Chủ nhật, 24/11/2024 08:50 (GMT+7)
Thứ bảy, 27/03/2021 11:03 (GMT+7)

Đằng sau ‘cơn sốt’ năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Vài năm trở lại đây, số lượng đầu tư, phát triển các dự án năng lượng tái tạo bùng phát với tốc độ chóng mặt đã khiến dạng năng lượng này đang vướng phải không ít khó khăn.

Tại dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong giai đoạn đến 2030, chương trình phát triển nguồn điện có những thay đổi lớn. Đó là phát triển với quy mô lớn nguồn điện gió, điện mặt trời (công suất nguồn điện gió gấp 3 lần và điện mặt trời gần gấp 2 lần so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh); chỉ tiếp tục xây dựng các dự án nhiệt điện than đang xây dựng và đang xúc tiến đầu tư để có thể vào vận hành trong giai đoạn 2021-2025...

Tổng công suất các nhà máy điện năm 2025 khoảng 102.000 MW và năm 2030 khoảng 138.000 MW.

Bộ Công Thương dự kiến đưa tổng công suất nguồn điện gió trên bờ lên khoảng 11.320 MW vào năm 2025, khoảng 16.010 MW vào năm 2030 và khoảng 39.600 MW vào năm 2045; đưa tổng công suất điện gió trên biển lên khoảng 3.000-5.000 MW hoặc có thể cao hơn khi có điều kiện thuận lợi vào năm 2030 và khoảng 21.000 MW vào năm 2045.

Tổng điện năng sản xuất từ các loại hình dự án điện gió dự kiến chiếm tỉ trọng khoảng 7,9% vào năm 2025, khoảng 8,1% vào năm 2030 và khoảng 19,2% vào năm 2045.

Với điện mặt trời, Bộ Công Thương dự kiến phát triển các nguồn điện sử dụng năng lượng mặt trời, gồm cả các nguồn tập trung lắp đặt trên mặt đất, mặt hồ và các nguồn phân tán lắp đặt trên mái nhà. Tổng công suất nguồn điện mặt trời khoảng 17.200 MW vào năm 2025, khoảng 26.000 MW vào năm 2030 và đạt tới khoảng 55.000 MW vào năm 2045.

Điện năng sản xuất từ nguồn điện năng lượng mặt trời dự kiến đạt tỉ lệ khoảng 7,3% vào năm 2025, khoảng 5,3% vào năm 2030 và đạt 8,9% vào năm 2045.

Đằng sau ‘cơn sốt’ năng lượng tái tạo tại Việt Nam - Ảnh 1
Vài năm trở lại đây, số lượng đầu tư, phát triển các dự án năng lượng tái tạo đã bùng phát với tốc độ chóng mặt. (Ảnh minh họa)

Đối mặt với nhiều bất ổn

Tuy nhiên, trước công suất “rất lớn” về điện mặt trời, điện gió trong hệ thống điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam không khỏi băn khoăn.

Góp ý cho dự thảo, EVN cho rằng: Theo dự thảo, các nguồn điện gió và năng lượng mặt trời sẽ phát triển mạnh (năm 2045 tỉ trọng nguồn năng lượng tái tạo, gồm cả thủy điện lớn, đạt 53%).

Tuy nhiên, nguồn năng lượng tái tạo từ điện mặt trời, điện gió có tính ổn định không cao, phụ thuộc lớn vào tình hình thời tiết. Bên cạnh đó, giai đoạn vừa qua điện gió, điện mặt trời phát triển rất nhanh nhưng đã xuất hiện một số tồn tại liên quan đến giá điện, các rào cản kỹ thuật, việc đấu nối vào hệ thống điện quốc gia,...

Theo EVN, trong Quy hoạch điện VIII chủ yếu định hướng phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo và nguồn điện sử dụng LNG, nhưng với quy hoạch mang tính động, mở nên chưa xác định quy mô, vị trí tiềm ẩn một số khó khăn trong quá trình thực hiện. Đồng thời, tỉ trọng nguồn truyền thống thấp, trong khi tỉ trọng năng lượng tái tạo quá lớn (cao hơn mục tiêu tại Nghị quyết 55) sẽ tác động lớn đến công tác đầu tư, vận hành hệ thống điện và đảm bảo an ninh cung cấp điện.

Vì thế, EVN kiến nghị cần xác định lại tỉ lệ nhất định nguồn năng lượng tái tạo đưa vào cân bằng công suất trong cân đối nguồn - tải (dựa trên số giờ huy động công suất khả dụng của nguồn năng lượng tái tạo trên phạm vi tỉnh, vùng, toàn quốc) và khả năng dự phòng từ các nguồn khác khi nguồn năng lượng tái tạo không thể vận hành.

Nêu ý kiến góp ý cho Quy hoạch VIII, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lưu ý: Vài năm gần đây, Nhà nước đã có những cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo để thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất năng lượng sạch, tuy nhiên chi phí sản xuất điện năng lượng tái tạo hiện cao hơn so với các loại hình năng lượng khác như thuỷ điện, điện than, điện khí làm tăng giá mua điện bình quân của EVN.

Điều này dẫn tới tăng giá điện sinh hoạt và điện sản xuất, gia tăng chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất công nghiệp khác, tác động bất lợi tới sản xuất kinh doanh và chi phí sinh hoạt của nhân dân.

“Vì vậy, việc bổ sung nguồn năng lượng tái tạo vào Quy hoạch cần có tiến độ phù hợp và giải pháp hợp lý cho cơ chế giá điện, tránh tình trạng thay đổi lớn về giá bán điện bình quân cũng như áp lực lên hệ thống truyền tải điện như vừa qua”, PVN góp ý.

Hệ quả của việc quy hoạch thiếu tầm nhìn

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Đất Việt, ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho biết, việc cắt giảm công suất các nhà máy năng lượng tái tạo là hệ quả của việc làm ngược. Lẽ ra phải có luật về năng lượng tái tạo rồi làm quy hoạch. Trong quy hoạch này cần tính toán nhu cầu điện năng, nơi nào cần làm nhà máy, công suất bao nhiêu, đường dây truyền tải thế nào... Đằng này, cơ quan quản lý lại đưa ra giá FIT luôn, nhà đầu tư thấy lợi lập tức đổ xô vào làm.

Điều này thấy rất rõ ở điện mặt trời. Năm 2017, Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam ra đời, đưa ra mức giá mua bán điện khuyến khích đối với điện mặt trời (FIT).

Theo đó, các dự án phát điện thương mại trước ngày 30/6/2019 sẽ được hưởng cơ chế giá ưu đãi 9,35 US cents/KWh theo hợp đồng mua bán điện 20 năm ký với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Đến tháng 6/2019, Quyết định 11 hết hạn mà không có một chính sách nào được đưa ra ngay lập tức để làm khung phát triển cho các dự án điện mặt trời, khiến các nhà đầu tư và chính quyền địa phương lúng túng.

Đến ngày 6/4/2020, Chính phủ ban hành Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, trong đó đưa giá mức giá FIT là 8,38 UScent/kWh trong 20 năm (tương đương 1.943 đồng/kWh).

Đằng sau ‘cơn sốt’ năng lượng tái tạo tại Việt Nam - Ảnh 2
Diện mặt trời mái nhà đã phát triển ồ ạt tại nhiều địa phương.

Bởi mức giá FIT hấp dẫn trên, chỉ trong vòng 8 tháng (4-12/2020), điện mặt trời mái nhà đã phát triển ồ ạt. Đặc biệt, do các công trình điện mặt trời mái nhà phát triển sau ngày 31/12/2020 không được các đơn vị điện lực ghi nhận điện năng phát lên lưới và không mua điện khi chưa có quyết định mới nói trên nên những ngày cuối năm 2020 trở thành một cuộc đua chạy nước rút của các dự án điện mặt trời mái nhà nhằm nghiệm thu, đấu nối trước ngày 1/1/2021 để đủ điều kiện hưởng giá FIT.

Tương tự, đối với điện gió, báo cáo của Bộ Công thương hồi tháng 3/2020 cho hay, trong giai đoạn 2011-2018, chỉ có 3 dự án điện gió được xây dựng và đưa vận hành với tổng công suất lắp đặt là 152,2 MW.

Tuy nhiên, sau khi có Quyết định 39/2018/QĐ-TTg về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, tính tới tháng 3/2020 đã có tổng cộng 78 dự án điện gió với tổng công suất 4.800 MW được đưa vào quy hoạch phát triển điện lực.

Tiếp đó, đến tháng 6/2020, Chính phủ đã đồng ý bổ sung 7.000 MW điện gió vào quy hoạch điện. Trong văn bản hồi tháng 9/2020, Bộ Công thương lại tiếp tục đề nghị bổ sung 6.400 MW điện gió vào quy hoạch điện hiện hành.

Sự phát triển ồ ạt của điện gió, điện mặt trời khiến đường dây truyền tải gặp khó. Theo ông Sính, điện mặt trời thường đấu vào đường dây 110kV, nhỏ nữa là vào đường dây 22-35kV. Đường dây 110kV từ trước đến nay lấy điện từ trạm biến áp 220kV về phân phối cho người dùng, tức chuyển có 1 chiều. Bây giờ, điện mặt trời đấu vào, tức là chuyển ngược. Công suất quá lớn, vượt sức chịu tải của đường dây khiến cơ quan chuyên môn buộc phải cắt giảm công suất các nhà máy điện mặt trời.

Riêng với dịp Tết, việc cắt giảm công suất các nhà máy năng lượng tái tạo là hợp lý, ông Trần Đình Sính khẳng định. Vào thời điểm này, nhu cầu tiêu thụ điện tăng trưởng thấp, dẫn tới hệ thống điện dư thừa công suất phát so với lượng điện tiêu thụ.

Tái khẳng định chính sách là tài nguyên, vị chuyên gia cho  biết, trước đây, cả thời gian dài năng lượng tái tạo không được chú ý, ngay cả Quy hoạch Điện VII, Điện VII điều chỉnh dù ở thời điểm soạn thảo, nhiều nhà khoa học, chuyên môn đã góp ý. Đến bây giờ, khi năng lượng tái tạo được quan tâm thì mới nhận ra rằng chúng ta hầu như chưa có sự chuẩn bị, dẫn đến chính sách đưa ra cũng chỉ mang tính ngắn hạn.

Cũng trao đổi với Pháp luật Việt Nam, GS.TS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam cho rằng, việc làm quy hoạch thực chất là chuẩn bị cung cầu điện năng cho một giai đoạn nào đó. Quy hoạch thường phải bắt đầu từ nhu cầu, tính toán xem trong giai đoạn đấy cần bao nhiêu điện năng, ở đâu, ngành nào sẽ cần nhiều và vào khoảng thời gian nào. Nếu trả lời đúng thì sẽ có quy hoạch tốt. Quy hoạch Điện VII là một bài học, vừa được Thủ tướng Chính phủ duyệt xong đã phải loay hoay sửa đổi, hiệu chỉnh đến 3 lần đều bắt nguồn từ việc dự báo đánh giá nhu cầu không chuẩn.

Theo chuyên gia này, khi xác định nhu cầu ở Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công thương vẫn chưa đánh giá xem nhu cầu từ các tỉnh gửi đến đã hợp lý chưa, bởi có những ngành dùng khá nhiều điện nhưng hiệu quả kinh tế mang lại thấp, cần phải thay đổi. Đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa sử dụng hiệu quả năng lượng cho các hoạt động kinh tế. Bằng chứng thấy rõ nhất là hệ số đàn hồi còn cao khi GDP tăng 1 lần thì điện phải tăng gấp đôi. Trong quy hoạch này chưa đánh giá chi tiết các vấn đề này.

Về phía cung, hiện thủy điện không còn đóng vai trò quan trọng trong Quy hoạch Điện VIII (do các thủy điện lớn đều đã xây dựng xong), điện hạt nhân lại chưa có chủ trương phát triển nên giai đoạn trước mắt chỉ còn nhà máy nhiệt điện và nguồn năng lượng tái tạo. Thời gian sắp đến sẽ xem xét xây dựng nhà máy nhiệt điện khí. Tuy nhiên, vẫn phải xác định, xem xét lại vai trò quan trọng của nhiệt điện than và trong thời gian khá dài vẫn phải xây dựng nhiệt điện than..

Theo GS Long, trong Quy hoạch Điện VIII đã nói đến nguồn nhiệt điện than nhưng chưa cụ thể. Ví dụ, cần đề cập đến vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường, quan hệ giữa Trung ương và địa phương trong việc xây dựng nhà máy nhiệt điện than rõ hơn. Thường các địa phương phản đối do đó khi định phát triển nhiệt điện than thì cần phải thể hiện trong quy hoạch sự đồng thuận giữa Trung ương và địa phương. Bên cạnh đó cũng chưa có dự kiến nhập khẩu than như thế nào để đảm bảo cân đối nguồn than trong nước và nhập khẩu.

Nguồn điện năng lượng tái tạo trong tương lai gần sẽ phát triển mạnh, nhưng lại liên quan đến chính sách giá điện của Nhà nước. Bởi để phát triển nguồn này thì chính sách giá rất quan trọng. Nếu chính sách đưa ra giá mua có lợi cho nhà đầu tư thì họ mới hăng hái tham gia và đẩy nhanh tốc độ phát triển. Nhưng trong quy hoạch cũng vẫn chưa thể hiện được cụ thể vấn đề này.

“Phương pháp luận để xây dựng Quy hoạch điện VIII so với các quy hoạch trước đây chưa mới hơn, những giải pháp để đánh giá nhu cầu tương đối chuẩn vẫn chưa thấy xuất hiện”, GS Long kết luận.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Đằng sau ‘cơn sốt’ năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới