Chủ nhật, 24/11/2024 06:30 (GMT+7)
Chủ nhật, 19/07/2020 13:35 (GMT+7)

Quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ

Theo dõi KTMT trên

Thủ tướng Chính phủ cho biết, mục tiêu đặt ra là phải nỗ lực phấn đấu quyết tâm cao nhất để giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và các năm trước chuyển sang. Từ ngày 20-22/7, trên khu vực thượng lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình và các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-4m.

Quyết tâm cao nhất giải ngân 100% vốn đầu tư công

Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương nêu rõ: Mục tiêu đặt ra là phải nỗ lực phấn đấu quyết tâm cao nhất để giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và các năm trước chuyển sang.

Quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ - Ảnh 1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Mục tiêu đặt ra là phải nỗ lực phấn đấu quyết tâm cao nhất để giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và các năm trước chuyển sang.

Theo đó, để đạt được mục tiêu nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.

Thứ nhất, các Bộ, cơ quan, địa phương phải xác định rõ các tồn tại, yếu kém trong các khâu từ chỉ đạo, điều hành, quản lý đến tổ chức thực hiện dự án đầu tư. Xác định công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền.

Thứ hai, phân công trách nhiệm từng đồng chí Lãnh đạo của Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phụ trách trực tiếp từng lĩnh vực đầu tư, theo dõi tiến độ thực hiện, giải ngân của từng dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; kiên quyết không để chậm những việc thuộc thẩm quyền được giao và phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan.

Thứ ba, điều chuyển từ các dự án giải ngân chậm sang dự án có nhu cầu giải ngân cao. Đối với số vốn kế hoạch năm 2020 chưa giao chi tiết cho từng dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương giao trước ngày 31/7/2020; quá thời hạn trên, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp chung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để điều chuyển cho Bộ, cơ quan, địa phương khác có khả năng giải ngân cao, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án trong năm 2020.

Thứ tư, Thủ tướng Chính phủ sẽ họp giao ban 1 tháng/lần với các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương định kỳ 15 ngày phải rà soát, cập nhật kết quả giải ngân, những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Hàng tháng công khai kết quả giải ngân của từng bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tại phiên họp Chính phủ, trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vùng hội tụ gió trên cao đang hoạt động trên khu vực vùng núi Bắc Bộ gây mưa to và nguy cơ xảy ra lũ trên khu vực thượng lưu sông Hồng-Thái Bình; lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên.

Quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ - Ảnh 2
Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên thượng lưu sông Thao (sông Hồng), sông Chảy và các sông suối nhỏ có khả năng đạt mức báo động 1. (Ảnh minh hoạ)

Do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao hoạt động mạnh dần lên nên từ chiều tối và đêm 19/7, ở Bắc Bộ có mưa rào, dông; riêng Tây Bắc, Việt Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Đợt mưa này có khả năng kéo dài trong 2-3 ngày tới.

Khu vực Hà Nội từ đêm 19/7 đến ngày 22/7 có khả năng xảy ra mưa rào và dông. Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá là cấp 1.

Từ ngày 20-22/7, trên khu vực thượng lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình và các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-4m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên thượng lưu sông Thao (sông Hồng), sông Chảy và các sông suối nhỏ có khả năng đạt mức báo động 1.

Nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi khu vực Bắc Bộ, đặc biệt tại các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất là cấp 1.

Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng lên 18%- 22%

Theo thông tin từ Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), các ngân hàng như VPBank, TPBank, Techcombank, VIB, HDBank đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt nới room tăng trưởng tín dụng lên 18% - 22%.

Quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ - Ảnh 3
Việc nới room tín dụng cho một số ngân hàng điều kiện tăng trưởng lành mạnh đã được thực hiện từ đầu tháng 7 nhằm thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế.

Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến nhu cầu tín dụng toàn nền kinh tế nửa đầu năm suy giảm mạnh. Trước tình hình đó, VCBS cho biết Ngân hàng Nhà nước đã nới room tăng tín dụng lên mức 18 – 22% cho một số ngân hàng bao gồm: Techcombank, VPBank, TPBank, VIB, HDBank,... Đồng thời kì vọng tín dụng toàn hệ thống sẽ tăng dưới 10% năm 2020.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – Lê Minh Hưng cho biết, việc nới room tín dụng cho một số ngân hàng điều kiện tăng trưởng lành mạnh đã được thực hiện từ đầu tháng 7 nhằm thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế.

Đồng thời, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế, sẽ điều hành tỉ giá ổn định và sẵn sàng các biện pháp cần thiết can thiệp thị trường nếu có các biến động quá mức gây bất ổn vĩ mô.

Ngành giao thông cần 1 triệu tỉ nhưng Quốc hội chỉ bố trí 235.000 tỉ đồng

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, nhu cầu phát triển giao thông ở tất cả các vùng miền, các tỉnh, thành rất lớn nhưng khả năng đáp ứng thấp. Nhiều địa phương kiến nghị về các dự án kéo dài gây bức xúc nhưng thực tế là do không có vốn.

"Trong nhiệm kỳ này, Bộ dự kiến báo cáo Quốc hội, Chính phủ gần 1 triệu tỉ đồng nhưng Quốc hội chỉ bố trí được 235.000 tỉ, vì thế nếu chỉ dựa vào ngân sách thì sẽ rất khó khăn", ông Nguyễn Văn Thể phân tích.

Hiện Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành trung ương, các địa phương xây dựng các phương án để cuối năm nay báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét, bố trí vốn trong nhiệm kỳ 2021-2025.

Về tiến độ giải ngân vốn ngành giao thông năm 2020, ông Thể cho biết ngành sẽ giải ngân 100% vốn ngân sách trong nước, khoảng 30.000 tỉ, kể cả vốn nước ngoài là khoảng 40.000 tỉ đồng.

Người đứng đầu ngành giao thông cũng bày tỏ mong muốn có sự chia sẻ hơn nữa từ các bộ, ngành trung ương và các địa phương. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp nhiều kế hoạch, trong đó có đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để giảm phần đầu tư của nhà nước, bởi sẽ rất khó khăn nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước.

Siêu dự án Dream City gần 38.000 tỉ của Vinhomes đang chờ Thủ tướng chấp thuận

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về kết quả thẩm định chủ trương đầu tư dự án khu đô thị sinh thái Dream City trên địa bàn huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên của Công ty Cổ phần Vinhomes.

Theo đó, dự án khu đô thị sinh thái Dream City có tổng mức đầu tư gần 38.000 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu chiếm 15% tổng vốn đầu tư, 85% còn lại là vốn vay và vốn huy động.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do dự án này có tổng mức đầu tư 38.000 tỉ đồng nên thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng. Trường hợp dự án phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư thuộc UBND tỉnh Hưng Yên.

Tuy nhiên, tại báo cáo của UBND tỉnh Hưng Yên vào hồi tháng 4, tỉnh này đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này.

Đánh giá việc đầu tư dự án trong giai đoạn hiện nay là cấp bách và cần thiết, do quỹ đất nội đô ngày càng bị thu hẹp nên có xu hướng dịch chuyển về các khu đô thị xanh vùng ngoại ô, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Hưng Yên cập nhật các nội dung quy hoạch chi tiết 1/500 vào quy hoạch chung đô thị Văn Giang trình Thủ tướng phê duyệt.

Đồng thời, tỉnh Hưng Yên phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, trong đó điều chỉnh các chỉ tiêu kỹ thuật từ đô thị loại 4 lên đô thị loại 2, chịu trách nhiệm về xác định quy mô dự án. Cùng với đó kiểm tra, giám sát việc huy động vốn của Vinhomes theo tiến độ dự án.

Dự án khu đô thị sinh thái Dream City nằm tại địa bàn xã Long Hưng và xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang với diện tích khoảng 445,4ha, dân số dự kiến 65.000 người. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm.

Tiến độ thực hiện dự án 8 năm kể từ khi phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư.

Bích Thuỷ

Bạn đang đọc bài viết Quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới