Chủ nhật, 24/11/2024 08:30 (GMT+7)
Thứ sáu, 31/07/2020 09:00 (GMT+7)

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án giao thông vận tải

Theo dõi KTMT trên

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đối với các dự án của ngành giao thông.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án giao thông vận tải - Ảnh 1
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo sau khi nghe báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Cùng dự buổi làm việc có đại diện Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước; một số bộ, ban, ngành liên quan, địa phương có dự án giao thông trọng điểm.

Nỗ lực vượt qua khó khăn

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, thời gian qua, trong điều kiện khó khăn chung của tình hình thế giới và trong nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành giao thông vận tải đã chủ động, quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong thực hiện giải ngân các dự án quan trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, một số công trình, dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, lúng túng trong tổ chức triển khai thực hiện. Điển hình là các dự án thành phần thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các sân bay nội vùng, dự án ODA, dự án giao thông đô thị… Những vướng mắc chủ yếu liên quan đến sự chồng chéo, thiếu đồng bộ của một số quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, quản lý - sử dụng tài sản công, quản lý tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp…

Ngoài ra, chất lượng quy hoạch phát triển ngành còn hạn chế, chưa được điều chỉnh kịp thời; chất lượng công tác chuẩn bị các dự án đầu tư của ngành giao thông vận tải còn thấp; chưa cân đối được vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng tại một số dự án trọng điểm còn phức tạp, khó khăn như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, một số dự án giao thông đô thị…

Theo số liệu thống kê, tổng số kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 của Bộ Giao thông Vận tải được giao đến nay là 233 nghìn tỉ đồng. Thực tế bố trí kế hoạch hàng năm cho ngành chỉ được 161 nghìn tỉ đồng. Việc bố trí vốn không kịp thời, không phù hợp với tiến độ và kế hoạch triển khai các dự án dẫn đến những khó khăn trong công tác giải ngân.

Việc thu hút nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cũng gặp nhiều khó khăn, điển hình là các dự án giao thông đường bộ. Tình trạng tăng vốn, đội vốn ở các công trình trọng điểm vẫn còn tồn tại, gây khó khăn cho bổ sung các nguồn vốn cần thiết. Công tác triển khai chuyển đổi hình thức đầu tư đối với các dự án thành phần của Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam còn lúng túng.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án giao thông vận tải - Ảnh 2
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phát biểu. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, tính đến hết tháng 6/2020, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân được 13.388 tỉ đồng, đạt 33,7% kế hoạch giải ngân cả năm, cao so với bình quân chung cả nước là 28,9%. Dự kiến tới hết tháng 7/2020, Bộ sẽ giải ngân được khoảng 16.587 tỉ đồng, đạt 41,7% kế hoạch cả năm, sản lượng thực hiện ước đạt 17.085 tỉ đồng.

Đối với 12 dự án ODA lớn của ngành, đã có 5 dự án cơ bản hoàn thành. Riêng tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ Giao thông Vận tải đã cơ bản hoàn thành, hiện chỉ còn chờ vận hành thử, nghiệm thu, đánh giá an toàn và thanh quyết toán. Những vướng mắc này rất cần các bộ, ngành, thành phố Hà Nội hỗ trợ.

Đối với hai dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thiện thủ tục, khởi công 2 dự án này vào ngày 29/6/2020 theo đúng tiến độ Thủ tướng Chính phủ yêu cầu và hiện đang tích cực triển khai thi công các gói thầu xây lắp. Về kết quả giải ngân, lũy kế đến hết tháng 7/2020, hai dự án trên dự kiến giải ngân được 274/828 tỉ đồng (33%), còn lại 554 tỉ đồng sẽ giải ngân trong các tháng cuối năm.

Lý giải một số nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả giải ngân, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, hiện công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, nhiều công trình, dự án chưa đạt kế hoạch đề ra, đặc biệt là hạng mục xây dựng các khu tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, viễn thông...) của Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua 13 tỉnh; hầu hết các địa phương đều có vướng mắc. Một số dự án ODA còn gặp nhiều vướng mắc về cơ cấu nguồn vốn, cơ cấu tổng mức đầu tư, thủ tục gia hạn Hiệp định, đối chiếu thu, chi... Một số dự án đang triển khai thực hiện thủ tục điều hòa, điều chỉnh kế hoạch trung hạn có tiến độ nhanh, nhu cầu giải ngân lớn nhưng vượt kế hoạch trung hạn đã giao cần điều chỉnh để có cơ sở bố trí vốn tiếp tục triển khai thi công…

Tập trung phát triển hệ thống đường bộ cao tốc

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án giao thông vận tải - Ảnh 3
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương, đánh giá cao các giải pháp đồng bộ của ngành giao thông vận tải trong giai đoạn 2016-2020, đặc biệt là trong năm 2020, khi cả nước phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Nhờ vậy, tỉ lệ giải ngân trong 6 tháng đầu năm đạt mức khá so với bình quân chung cả nước; chất lượng dự án giao thông được nâng cao, thất thoát lãng phí từng bước được hạn chế, hiệu quả đầu tư tăng lên…

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ những khó khăn cũng như hạn chế, yếu kém chưa khắc phục được của ngành giao thông vận tải như: Hệ thống kết cấu giao thông ở các đô thị lớn còn thiếu đồng bộ. Tiến độ đầu tư những dự án lớn còn chậm, điển hình là tuyến đường cao tốc Bắc - Nam bị chậm so với tiến độ khoảng 1 năm. Hệ thống đường sắt lạc hậu, năng lực vận tải thấp, không an toàn. Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không chưa bài bản, đầu tư thiếu đồng bộ, chắp vá. Hệ thống cảng biển đầu tư không đồng bộ, thiếu hệ thống logistics, dẫn đến giá thành, chi phí logistics tăng cao, làm hạn chế tính cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam. Cùng với đó, đường thủy nội địa chưa phát huy hết năng lực, phát triển giao thông đô thị còn chậm, các tuyến đường vành đai chưa được liên thông…

Phó Thủ tướng nhận định, việc quy hoạch thiếu bài bản, thiếu tầm nhìn, thiếu dự báo; kế hoạch hóa đầu tư không đạt mục tiêu dẫn dắt; quá trình thực hiện đầu tư xây dựng các dự án giao thông còn chậm; xã hội hóa nguồn vốn đầu tư gặp khó, năng lực nhà đầu tư không đạt chất lượng; không chủ động kế hoạch chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc…, là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế, yếu kém nêu trên.

Để khắc phục những yếu kém này, theo Phó Thủ tướng, ngành giao thông vận tải phải tăng cường trách nhiệm của các cấp, ngành liên quan đến những dự án đầu tư xây dựng từ Trung ương đến địa phương.

"Nhiệm vụ của ngành giao thông vận tải thời gian tới là rất nặng nề, yêu cầu tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên phát triển hệ thống đường bộ cao tốc, cảng hàng không, đường thủy nội địa, nâng cấp hệ thống đường sắt quốc gia, phát triển hệ thống đường sắt đô thị, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường ổn định, phát triển hệ thống giao thông vận tải quốc gia", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị, thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án quan trọng ngành giao thông vận tải, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư, Bộ Giao thông vận tải cùng các bộ, ngành, địa phương có dự án cần triển khai hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án cao tốc Bắc - Nam và nhiều dự án trọng điểm khác như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án giao thông đô thị lớn... Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, quy định liên quan đến đền bù, tái định cư.

Đối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Phó Thủ tướng đề nghị Hội đồng thẩm định nhà nước khẩn trương hoàn thiện việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi trình Thủ tướng Chính phủ; tỉnh Đồng Nai tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. Đối với Dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và các dự án phát triển hạ tầng hàng không, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành giao thông vận tải cần đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án cải tạo đường cất, hạ cánh; sớm hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế nhà ga T3. Với dự án mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không Nội Bài, Điện Biên, Chu Lai…, Phó Thủ tướng chỉ rõ, Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương rà soát quy hoạch mạng lưới cảng hàng không, dự báo nhu cầu phát triển trong tương lai để có những giải pháp về hình thức, kế hoạch đầu tư phù hợp.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan tập trung hướng dẫn thủ tục thanh toán cho các dự án BT đã triển khai (La Sơn - Túy Loan, Quốc lộ 20… theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 6182/VPCP-KTTH (gồm phương thức hoàn vốn, thủ tục chứng nhận đầu tư..).

Đặc biệt, để chuẩn bị tốt cho nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2025, Phó Thủ tướng đề nghị ngành giao thông vận tải dự báo tốt nhu cầu vốn đầu tư cho các công trình, dự án giao thông trọng điểm để có phương án bố trí, huy động nguồn lực và thực hiện kế hoạch hóa đầu tư phù hợp với từng loại hình công trình, dự án.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án giao thông vận tải - Ảnh 4
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là ở các dự án trọng điểm như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam; Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam…

Thu Phương

Bạn đang đọc bài viết Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án giao thông vận tải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới