Đầu tư năng lượng sạch "ngóng" Quy hoạch điện VIII
Việc các địa phương đồng loạt xin bổ sung vào quy hoạch lượng lớn năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, diễn ra trong bối cảnh Bộ Công Thương đang phải hoàn thiện lại Quy hoạch điện VIII, cập nhật những cam kết về giảm phát thải ròng về 0 tại COP26.
Doanh nghiệp Hà Lan muốn đầu tư điện gió tại Bắc Giang
Sáng nay (21/4), ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam và Công ty Pondera (Hà Lan) trao đổi về hợp tác phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, tỉnh đang trên đà phát triển, tăng trưởng kinh tế cao, nhu cầu sử dụng điện lớn trong khi năng lượng điện gió là nguồn năng lượng đang được Chính phủ Việt Nam khuyến khích. Vì vậy, tỉnh Bắc Giang đề nghị phía doanh nghiệp của Hà Lan cần có sự nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về địa điểm khảo sát tại tỉnh Bắc Giang tránh trùng với các đơn vị khác, bảo đảm hiệu quả khi thực hiện.
Theo đánh giá của Công ty Pondera, Bắc Giang là địa phương có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng điện gió. Việc phát triển thêm nguồn năng lượng này sẽ khắc phục tình trạng thiếu điện hiện nay. Qua đó bảo đảm nguồn điện phục vụ cho sản xuất và an ninh năng lượng.
Chính vì vậy, Công ty mong muốn được tham gia hợp tác thực hiện dự án phát triển năng lượng điện gió tại tỉnh Bắc Giang. Qua khảo sát trên địa bàn tỉnh, Công ty nhận thấy để phát triển nguồn năng lượng này, tỉnh cần chọn khu vực có tốc độ gió cao, cách xa khu dân cư, sân bay…như ở các huyện: Yên Dũng, Lục Nam, Sơn Động.
Hiện nay, sản xuất điện gió đang được Chính phủ khuyến khích bởi không chỉ tạo ra nguồn năng lượng sạch mà còn tạo cảnh quan tại khu vực thực hiện. Việc nghiên cứu, lập quy hoạch và thực hiện dự án đầu tư sản xuất điện gió phù hợp với định hướng phát triển năng lượng của Chính phủ, phù hợp với định hướng, chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - ông Phan Thế Tuấn, hiện đã có 7 nhà đầu tư lớn xin khảo sát, lập quy hoạch 10 dự án năng lượng điện gió tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Dũng với tổng công suất đăng ký 700 MW. Nhưng do Quy hoạch điện VIII chưa được phê duyệt nên tỉnh chỉ đang cho phép các nhà đầu tư khảo sát, lắp đặt cột gió phục vụ công tác lập dự án.
Hàng loạt địa phương xin làm điện gió, liệu có khả thi?
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến cuối năm 2021 đã có 55 địa phương đề xuất bổ sung nguồn điện gió vào Quy hoạch điện VIII, với tổng công suất đạt hơn 440.000 MW. Trong đó "nổi" nhất là hai tỉnh: Ninh Thuận và Bình Thuận.
Là hai địa phương có nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) phát triển bùng nổ thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận xin bổ sung vào Quy hoạch điện VIII lần lượt hơn 25.300 MW và 42.595 MW. Phần lớn nguồn điện năng lượng tái tạo mà hai địa phương này xin bổ sung vào quy hoạch là điện gió ngoài khơi với những dự án rất lớn.
Như tại Bình Thuận là các dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind 3.400 MW; La Gàn 3.500 MW, Tuy Phong 4.600 MW, Bình Thuận 5.000 MW. Còn tỉnh Ninh Thuận muốn bổ sung gần 1.900 MW điện gió trên bờ, 4.400 MW điện gió gần bờ, và 21.000 điện gió ngoài khơi vào Quy hoạch điện VIII.
Ngay cả một số tỉnh miền Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định... cũng xin Chính phủ bổ sung lượng lớn công suất điện gió, điện khí vào Quy hoạch điện VIII trong lần sửa đổi này. Cụ thể, Quảng Ninh muốn bổ sung khoảng 5.000 MW điện gió; Hải Phòng đề nghị bổ sung 3.900 MW điện gió ngoài khơi; Thái Bình 8.700 MW điện gió; hay Nam Định 12.000 MW...
Việc các địa phương đồng loạt xin bổ sung vào quy hoạch lượng lớn công suất năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện khí, diễn ra trong bối cảnh Bộ Công Thương đang phải hoàn thiện lại Quy hoạch điện VIII, cập nhật những cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính về giảm phát thải ròng về 0 tại hội nghị COP 26.
Quá trình hoàn thiện bản quy hoạch này, Bộ Công Thương được yêu cầu rà soát lại quy hoạch nguồn điện than sau năm 2030 theo hướng chuyển đổi nhiên liệu hoặc không tiếp tục phát triển nếu dự án không có các ràng buộc, có nguy cơ gây thiệt hại về kinh tế. Cùng đó, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu cân nhắc tăng thêm quy mô điện gió ngoài khơi và nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nguồn điện này.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tỏ ý lo ngại khi các địa phương ồ ạt xin bổ sung lượng lớn công suất nguồn đặt điện gió, điện khí LNG.
Theo đó, con số xin bổ sung quy hoạch của các địa phương đã gấp gần 3 lần kịch bản đến năm 2030 mà Bộ Công Thương đưa ra tại phương án tính toán dự thảo Quy hoạch điện VIII vào tháng 11. Trong đó, lượng công suất điện gió ngoài khơi mà các địa phương xin bổ sung vượt xa con số trong kịch bản của Bộ Công Thương là 4.000 MW vào năm 2030; 10.000 MW vào 2035, rồi tăng lên 23.000 MW vào 2040 và đạt 36.000 MW vào năm 2045.
Việc xin bổ sung lượng lớn nguồn điện gió, điện khí vào quy hoạch như vậy, ông Vy nhận xét chắc chắn ảnh hưởng tới tính toán cân đối nguồn của quy hoạch.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, TS. Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, nhấn mạnh, dự án điện gió phải nằm trong quy hoạch thì mới có thể cho phép.
“Điện mặt trời lúc đó là không nằm trong quy hoạch. Quy hoạch điện 7 bị vỡ trận, dùng nhiệt điện than là chính nên vỡ trận, không xây dựng được. Cho nên tất cả điện gió đổ xô vào để thay thế, nhưng khi đó quy hoạch đường dây không đồng bộ, nên khi đưa vào không có dây truyền tải, nên đã sinh chuyện... Nhưng bây giờ mà đã đưa vào thì phải làm đường dây, làm quy hoạch đường dây thì mới được xây dựng điện gió”, TS. Ngô Đức Lâm dẫn chứng.
Khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch điện VIII
Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia đặc biệt quan trọng trong hệ thống các quy hoạch ngành quốc gia, được Bộ Công Thương tổ chức lập theo nhiệm vụ lập quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1264/QĐ-TTg ngày 1/10/2019. Đây là quy hoạch ngành quốc gia được các địa phương trong cả nước đặc biệt quan tâm và có nhiều kiến nghị, đóng góp trong quá trình Bộ Công Thương tổ chức lập, cũng như giai đoạn hoàn thiện quy hoạch theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Khẳng định đây là quy hoạch khó, vì phải giải bài toán tổng hợp các yếu tố: đặt nguồn điện ở đâu, vừa phải bảo đảm phụ tải, bảo đảm giá thành hợp lý, đồng thời phải thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 "đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050" nên suốt 1 năm qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì hàng chục cuộc họp để hoàn thiện quy hoạch.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các địa phương tại hội nghị để hoàn thiện Quy hoạch điện VIII, đồng thời, khẩn trương hoàn tất các thủ tục thẩm định và trình duyệt.
Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Công Thương làm rõ các tiêu chí xác định các dự án quan trọng, ưu tiên từng thời kỳ để bố trí không gian phát triển các vùng, miền, địa phương, bảo đảm minh bạch, hiệu quả; rà soát đồng bộ quy hoạch nguồn và lưới điện truyền tải; xác định danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên phát triển từng thời kỳ, nhất là giai đoạn 2021 - 2025, 2026 - 2030.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch điện VIII theo quy định và triển khai thủ tục để họp Hội đồng thẩm định trước ngày 25/4.
Lan Anh