Chủ nhật, 24/11/2024 11:40 (GMT+7)
Chủ nhật, 19/01/2020 08:18 (GMT+7)

Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP

Theo dõi KTMT trên

Thời gian qua, việc sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) đang được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện nhằm tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ nhu cầu thị trường. Đến nay, đã có hàng trăm nghìn hecta cây trồng được chứng nhận VietGAP, qua đó giúp nâng cao chất lượng, giá trị cho hàng nông sản.

Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP - Ảnh 1
Vườn dưa hữu cơ của HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý, huyện Đan Phượng (Hà Nội).

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc sản xuất theo hướng VietGAP giúp tạo ra các sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, bảo vệ môi trường, sức khỏe người tiêu dùng và truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm. Ðặc biệt, sản xuất theo hướng VietGAP sẽ tiết kiệm được chi phí do sử dụng các nguồn vật tư đầu vào, quản lý sản xuất hiệu quả hơn thông qua đánh giá nội bộ và cải tiến các điểm chưa phù hợp trong hệ thống quản lý. Từ đó làm tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người nông dân. Ở nhiều địa phương, việc đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch đang được các doanh nghiệp quan tâm... Ðến nay, các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường (như VietGAP, Global GAP...) đang được nhân rộng. Qua thống kê, cả nước hiện có gần 120 nghìn hecta được chứng nhận VietGAP. Riêng năm 2019, diện tích được chứng nhận VietGAP gần 40 nghìn hecta, trong đó 22 nghìn hecta cây ăn quả; gần 6 nghìn hecta rau; hơn 5 nghìn hecta lúa; 5 nghìn hecta chè; 101 hecta cà phê...

Tại tỉnh Hòa Bình, những năm qua diện tích và sản lượng cây ăn quả có múi không ngừng tăng nhanh, trở thành cây trồng chủ lực, thế mạnh của tỉnh. Ðiểm nổi bật ở Hòa Bình là nông dân đang chuyển đổi dần sang sản xuất mang tính hàng hóa nhằm tạo điều kiện đầu tư thâm canh như các vùng sản xuất cam tại Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; vùng sản xuất bưởi đỏ Tân Lạc, tạo thu nhập cao, ổn định cho người dân. Ðến nay, toàn tỉnh có gần 10.000 hecta cây có múi như cam, quýt, bưởi. Trong đó, diện tích cây có múi được chứng nhận VietGAP là hơn 900 hecta. Hay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đang có khoảng 2.900 hecta trồng na, tập trung ở các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng với sản lượng 28 nghìn tấn, doanh thu hơn 1.000 tỉ đồng mỗi năm. Ðiều đáng nói, tỉnh đã có khoảng 211 hecta na đang được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 40 hecta sản xuất theo Global GAP; riêng na sản xuất theo Global GAP giá bán cao hơn với na thường khoảng 30%. Na Chi Lăng hiện nay không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài với số lượng lớn.

Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, mặc dù việc sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất nhưng vẫn còn nhiều hạn chế do một số địa phương sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hướng tới sản xuất hàng hóa, tập trung; chi phí áp dụng các mô hình tiên tiến cao; trình độ của nông dân còn hạn chế, cùng với việc ngại thay đổi tập quán canh tác cho nên việc áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến vào sản xuất gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm được chứng nhận theo các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế; chuỗi sản phẩm còn qua nhiều khâu trung gian dẫn đến khó quản lý về an toàn thực phẩm cũng như truy xuất nguồn gốc. Hơn nữa, chi phí cho các khâu trung gian nhiều dẫn tới giá thành sản phẩm cao khi đến tay người tiêu dùng, do vậy sản phẩm khó cạnh tranh; tại các địa phương nguồn nhân lực phục vụ cho việc tư vấn, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP còn nhiều hạn chế, thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.

Để giải bài toán này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn đến người sản xuất và người tiêu dùng về sản xuất theo các mô hình tiên tiến; tăng cường đào tạo tập huấn cho cán bộ địa phương phục vụ việc tư vấn, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP. Mặt khác, các địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng sản xuất an toàn và cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, sơ chế nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất; xây dựng các mô hình chuỗi sản xuất - cung ứng sản phẩm có chứng nhận, các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trong đó lấy doanh nghiệp là hạt nhân; xây dựng chính sách tổng thể phục vụ từ khâu tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và phải có nguồn kinh phí riêng để tổ chức thực hiện chính sách được thuận lợi; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm có chứng nhận; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong quá trình áp dụng, chứng nhận và lưu thông phân phối sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng.

Nguyên Phúc

Bạn đang đọc bài viết Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới