Chủ nhật, 24/11/2024 07:59 (GMT+7)
Thứ hai, 25/10/2021 14:45 (GMT+7)

Đảm bảo an toàn cho người và tài sản, công trình trong vùng ngập lụt, vùng có nguy cơ sạt lở

Theo dõi KTMT trên

Tại cuộc họp ứng phó với ATNĐ và mưa lũ sáng 25/10, ông Trần Quang Hoài -  Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai yêu cầu đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong vùng ngập lụt, vùng có nguy cơ sạt lở.

Xuất hiện mưa lớn tại các tỉnh Nam trung bộ do ảnh hưởng của ATNĐ

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (có khả năng mạnh lên thành bão) nên từ ngày 26 đến ngày 27/10 ở khu vực Đà Nẵng đến Bình Thuận và Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100 - 300 mm, có nơi trên 300 mm. Khu vực ven biển do kết hợp với gió mùa đông bắc nên có thể có gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 8.

Các địa phương đã và đang còn ngập như TP.Tam Kỳ, huyện Phú Ninh, Núi Thành (Quảng Nam) và huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi sẽ xuất hiện mưa to trowe lại từ ngày mai (26/10) nên nguy cơ ngập úng, lũ quét và sạt lở là rất cao; mưa lớn cùng gió giật mạnh cũng sẽ gây nguy cơ mất an toàn cao đối với các hồ chứa, các khu công nghiệp khai thác khoáng sản lớn ở Tây Nguyên và các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên, Khánh Hòa.

Đảm bảo an toàn cho người và tài sản, công trình trong vùng ngập lụt, vùng có nguy cơ sạt lở - Ảnh 1
Ông Trần Quang Khải - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai yêu cầu đảm bảo an toàn cho nhân dân trong vùng ngập lụt.

Từ ngày 27 đến ngày 30/10, khu vực Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế do ảnh hưởng của nhiễu động gió Đông kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 200 - 350 mm, có nơi trên 400 mm.

Trong khi đó theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, mực nước lúc 7h ngày 25/10 trên sông Hồng tại Hà Nội là 1,60 m, trên sông Thái Bình tại Phả Lại là 1,16 m. Dự báo đến 7h ngày 26/10, mực nước tại Hà Nội ở mức 1,65 m; 19h ngày 25/10, mực nước tại Phả Lại ở mức 0,85 m.

Tại khu vực Trung Bộ, hiện nay, lũ trên sông khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi đang xuống. Riêng các sông ở Phú Yên từ nay đến 26/10 nhiều khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này đỉnh lũ các sông ở Phú Yên lên mức BĐ1-BĐ2, có sông lên trên BĐ2. Các sông khu vực Bắc Trung Bộ biến đổi chậm.

Đảm bảo an toàn cho nhân dân trong vùng ngập lụt

Về tình hình tàu thuyền, theo báo cáo nhanh của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã kiểm đếm, hướng dẫn 49.191 phương tiện với 261.324 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, trong đó: Hoạt động khu vực giữa Biển Đông và Bắc quần đảo Trường Sa: 486 phương tiện với 5.896 người đã nắm được thông tin về ATNĐ và di chuyển trú tránh. Hoạt động vùng biển khác là 7.587 phương tiện với 40.855 người. Neo đậu tại các bến là 41.118 phương tiện với 214.573 người.

Đảm bảo an toàn cho người và tài sản, công trình trong vùng ngập lụt, vùng có nguy cơ sạt lở - Ảnh 2
Do ảnh hưởng của mưa lớn khiến Quốc lộ 1A, đoạn chạy qua địa phận xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh bị ngập nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông. (Ảnh: CAND)

Về tình hình hồ chứa, báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, hiện có 77 hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên đang điều tiết qua tràn, trong đó, Bắc Bộ 7 hồ, Bắc Trung Bộ 7 hồ, Nam Trung Bộ 17 hồ, Tây Nguyên 41 hồ, Đông Nam Bộ 5 hồ. Một số hồ xả lớn như: Sông Tranh 2, Sông Ba Hạ, Ialy, Sê San 4, Sê San 4A.

Hiện nay, giao thông trên Quốc lộ 1A đã thông xe toàn tuyến. Đường sắt Bắc Nam đã thông tuyến vào 20h ngày 24/10.

Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia tiếp tục thông tin kịp thời, chính xác về diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão để các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh. Đề nghị Bộ đội Biên phòng bắn pháo hiệu, Bộ Giao thông vận tải tăng cường thông tin trên đài duyên hải để bà con biết được vị trí nguy hiểm của áp thấp nhiệt đới để trú tránh, kịp thời thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Ông Trần Quang Hoài lưu ý, hiện nay, trên đất liền miền Trung, Tây Nguyên đang chịu ảnh hưởng của mưa lũ, giờ tiếp tục xuất hiện áp thấp nhiệt đới sắp tới nên cần có biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân trong vùng ngập lụt; Chú ý công tác an toàn giao thông qua các vùng ngập lụt, ngầm tràn. Lực lượng công an phối hợp với ngành giao thông tăng cường hướng dẫn, phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn giao thông.

Đồng thời, tiếp tục kiểm tra, rà soát, vận hành hồ chứa, phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; Bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; tiếp tục tổ chức tìm kiếm người mất tích. Kiểm tra các khu vực dân cư có nguy cơ sạt lở để kịp thời di dời. Kiểm tra, chỉ đạo các địa phương dừng tất cả các công trình đang thi công, như công trình điện gió, nhà máy thủy điện...

Thanh Tân

Bạn đang đọc bài viết Đảm bảo an toàn cho người và tài sản, công trình trong vùng ngập lụt, vùng có nguy cơ sạt lở. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới