Chủ nhật, 24/11/2024 10:51 (GMT+7)
Thứ bảy, 18/01/2020 06:45 (GMT+7)

Đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí: Phải dựa trên căn cứ khoa học mới đủ độ tin cậy

Theo dõi KTMT trên

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, việc đánh giá thiệt hại do ô nhiễm không khí phải được tính toán dựa trên căn cứ khoa học cụ thể, được kiểm định chính xác mới đủ độ tin cậy.

Đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí: Phải dựa trên căn cứ khoa học mới đủ độ tin cậy - Ảnh 1
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT.

Chiều ngày 16/1/2020, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh đã trao đổi với Phóng viên (PV) Báo TN&MT về thông tin vừa công bố tại công trình nghiên cứu về thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí tại Việt Nam năm 2018: “Nếu tính theo thời giá trong năm 2018, ô nhiễm không khí gây ra thiệt hại tương đương 10,82 - 13,63 tỉ USD, chiếm khoảng 4,4 - 5,6% GDP”. Theo nguồn thông tin này, kết quả nghiên cứu này trên cơ sở kết nối giữa mức ô nhiễm với mức độ phơi nhiễm với rủi ro bệnh tật hoặc tử vong. Thiệt hại do ô nhiễm không khí được tính trên cơ sở đo lường tổng thu nhập bị mất do chết trước tuổi kỳ vọng vì ô nhiễm không khí và đo lường mức độ chi trả của xã hội cho giảm rủi ro tử vong từ ô nhiễm không khí.

PV:Thưa PGS. TS Nguyễn Thế Chinh, ông có đánh giá như thế nào về những con số thiệt hại do ô nhiễm không khí mà Chương trình tọa đàm của Trường Đại học Kinh tế quốc dân vừa đưa ra?

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh:

Thông tin trên được công bố tại Chương trình tọa đàm chủ đề: “Tổn thất kinh tế của ô nhiễm không khí và các chính sách giảm thiểu ô nhiễm”, được tổ chức vào sáng 14/1. Tôi có tham dự tọa đàm này.

Tuy nhiên, tôi không nắm được cụ thể về nghiên cứu ấy. Để đưa ra được mức độ thiệt hại đó, tác giả căn cứ vào đâu? Căn cứ ấy có đủ độ tin cậy khoa học hay không? Đó là những câu hỏi cần được trả lời. Nếu thông tin không chắc chắn, không được kiểm định thì cần phải chỉnh sửa.

Khi đưa ra một thông tin khoa học tới cộng đồng không đơn giản, nhất là khi thông tin này lại dựa trên đánh giá có tác động đến sức khỏe của người dân. Liệu người ta có phải tử vong do ô nhiễm không khí hay không? Nếu bị ảnh hưởng do không khí thì cụ thể là do chất gì trong không khí? Việc này xác định không dễ!

Và thông tin được công bố, theo tôi, cũng cần được được các chuyên gia có ý kiến rõ ràng, đánh giá về tính khách quan và cơ sở của việc tính toán này, tạo sự minh bạch trong dư luận.

PV:Vậy theo ông, diễn biến tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh:

Đúng là chất lượng không khí ở các đô thị, làng nghề có chiều hướng suy giảm ở một số thời điểm. Ô nhiễm không khí gia tăng do lượng người ngày càng đông, xe cộ nhiều, xây dựng tăng lên. Tuy nhiên, đây mới là cảm tính, chưa khẳng định được một cách cụ thể. Cần phải có một lộ trình đánh giá, đủ phương tiện kỹ thuật, đủ phương pháp để phân tích, tức là phải có căn cứ khoa hoc đủ độ tin cậy.

Tôi cho rằng, để bảo vệ không khí, các cơ quan quản lý đã thực sự rất nỗ lực. Về mặt xây dựng chính sách, không phải đến bây giờ, Luật, Nghị định mới đặt ra vấn đề giảm thiểu ô nhiễm không khí, mà từ những năm 1988 đã đưa ra nội dung này trong các Nghị quyết. Vấn đề ở đây là tại các đô thị, làng nghề, do quản lý, quy hoach không tốt nên dẫn đến gia tăng ô nhiễm không khí. Và để đánh giá ô nhiễm ở mức độ nào, ảnh hưởng ra sao thì đều phải có kiểm định, có căn cứ khoa học chính xác, có thực chứng. Nếu cứ đưa ra một con số mà thiếu sự kiểm định, gây ảnh hưởng đến bình diện chung thì tôi không đồng ý.

Đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí: Phải dựa trên căn cứ khoa học mới đủ độ tin cậy - Ảnh 2
Ô nhiễm không khí đang là mối lo ngại lớn ở một số đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

PV:Trước tình trạng ô nhiễm không khí, có những giải pháp nào để hạn chế, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh:

Việc cần làm trước mắt là giải quyết ngay việc ngăn bụi từ các xe chở vật liệu xây dựng trong nội thành, giảm bụi từ các công trình xây dựng. Để hạn chế bụi từ giao thông, tôi đề xuất tiến hành ngay việc rửa đường, phun sương, có thể tiến hành 2 lần/ngày vào sáng và tối.

Về giải pháp ngắn hạn, tôi cho rằng, phải tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý, nhất là ở địa phương. Đơn vị quản lý phải nghiêm túc hướng dẫn, yêu cầu người dân thực thi các quy định về bảo vệ không khí nói riêng và môi trường nói chung đã được quy định trong luật và các nghị định. Tôi lấy ví dụ, tại Hà Nội, một cái xe chở cát, bụi tung dọc đường, tại sao không ai xử phạt? Xe đã quá hạn, phun khói mà không phạt? Những hành vi này đều đã được quy định trong Luật.

Cùng với đó, phải giảm phương tiện giao thông cá nhân, xây dựng quy hoạch hợp lý để tránh tắc đường, tránh hình thành các vùng ô nhiễm. Từ phía người dân cũng phải nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi như không sử dụng bếp than tổ ong, không đốt rơm, rạ…

Về lâu dài, theo tôi, nên áp dụng biện pháp vừa kết hợp kinh tế vừa giáo dục, vừa có công cụ kỹ thuật để giám sát. Ví dụ , đo được mức phát thải của nhà máy để quy ra mức phí phỉ nộp. Với một cái xe, đưa đăng ký chứng nhận phát thải, căn cứ vào mức phát thải ấy để thu phí. Nguyên tắc là phát thải càng nhiều, thu càng lớn. Hiện chúng ta thu qua xăng dầu cũng được nhưng chưa tác động lớn đến người sử dụng.

Nhìn một cách tổng thể hơn, tôi cho rằng, cần cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, biến chất thải thành nguồn lợi tài nguyên. Đơn cử như thu bụi của nhà máy xi măng để lấy bột xi măng tái sử dụng; thu hồi khí CO2 từ nhà máy thải ra khí CO2 để bán cho nhà máy xản xuất đồ uống; khói bụi đen thu lại làm mực in…

Cùng với đó, để cải thiện chất lượng không khí, cả chính quyền và doanh nghiệp, người dân đều phải chịu trách nhiệm. Trong việc này, Việt Nam có thể học hỏi bài học của Singapore hay Trung Quốc. Với mỗi chính sách đưa ra, đều cần có căn cứ khoa học, có thực tiễn và có sự đồng thuận của người dân, sự vào cuộc hợp lý của chính quyền, với tinh thần, ý thức: dù là nhà quản lý hay người dân cũng đều cùng chung bầu không khí, có như vậy, mới tích cực để giảm ô nhiễm không khí.

PV:Từ câu chuyện Việt Nam đang nỗ lực để giảm ô nhiễm không khí, ông giữ cái nhìn lạc quan, tích cực hay bi quan về vấn đề này?

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh:

Tôi tin tưởng về việc cải thiện chất lượng không khí ở Việt Nam, bởi đây là yêu cầu bức thiết mà người dân đòi hỏi, các cơ quan quản lý từ Chính phủ đến các địa phương đều đang tích cực vào cuộc. Tôi cũng thấy đồng chí Bộ trưởng Bộ TN&MT rất quyết liệt trong vấn đề này.

Chúng tôi đang sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, với các nội dung sát thực, giải quyết những vấn đề nóng thực tiễn như ô nhiễm không khí. Chúng tôi học hỏi từ các nước trên thế giới, đánh giá từ thực tiễn, tham vấn ý kiến của người dân để đưa ra những quy định trong Luật có tính thực thi cao, dễ áp dụng trong cuộc sống, nhận được sự đồng thuận của người dân và toàn xã hội.

PV:Trân trọng cảm ơn ông!

Bạn đang đọc bài viết Đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí: Phải dựa trên căn cứ khoa học mới đủ độ tin cậy. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới