Chủ nhật, 24/11/2024 08:36 (GMT+7)
Thứ ba, 02/08/2022 10:14 (GMT+7)

Đại gia "mạnh tay" chi hàng trăm tỷ trả nợ cho FLC là ai?

Theo dõi KTMT trên

Ông Lê Thái Sâm - nhân tố mới ra mắt Hội đồng quản trị FLC, đã cho Tập đoàn này vay không cần tài sản đảm bảo hơn 620 tỷ đồng.

Vẫn còn mang trong mình nhiều khoản nợ

Mới đây, Tập đoàn FLC đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022,  báo cáo cho thấy những thay đổi đáng kể về cấu trúc vay nợ, nhất là sự xuất hiện của những khoản vay tín chấp từ cá nhân và doanh nghiệp khác.

Cụ thể, quy mô nợ vay ngắn và dài hạn của FLC tính tới cuối quý II là hơn 5.100 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vay dài hạn giảm từ 4.169 tỷ xuống 2.450 tỷ đồng, còn vay ngắn hạn tăng thêm hơn 600 tỷ đồng lên 2.676 tỷ đồng.

Ở khoản vay dài hạn, FLC và các công ty thành viên đã tất toán xong khoản nợ hơn 1.800 tỷ đồng với Sacombank. Chủ nợ lớn nhất với FLC tới cuối quý II là BIDV chi nhánh Quy Nhơn với dư nợ hơn 1.100 tỷ đồng.

Cùng với việc trả xong những khoản nợ dài hạn này là bảng cân đối của FLC có thêm những khoản vay ngắn hạn theo hình thức tín chấp từ những chủ nợ mới.

Đại gia "mạnh tay" chi hàng trăm tỷ trả nợ cho FLC là ai? - Ảnh 1
Ông Lê Thái Sâm và Công ty Cổ phần Tập đoàn Homeliday đã cho FLC vay tín chấp. (Ảnh minh họa)

Trong đó, ông Lê Thái Sâm cho FLC vay tín chấp hơn 620 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Bốn hợp đồng vay có thời hạn 12 tháng, lãi suất 7% mỗi năm, được thực hiện rải rác từ tháng 4 đến tháng 6/2022.

Ông Lê Thái Sâm sinh năm 1964, quê ở Quảng Ngãi. Ông tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân TP Hồ Chí Minh năm 1986 và từng giữ chức Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại DIC (Mã: DIC), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sắt thép Cửu Long.

Đầu tháng 7 vừa qua, ông Sâm được bầu vào HĐQT của Tập đoàn FLC.

Ông Lê Thái Sâm là thành viên HĐQT FLC mới được bổ nhiệm ngày 2/7/2022. Trong biên bản ĐHCĐ bất thường năm 2022 lần hai của FLC, ông Sâm có số phiếu bầu cao nhất, đạt 265,9 triệu cổ phần, tương đương 100,26% (bầu dồn phiếu) số cổ phần tham dự đại hội.

Mặc dù là nhân tố rất quan trọng, nhưng về lý lịch, ông Lê Thái Sâm ít được biết đến. Ngay cả FLC cũng cung cấp rất ít thông tin về nhân vật quan trọng này.

Ngoài ông Sâm, FLC còn nhận khoản vay tín chấp khác với quy mô hơn 180 tỷ đồng từ Công ty cổ phần Tập đoàn Homeliday.

Homeliday, tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản BHS (BHS Invest), là thành viên thuộc BHS Group. Tập đoàn được thành lập giữa năm 2019 này hoạt động trong mảng tư vấn phát triển bất động sản và quản lý bán hàng, được dẫn dắt bởi những lãnh đạo cũ của Công ty Bất động sản Thế Kỷ (CEN Land).

Theo đăng ký kinh doanh của Homeliday, bốn lãnh đạo của BHS Group cũng là bốn cổ đông của doanh nghiệp này, trong đó cổ đông lớn nhất là cựu CEO CEN Land Nguyễn Thọ Tuyển.

Kết thúc quý II, FLC lỗ sau thuế 640 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do phát sinh khoản lỗ đột biến hơn 317 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết. Ngoài ra, doanh thu tài chính cũng giảm mạnh, còn 1/10 so với cùng kỳ năm ngoái.

Về việc cá nhân cho doanh nghiệp vay tiền để giải quyết những khó khăn trong hoạt động kinh doanh được ghi nhận với CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) trong năm 2021.

Nhờ vậy, kết thúc quý II/2021, tổng tài sản của QCG đạt hơn 10.600 tỷ đồng, giảm 800 tỷ so với 6 tháng trước, chủ yếu do giảm giá trị hàng tồn kho. Nợ phải trả của doanh nghiệp là 6.400 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ chỉ chiếm hơn 500 tỷ nhưng công ty đang mượn tiền các bên liên quan tổng cộng hơn 1.200 tỷ, gồm cả những cá nhân.

Cụ thể, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan là cá nhân đang cho Quốc Cường Gia Lai mượn nhiều tiền nhất với 97 tỷ đồng. Con gái bà Loan là Nguyễn Ngọc Huyền My cũng cho công ty của mẹ mượn 11 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Lại Thế Hà, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc cùng con gái Lại Thị Hoàng Yến cũng cho Quốc Cường Gia Lai mượn tổng cộng 120 tỷ đồng.

HĐQT thay đổi "chóng mặt"

Ông Lê Thái Sâm không phải là thành viên mới duy nhất trong HĐQT của Tập đoàn FLC. Trong nửa đầu năm 2022, ban lãnh đạo tập đoàn có nhiều thay đổi lớn.

Vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết và Phó Chủ tịch thường trực Hương Trần Kiều Dung không còn đủ tư cách làm lãnh đạo công ty đại chúng. Thành viên HĐQT Lã Quý Hiển cũng xin từ nhiệm vào cuối tháng 6.

Đại hội cổ đông bất thường của Tập đoàn FLC ngày 2/7 đã bầu bổ sung ba người gồm ông Lê Thái Sâm, ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Bá Nguyên vào HĐQT thay cho ông Quyết, bà Dung và ông Hiển.

Ngay sau đại hội, ông Nguyên được bầu làm Chủ tịch Tập đoàn thay cho ông Đặng Tất Thắng – người chỉ vừa được giữ chức này từ ngày 31/3 năm nay. Ông Thắng quay lại ghế Phó Chủ tịch đến ngày 29/7 vừa qua thì xin rút khỏi HĐQT của FLC.

Cả ba thành viên Ban Kiểm soát của FLC đều xin từ nhiệm trong tháng 4 và 5. Đại hội bất thường ngày 2/7 đã bầu ba người thay thế.

Phó Tổng Giám đốc Vũ Đặng Hải Yến xin từ nhiệm hôm 13/7. FLC hiện nay còn lại 7 Phó Tổng Giám đốc. Bà Yến chính là người được cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết ủy quyền thực hiện toàn bộ quyền cổ đông của ông Quyết tại Tập đoàn FLC và Bamboo Airways. Ông Quyết hiện nắm giữ 215,44 triệu cổ phiếu FLC, tương đương 30,34% vốn điều lệ tập đoàn.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Đại gia "mạnh tay" chi hàng trăm tỷ trả nợ cho FLC là ai?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới