Thứ năm, 28/11/2024 00:06 (GMT+7)
Thứ tư, 02/10/2019 17:54 (GMT+7)

Đà Nẵng lần đầu tiên kéo thành công đường ống nước D900 qua sông Hàn

Theo dõi KTMT trên

Tính tới thời điểm hiện tại, đường ống D900, dài 370m kéo thành công qua sông Hàn (Đà Nẵng) được ghi nhận là đường ống có kích thước lớn nhất.

Tính tới thời điểm hiện tại, đường ống D900, dài 370m kéo thành công qua sông Hàn (Đà Nẵng) được ghi nhận là đường ống có kích thước lớn nhất, chiều dài dài nhất và thi công trên địa hình phức tạp nhất được thực hiện khoan ngầm dẫn hướng qua sông tại Việt Nam. Đà Nẵng là địa phương tiên phong sử dụng công nghệ này trên cả nước.

Đà Nẵng lần đầu tiên kéo thành công đường ống nước D900 qua sông Hàn - Ảnh 1
Đà Nẵng là địa phương tiên phong sử dụng công nghệ này trên cả nước.

Công trình kéo đường ống D900 qua sông Hàn được thực hiện bởi Công ty CP Đầu tư và Xây dựng TNG và Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng nhằm tăng lưu lượng cấp nước cho hai quận trọng điểm về du lịch là Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Công trình có tổng vốn đầu tư khoảng 17 tỉ đồng, gồm hai phần chính: Kéo 370m đường ống vượt sông Hàn từ bờ Tây sang bờ Đông ở độ sâu khoảng 20 – 22m, cách đáy sông 9 – 10m; và 320m đường ống ở hai bờ Đông – Tây khu vực cầu Tiên Sơn (mỗi bên 160m) để nối vào hệ thống cấp nước hiện hữu.

Đà Nẵng lần đầu tiên kéo thành công đường ống nước D900 qua sông Hàn - Ảnh 2
Tính tới thời điểm hiện tại, đường ống D900, dài 370m kéo thành công qua sông Hàn (Đà Nẵng) được ghi nhận là đường ống có kích thước lớn nhất.

Công trình khoan kéo ống D900 vượt sông Hàn được đánh giá là khó thực hiện khi thi công qua địa hình phức tạp với nền địa chất gồm cát và muối, lòng sông sâu, mặt sông rộng. Đặc biệt, sông gần cửa biển nên mực nước thay đổi liên tục theo dòng thủy triều. Việc sử dụng các giải pháp kỹ thuật truyền thống như đánh chìm tuyến ống không thể áp dụng để thực hiện công trình này, bởi ống HDPE dẫn nước sẽ bị đẩy nổi gây cản trở giao thông đường thủy và lâu dài dễ bị các mỏ neo của tàu thuyền va quệt, gây thủng ống, rò rỉ, thậm chí đứt gãy đường ống.

Đà Nẵng lần đầu tiên kéo thành công đường ống nước D900 qua sông Hàn - Ảnh 3
TNG đã áp dụng công nghệ khoan ngầm dẫn hướng bằng cách khoan mở rộng mũi khoan đạt đến đường kính yêu cầu (D1300) rồi tiến hành kéo ống qua sông.

Trong bối cảnh đó, để thực hiện công trình TNG đã áp dụng công nghệ khoan ngầm dẫn hướng bằng cách khoan mở rộng mũi khoan đạt đến đường kính yêu cầu (D1300) rồi tiến hành kéo ống qua sông. Trong quá trình khoan mở rộng đường kính, sẽ đồng thời bơm hoá chất tạo vách để chống sạt lở lỗ khoan.

Công nghệ khoan ngầm dẫn hướng (Horizontal Directional Drilling, gọi tắt là HDD) là công nghệ đã được phát triển và ứng dụng rộng rãi trên thế giới. Đây là phương pháp thi công ống bằng cách khoan ngầm có kiểm soát, có thể điều khiển mũi khoan theo hướng định sẵn, có ưu thế vượt trội so với công nghệ đào mở và các công nghệ khác.

Ứng dụng với công trình đưa tuyến ống D900 băng qua sông Hàn, công nghệ này cho phép ống HDPE được đặt sâu cách đáy sông từ 7m đến 10m, giúp tuyến ống nằm ngoài vùng nguy hiểm, tránh được tác động của ngoại lực.

Ngày 5/9, đơn vị thi công bắt đầu khoan những mũi đầu tiên. Sau 23 ngày thi công thần tốc, tuyến ống đã được kéo qua sông Hàn thành công, rút ngắn hơn rất nhiều so với phương pháp truyền thống và không ảnh hưởng đến giao thông thủy - bộ, không gây ô nhiễm môi trường do việc đào bới.

Tại thời điểm bắt đầu kéo ống từ tối 26/9, Dawaco và TNG đã huy động 10 máy đào để nâng và dìu ống nhằm giảm áp lực cho máy kéo. Đồng thời sử dụng máy khoan tạo vách và máy kéo có lực kéo 100 tấn để kéo ống. Thời gian kéo ống vượt sông theo dự kiến ban đầu khoảng 15 tiếng đồng hồ cho 370m ống. Đến sáng ngày 28/09, công tác kéo đường ống hoàn thành, đơn vị tiếp tục thi công tiếp 160m đường ống trên bờ Đông nối vào hệ thống đường ống cấp nước hiện có.

Đà Nẵng lần đầu tiên kéo thành công đường ống nước D900 qua sông Hàn - Ảnh 4
Dự kiến đến ngày 20/10 tới đây, đường ống này sẽ bắt đầu được đưa vào sử dụng.

Tại Việt Nam, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên thành công thi công tuyến ống to và dài nhất qua địa hình phức tạp bằng công nghệ khoan ngầm dẫn hướng. Trước đó, chưa có công trình nào kéo đường ống có đường kính 900mm (lớn nhất), với chiều dài dài nhất (370m), xuyên qua lòng sông ở độ sâu 19m (sâu nhất), thi công công trên địa hình cát (nguy hiểm nhất) và ở vùng địa chất có muối (khó nhất) băng qua sông thành công.

Dự kiến đến ngày 20/10 tới đây, đường ống này sẽ bắt đầu được đưa vào sử dụng, trở thành tuyến ống chính chuyển tải nguồn nước cung cấp cho khu vực hai quận ven biển là Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn theo yêu cầu của UBND TP Đà Nẵng.

Với đường ống D900 vừa được kéo vượt sông Hàn thành công, hai quận kể trên sẽ được cấp bổ sung từ 20.000 đến 30.000m3 nước/ngày đêm, nâng tổng lượng nước Dawaco cấp cho khu vực này đạt 90.000 – 100.000m3/ngày đêm, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của hai vùng du lịch trọng điểm trên địa bàn thành phố.

Đà Nẵng lần đầu tiên kéo thành công đường ống nước D900 qua sông Hàn - Ảnh 5

Công ty CP Đầu tư và Xây dựng TNG (TNG) là doanh nghiệp xây dựng chuyên thi công các giải pháp cơ sơ hạ tầng nước hàng đầu tại Việt Nam. Đây cũng là đơn vị duy nhất ở Việt Nam triển khai và áp dụng thành công công nghệ khoan ngầm dẫn hướng với độ phức tạp cao.

Trước khi khoan ngầm dẫn hướng thành công qua sông Hàn, Công ty TNG từng triển khai thành công nhiều công trình lớn, như: Khoan ngầm qua sông Vàm Cỏ Tây, kéo ống D710 dài 320m; Khoan ngầm qua Sông Vàm Cỏ Đông, kéo ống D600 dài 400m; Khoan ngầm qua Đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương, kéo ống D800 dài 120 m; Khoan ngầm qua Quốc lộ 1A, kéo ống D1000 dài 35 m.

Theo Môi trường Đô thị

Bạn đang đọc bài viết Đà Nẵng lần đầu tiên kéo thành công đường ống nước D900 qua sông Hàn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đến khi nào đợt mưa tại Miền Trung mới chấm dứt?
Từ đêm 27/11, mưa lớn ở Hà Tĩnh Quảng Bình giảm nhanh. Từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi: Mưa tăng từ ngày 27/11, cao điểm trong đêm 27, ngày 28, từ đêm 28/11 mưa sẽ giảm dần, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất rất cao.

Tin mới