Chủ nhật, 24/11/2024 06:56 (GMT+7)
    Thứ bảy, 22/01/2022 17:02 (GMT+7)

    Đẩy mạnh đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị tại Hà Nội

    Theo dõi KTMT trên

    Nhiều công trình hạ tầng lớn của Thủ đô thời gian qua được đưa vào sử dụng, từng bước được đồng bộ, hiện đại, góp phần quan trọng vào quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

    Hạ tầng đồng bộ

    Theo ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, công tác phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn Thủ đô từng bước được đồng bộ, hiện đại và mở rộng về quy mô.

    Chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông tính đến hết năm 2021 đạt 10,21%, đã tổ chức triển khai 97 dự án cải tạo, sửa chữa hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch, nhận bàn giao, triển khai kế hoạch vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

    Đẩy mạnh đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị tại Hà Nội - Ảnh 1

    Công tác phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn Thủ đô từng bước được đồng bộ, hiện đại và mở rộng về quy mô.

    Cùng với đó, triển khai đầu tư xây dựng, nâng công suất một số nhà máy sử dụng nguồn nước mặt sông Đà, sông Hồng, sông Đuống... đảm bảo cấp nước sạch ổn định cho 100% người dân đô thị. Khu vực nông thôn có 252/414 xã được tiếp cận nguồn nước sạch từ việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung của TP, chiếm 80%. Tổng lượng nước thải được xử lý đạt trên 68,2 triệu m3, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt 28,8%.

    Đồng thời quản lý, vận hành an toàn 2 khu xử lý chất thải rắn tập trung của TP.Hà Nội. Trong năm 2021, UBND TP.Hà Nội ban hành Kế hoạch số 152/KH-UBND đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dụng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát điện tại Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây - huyện Ba Vì).

    Tăng cường đôn đốc tiến độ thi công, tháo gỡ khó khăn cho Nhà máy điện rác 4.000 tấn Sóc Sơn, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư Nhà máy điện rác Seraphin, đảm bảo đủ điều kiện khởi công trong quý I/2022.

    Riêng với hạ tầng điện, trong năm 2021 thực hiện giải phóng mặt bằng hỗ trợ dự án đường dây 500 kV Tây Hà Nội - Thường Tín; đường dây 500 kV Nho Quan - Thường Tín (mạch 2); Đường dây 220 kV Phủ Lý - Thường Tín, nâng công suất Trạm biến áp 220 kV Xuân Mai.

    Đẩy mạnh đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị tại Hà Nội - Ảnh 2
    Ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội.

    Ông Hoàng Cao Thắng cho hay: “Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã đề ra rất nhiều nội dung quan trọng liên quan đến việc phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng. Căn cứ vào đó, Sở Xây dựng với chức năng là cơ quan thường trực đã tập trung vào công tác tham mưu về cơ chế, chính sách, văn bản pháp quy và các quy hoạch, kế hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị, giúp công tác phát triển hạ tầng của Thủ đô đã thu được nhiều kết quả tích cực trong năm qua”.

    Xã hội hóa đầu tư được đẩy mạnh

    Để đánh giá khách quan, bên cạnh kết quả đạt được, công tác đầu tư phát triển hạ tầng vẫn còn tồn tại, hạn chế, như: Nhiều công trình, dự án chậm triển khai do phụ thuộc vào kế hoạch đầu tư công trung hạn; Dự án nước sạch nông thôn, nhà máy đốt rác phát điện chậm tiến độ; Công tác quản lý vận hành nhà chung cư tái định cư, nhiều bất cập trong cải tạo xây dựng lại chung cư cũ xảy ra.

    Đẩy mạnh đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị tại Hà Nội - Ảnh 3
    Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp.

    Tôi cho rằng, trong quá trình đô thị hóa, chỉnh trang, phát triển kinh tế đô thị cần phải đẩy mạnh, sử dụng tối đa sức mạnh từ thành phần kinh tế tư nhân, giúp Nhà nước huy động được nguồn lực xã hội lớn để phục vụ công tác cải tạo, thiết kế và xây dựng đô thị, trong đó có phương thức BT. Thời gian qua, việc sử dụng các hợp đồng BT gây ra nhiều bất cập là hệ quả của một cơ chế quản lý chưa hiệu quả.

    Theo nhiều chuyên gia, công tác chỉnh trang, phát triển đô thị, kinh tế đô thị của Thủ đô thời gian qua gặp nhiều khó khăn do nguồn ngân sách eo hẹp. Do đó, việc huy động nguồn lực xã hội hóa giữ vai trò đặc biệt quan trọng, nhưng ngân sách Nhà nước giữ vai trò chủ đạo để huy động các thành phần kinh tế tham gia, trên cơ sở đó có thể kết hợp một số hình thức, như:

    Đối tác công – tư (PPP); Nhà nước – Nhân dân cùng làm, người dân góp kinh phí tự thực hiện, quản lý, chính quyền tham gia giám sát; Nhà nước chủ trì điều hành dự án di dời, tái định cư ở khu vực xuống cấp để thực hiện cải tạo, chỉnh trang đô thị, sau đó huy động nguồn vốn xã hội hóa vào triển khai.

    Đẩy mạnh đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị tại Hà Nội - Ảnh 4
    Chuyên gia quy hoạch đô thị, thạc sĩ Trần Tuấn Anh.

    Theo chuyên gia quy hoạch đô thị, thạc sĩ Trần Tuấn Anh nhận định: “Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách tham gia công tác chỉnh trang, cải tạo đô thị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là hết sức quan trọng. Vì vậy, đề xuất Chính phủ xem xét, tạo điều kiện và TP.Hà Nội cần đề xuất cơ chế đặc thù để vận động, thu hút và thực hiện có hiệu quả nguồn vốn đầu tư PPP, BT, BOT... trên cơ sở công khai, minh bạch sẽ trở thành tiền đề quan trọng trong công cuộc phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại của Thủ đô”.

    Bùi Hằng (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Đẩy mạnh đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị tại Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới