Chủ nhật, 24/11/2024 08:44 (GMT+7)
Thứ ba, 08/02/2022 19:00 (GMT+7)

Đặt mục tiêu Việt Nam thành nước nông nghiệp hàng đầu thế giới năm 2050

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam với chiến lược tái cấu trúc ngành nông nghiệp, hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản bình quân từ 2,5-3%/năm và trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới trong 30 năm tới.

Có thể nói, đây là mục tiêu được đề ra trong Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký phê duyệt tại Quyết định số 150/QĐ-TTg.

Với chiến lược xác định mục tiêu chung là xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới.

Đặt mục tiêu Việt Nam thành nước nông nghiệp hàng đầu thế giới năm 2050 - Ảnh 1
Xác định mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa hiện đại. (Ảnh: Internet)

Còn nền nông nghiệp không chỉ hướng đến đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, ổn định kinh tế - xã hội mà còn góp phần phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.

Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp cũng là một trong những mục tiêu chung mà Chiến lược hướng đến, nhằm tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn, đảm bảo cơ hội phát triển công bằng giữa các vùng, miền.

Mặt khác, ngành nông nghiệp còn tập trung phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Trên cơ sở các mục tiêu chung, Chiến lược đặt ra các mục tiêu cụ thể, đến năm 2030 có tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản bình quân từ 2,5-3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5-6%/năm.

Mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu với tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản bình quân từ 5-6%/năm.

Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5-3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1-1,5%/năm.

Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Cả nước có ít nhất 90% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 42%, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 1 triệu ha.

Tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3-5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.

Đặt mục tiêu Việt Nam thành nước nông nghiệp hàng đầu thế giới năm 2050 - Ảnh 2
Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Đáng chú ý, ngành nông nghiệp xác định tầm nhìn dài hạn, đến năm 2050 phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới, có ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị.

Tại hội thảo tham vấn “Dự thảo Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050”, ngày 29/11/2021, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã chỉ ra hai tồn tại của ngành nông nghiệp Việt Nam là phát triển đơn ngành và sử dụng nhiều đất đai, chi phí đầu vào thay vì sử dụng yếu tố khoa học công nghệ hay những mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, thị trường hiện nay không chỉ mua nông sản dựa trên giá cả mà dựa trên nhiều giá trị khác như: không tác động tới biến đổi khí hậu, môi trường, sức khỏe của chính người nông dân. Ngành nông nghiệp cần định vị lại những giá trị cốt lõi, tiếp cận xu thế tại tất cả ngành hàng. “Chiến lược phải hướng đến sự tăng trưởng bao trùm, tạo ra bao nhiêu việc làm, người nông dân được thụ hưởng sự phát triển của ngành nông nghiệp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Từ những nhận định đó, Chiến lược đặt ra định hướng, nhiệm vụ đối với từng lĩnh vực sản xuất.

Cụ thể, đối với trồng trọt, ngành nông nghiệp tập trung vào đổi mới cơ cấu cây trồng và thực hiện chế độ quản lý mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách linh hoạt hơn nhằm phát huy lợi thế là ngành sản xuất chiến lược đảm bảo nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu. Ưu tiên phát triển các cây trồng có lợi thế so sánh và nhu cầu lớn (cây công nghiệp, cây ăn quả nhiệt đới, lúa gạo chất lượng cao...).

Sản xuất lúa gạo cần tiếp tục phát huy lợi thế của Việt Nam nhưng với những đổi mới về tư duy, chính sách quản lý, sử dụng đất trồng lúa và sản xuất lúa gạo - từ tập trung phát triển về sản lượng sang coi trọng chất lượng, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, vừa khai thác, sử dụng tài nguyên đất, nước một cách hiệu quả cao nhất.

Đối với chăn nuôi, ngành nông nghiệp định hướng đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về thực phẩm cho thị trường trong nước; Phát triển các ngành hàng có tiềm năng và thị trường như thịt gia cầm, trứng, sữa; Duy trì chăn nuôi lợn và gia súc lớn. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, vật nuôi bản địa, đặc sản có giá trị cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, bền vững môi trường, an toàn sinh học và dịch bệnh.

Song song với phát triển chăn nuôi công nghiệp áp dụng công nghệ cao tại các trang trại và doanh nghiệp lớn, Chiến lược khuyến khích chăn nuôi hộ truyền thống cải tiến theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ.

Cùng với đó, phát triển thủy sản thành ngành sản xuất chiến lược, đảm bảo nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu. Trong đó, phát triển ngành nuôi thủy sản theo hướng nuôi tập trung công nghiệp, công nghệ hiện đại với các cơ sở sản xuất quy mô lớn và đối với hộ quy mô nhỏ thì áp dụng công nghệ cải tiến, nuôi hữu cơ, phối hợp nuôi lồng bè, ao hồ tập trung và luân canh/xen canh... ưu tiên phát triển vùng nuôi chuyên canh chính cho các sản phẩm chiến lược như tôm, cá tra.

Đặt mục tiêu Việt Nam thành nước nông nghiệp hàng đầu thế giới năm 2050 - Ảnh 3
Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn.

“Trong bối cảnh mới, cần có một chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn mang tính hệ thống, có định hướng bao quát, dài hạn trong 10 năm và có thể có những tầm nhìn dài hạn hơn nữa. Chiến lược này hiện thực hóa định hướng của Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII”.

Thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp. Trong đó, Chiến lược nêu rõ cần chuyển mạnh từ xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”.

Ưu tiên hoàn chỉnh chuỗi giá trị cho các ngành hàng chủ lực quốc gia, hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị cho ngành hàng chủ lực của các địa phương.

Chiến lược cũng nêu rõ, cùng với phát triển nông nghiệp, chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng phi nông nghiệp để giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập.

Mạnh Quân

Bạn đang đọc bài viết Đặt mục tiêu Việt Nam thành nước nông nghiệp hàng đầu thế giới năm 2050. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới