 loài thứ, 918 loài và phân loài chim, 517 loài bò sát, gần 3.000 loài cá. Chỉ riêng vùng Tây Nguyên - Nam Trung Bộ có tới 36 khu vực đa dạng sinh học trọng yếu (KBAs), hơn 3,76 triệu ha rừng tự nhiên, nhiều trung tâm đặc hữu thực vật, chim, bò sát, ếch nhái với nhiều loài đặc hữu. Ước tính sơ bộ hơn 5.000 loài thực vật. Có ít nhất 142 loài thú, 448 loài chim, hơn 120 loài bò sát và 84 loài lưỡng cư.

Các con số thống kê nêu trên chưa thực sự phản ánh đầy đủ tính đa dạng sinh học của Việt Nam, khi mà số lượng loài mới được phát hiện không ngừng tăng nhanh trong những năm gần đây. Điều đó chứng minh nguồn tài nguyên về đa dạng loài động, thực vật ở Việt Nam chưa thực sự được hiểu biết đầy đủ.

Sở dĩ đa dạng sinh học tại Việt Nam phong phú như vậy là do nước ta ở vị trí chuyển giao của nhiều luồng sinh vật: Phía Đông mang các đặc điểm địa sinh học của dãy Hymalaya; phía Nam có các kiểu hệ sinh thái tương tự với các hệ sinh thái biển đảo và đất liền của khu vực Đông Nam Á; dãy Trường Sơn là vùng chuyển tiếp giữa kiểu khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Bên cạnh các dãy núi, Việt Nam còn có 16 hệ thống sông chính, trong đó có hơn 10 hệ thống sông mà lưu vực có diện tích trên 10.000km2 như hệ thống sông Hồng, sông Cửu Long, sông Đồng Nai... Bên cạnh hệ sinh thái rừng thì Việt Nam còn có nhiều kiểu hệ sinh thái khác như trảng cỏ, đất ngập nước nội địa, đồi cát, bãi bồi ven biển, cửa sông, bãi cỏ biển, rạn san hô và vùng biển sâu...

Đa dạng sinh học và câu chuyện “xanh hóa” khu công nghiệp tại Việt Nam (Bài 1) - Ảnh 3
Đồ họa: Trường Vũ.

Báo cáo "Đánh giá Đa dạng sinh học tại Việt Nam" do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) và Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ TN&MT) công bố nhấn mạnh, con người đang hoàn toàn phụ thuộc vào các hệ sinh thái để tồn tại. Thế nhưng, các hệ sinh thái này lại đang bị suy thoái nghiêm trọng. Báo cáo cho thấy, 21% các loài thú, 6,5% các loài chim, 19% các loài bò sát, 24% các loài lưỡng cư, 38% các loài cá và 2,5% các loài thực vật có mạch đã bị đe dọa.

Trong gần 20 năm trở lại đây, các khu vực có rừng là sinh cảnh bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 10.544 km2 diện tích đất rừng bị mất, chủ yếu do chuyển đổi thành đất rừng trồng và đất trồng cây ăn quả. Khoảng 2,8 triệu ha rừng tự nhiên cũng đã bị mất do chuyển đổi sang phát triển các loài cây trồng thương mại khác…

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới sự suy thoái đa dạng sinh học ở Việt Nam bao gồm cả những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp như: Khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, khai thác gỗ trái phép, buôn bán trái phép các loài hoang dã, các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng thâm canh nông nghiệp, cũng như các hoạt động sản xuất kinh tế khác nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng gia tăng của con người.

Đi sâu vào vấn đề để thấy, sử dụng tập trung các hệ sinh thái thường đem lại lợi ích ngắn hạn nhưng cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải và gây ra những tổn thất to lớn cho đa dạng sinh học - đó là sự phát triển thiếu bền vững. Làm cách nào để vừa ngăn chặn tình trạng suy giảm đa dạng sinh học vừa đáp ứng được các nhu cầu ngày càng tăng của con người là một bài toán khó, cần sự chung tay của toàn thể người dân và sự vào cuộc một cách mạnh mẽ của cơ quan quản lý.

Đa dạng sinh học và câu chuyện “xanh hóa” khu công nghiệp tại Việt Nam (Bài 1) - Ảnh 4
Việt Nam là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới. Ảnh: Vũ Hải.

Trong giai đoạn 2016-2022, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra nhiều mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học cho giai đoạn mới. Việt Nam đang quyết tâm đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm sử dụng hiệu quả và bảo tồn các nguồn tài nguyên, bền vững về môi trường, khí hậu, bảo vệ môi trường sống.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức được thực hiện từ ngày 01/01/2022 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững. Trong đó, doanh nghiệp và người dân sẽ đóng vai trò trung tâm.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của đa dạng sinh học và vai trò của nó trong việc duy trì sự phát triển bền vững của cuộc sống, sinh kế và nền kinh tế, thời gian qua, Việt Nam đã đưa vào các văn bản Luật những quy định yêu cầu các dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao và một số dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường phải thực hiện đánh đánh giá tác động đa dạng sinh học. Nội dung này đã được quy định chi tiết tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022.

Đa dạng sinh học và câu chuyện “xanh hóa” khu công nghiệp tại Việt Nam (Bài 1) - Ảnh 5

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, các khu công nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng trong thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Hiện nay, Việt Nam có hơn 400 khu công nghiệp và khu kinh tế, thu hút tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 12 tỷ USD, chiếm khoảng 80-90% các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất.

Bên cạnh những mặt tích cực, sự phát triển công nghiệp một cách nhanh chóng cũng đã gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường cũng như ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Do đó, cần thiết phải chuyển đổi từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp bền vững hơn. Việc xây dựng các khu công nghiệp sinh thái được coi là giải pháp không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm lãng phí tài nguyên, mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Tại Báo cáo tổng kết 30 năm phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ đồng ý, đến năm 2030 sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8% đến 10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư.

Ngoài ra, với 403 khu công nghiệp đang hoạt động, việc thúc đẩy phát triển khu công nghiệp theo hướng sinh thái sẽ huy động nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững.

Bàn về sự ưu việt của việc phát triển khu công nghiệp sinh thái, ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch CTCP Shinec (Chủ đầu tư khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền) cho biết, thực tế các nhà đầu tư khi tìm đến các khu công nghiệp rất quan tâm đến hạ tầng, đảm bảo môi trường. Đặc biệt là hệ thống các công ty xuất nhập khẩu đều mong muốn được vào khu công nghiệp sinh thái. Lý do là việc này sẽ giúp các nhà sản xuất sẽ dễ dàng vượt qua được hàng rào thuế quan khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại quốc tế.

"Tại Nam Cầu Kiền, chúng tôi đã xây dựng 3 mô hình hệ thống cộng sinh công nghiệp. Các nhà máy của doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Italy, Singapore, Việt Nam… đều liên kết với nhau rất hài hoà vì giá trị gia tăng cho lợi ích từng doanh nghiệp", ông Điệp cho biết thêm.

Nhìn nhận một cách thực tế, chuyên gia kinh tế, TS. Mai Văn Sỹ cho rằng, khi nhắc đến khu công nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn thì mọi người đều thấy hay, nhưng thực tế xây dựng rất khó. Ngoài những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn mang tâm lý tính toán lợi nhuận trước khi bắt tay vào làm. Làm mô hình sinh thái theo các tiêu chí quy định của Bộ Xây dựng thì doanh nghiệp nào cũng muốn đẩy quỹ đất công nghiệp lên 70-75%. Như vậy, tỉ lệ quỹ đất cho cây xanh sẽ không đảm bảo.

Đa dạng sinh học và câu chuyện “xanh hóa” khu công nghiệp tại Việt Nam (Bài 1) - Ảnh 6
Một góc Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (TP.Hải Phòng). Ảnh: KCN Nam Cầu Kiền.

"Để phát triển khu công nghiệp sinh thái, vấn đề quy hoạch ngay từ đầu rất quan trọng, đặc biệt là quy hoạch cây xanh. Để làm được, ý chí và trách nhiệm của các doanh nghiệp rất quan trọng, như việc trồng một cây xanh tuổi thọ 70-80 năm đắt hơn cây tuổi thọ 1-2 năm nhưng tất nhiên mang ý nghĩa hơn", TS. Mai Văn Sỹ phân tích.

Theo vị chuyên gia kinh tế, cần có cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng để hỗ trợ phát triển khu công nghiệp sinh thái. Như câu chuyện ưu đãi, nếu nhận được ưu đãi miễn thuê đất như khu kinh tế thì nhiều doanh nghiệp sẽ tham gia hơn. Việc phát triển kinh tế tuần hoàn đòi hỏi cần công nghệ sản xuất phải cao, vì công nghệ hiện đại mới tận dụng tối đa nguồn lực. Khi được hỗ trợ, doanh nghiệp mới có nguồn kinh phí để quay vòng đầu tư vào sản xuất.

Liên quan đến vấn đề phát triển khu công nghiệp sinh thái, tại Hội thảo "Phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam: Chính sách và giải pháp thực hiện", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định, mô hình khu công nghiệp sinh thái chỉ thực sự phát huy vai trò tích cực đối với với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước và các tổ chức quốc tế.

Theo đó, cần có thêm các hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của các Bộ, ngành và hướng dẫn về kỹ thuật từ các chuyên gia trong nước, quốc tế, đặc biệt đối với các mạng lưới cộng sinh công nghiệp và giải pháp kinh tế tuần hoàn.

"Ngoài ra, việc bổ sung chính sách ưu đãi về tài chính cho các khu công nghiệp, khu sinh thái, doanh nghiệp sinh thái như miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng… là cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

(Còn nữa)

Nội dung: Thiện Tâm
Đồ họa: Trường Vũ

Bạn đang đọc bài viết Đa dạng sinh học và câu chuyện “xanh hóa” khu công nghiệp tại Việt Nam (Bài 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới