Chủ nhật, 24/11/2024 06:53 (GMT+7)
Thứ ba, 30/05/2023 10:51 (GMT+7)

ĐBQH: Có không “lợi ích nhóm” trong quy định “ngược chiều” về sách giáo khoa?

Theo dõi KTMT trên

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, không nên để xảy ra tình trạng cơ quan lập pháp ban hành những quy định ngược chiều nhau “một đằng khuyến khích xã hội hóa, một đằng tạo sơ hở để cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế xã hội hóa”.

Quy định nào dễ bị lợi dụng hơn?

Thảo luận về một số nội dung của dự thảo Luật Giá (sửa đổi) tại chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV mới đây, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) đã đưa ra yêu cầu giải trình liên quan đến giá và quyền lựa chọn sách giáo khoa (SGK).

Theo đại biểu, là Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 cũng thể hiện quan điểm khác với Nghị quyết 88 khi không trao quyền lựa chọn SGK cho “cơ sở giáo dục” mà cho UBND cấp tỉnh.

“Tôi cứ phân vân tự hỏi: Giữa quy định của Nghị quyết 88 và quy định của Luật Giáo dục, quy định nào dễ bị lợi dụng để phục vụ “lợi ích nhóm” hơn?", đại biểu đoàn Đà Nẵng nêu ý kiến.

Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị trong trường hợp Quốc hội khóa này thấy chủ trương xã hội hoá việc biên soạn SGK mà QH khóa 13 đề ra có nhiều bất cập thì nên sửa Nghị quyết 88, chấm dứt việc thực hiện chủ trương này.

Còn trong trường hợp ngược lại, Quốc hội nên bổ sung những quy định cần thiết trong Luật Giá để bảo đảm sự nhất quán về chủ trương.

“Không nên để xảy ra tình trạng cơ quan lập pháp ban hành những quy định ngược chiều nhau: một đằng khuyến khích xã hội hóa, một đằng tạo sơ hở để cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế xã hội hóa, thậm chí có nguy cơ xóa bỏ xã hội hóa việc biên soạn SGK”, đại biểu Thúy nêu ý kiến đồng thời đề nghị cần giải trình, làm rõ những nội dung nêu trên.

ĐBQH: Có không “lợi ích nhóm” trong quy định “ngược chiều” về sách giáo khoa? - Ảnh 1
ĐBQH lo nguy cơ xóa bỏ xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.

Về vấn đề này, trao đổi thêm với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Kim Thúy cho biết mục đích của Nghị quyết 88 là làm sao để người dạy, người học có được bộ SGK nhất. Vì thế, mới quy định xã hội hóa việc biên soạn SGK.

Nhưng, khi ban hành Luật Giáo dục năm 2019 thì cơ quan soạn thảo là Bộ GD&ĐT muốn sửa lại là UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK, chứ không phải cơ sở giáo dục.

Khi thực hiện mới thấy, rõ ràng nếu hàng ngàn cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK thì nhiều thầy cô giáo đam mê với công việc giảng dạy có thể được lựa chọn bài hay để dạy từ các bộ SGK khác nhau, miễn sao đạt được chất lượng giảng dạy tốt nhất.

“Cứ hình dung, nếu hàng ngàn cơ sở giáo dục trong cả nước được lựa chọn SGK, một nhà xuất bản nào đó muốn vận động, lobby mua sách sẽ khó hơn đối với 63 tỉnh thành (mà cơ quan chuyên môn là Sở GD&ĐT đóng vai trò tham mưu cho UBND tỉnh). Cho nên, tôi chỉ đặt câu hỏi: Giữa hai quy định đó, thì quy định nào dễ bị lợi dụng để phục vụ lợi ích nhóm?”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nói.

Theo đại biểu Thúy, cần phải sửa Luật Giáo dục thống nhất với Nghị quyết 88, đó là giao cho cơ sở giáo dục lựa chọn SGK. Đây là phương án tốt nhất và cũng là điều mà rất nhiều giáo viên mong muốn, đã phản ánh tới đại biểu Quốc hội.

Trong trường hợp sửa Luật Giáo dục khó hơn thì phải sửa Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT liên quan đến việc lựa chọn SGK. Thông tư 25 tuy có hướng dẫn quy trình chọn sách từ cấp cơ sở trở lên nhưng trao quyền bỏ phiếu quyết định lựa chọn sách của mỗi môn học cho một hội đồng 15 người; không hề có quy định là khi một quyển SGK được các cơ sở giáo dục lựa chọn với tỷ lệ như thế nào thì hội đồng có trách nhiệm lựa chọn quyển sách ấy. Thông tư cũng không hề quy định chế tài xử lý những hành vi tiêu cực hoặc vi phạm quyền dân chủ của cơ sở giáo dục trong việc lựa chọn sách.

Làm sao tránh sự độc quyền?

Thực tế cho thấy quá trình thực hiện Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT "Quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông", đang gặp phải nhiều bất cập.

Đề cập vấn đề này, ông Lê Ngọc Điệp - nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm, giáo viên là những người được đào tạo bài bản nên có đủ năng lực thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa. Việc này không nên chỉ để một vài người đại diện cho giáo viên toàn trường chọn thay mà cần có sự tham gia của tất cả giáo viên trong trường, công khai và quyết định theo đa số.

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) cũng cho rằng: "Theo tôi, nên sử dụng hình thức chọn như trước kia, vì các thầy, cô giáo là người nghiên cứu trực tiếp, và đây cũng chính là người sử dụng nên có đầy đủ cơ sở, thông tin, chuyên môn để lựa chọn. Ủy ban nhân dân là cơ quan quản lý chung tất cả các lĩnh vực, nên khó có thể có những đánh giá chuyên sâu, phù hợp trong việc đề xuất, quyết định học sách nào".

ĐBQH: Có không “lợi ích nhóm” trong quy định “ngược chiều” về sách giáo khoa? - Ảnh 2
NXB Giáo dục dự kiến phát hành SGK lớp 4, 8, 11 mới từ ngày 15/6.

Theo tìm hiểu, có tồn tại tình trạng, không ít cơ sở giáo dục không được lựa chọn sách giáo khoa theo ý kiến của đội ngũ đứng lớp. Rất nhiều hiệu trưởng, giáo viên khi được hỏi đều cho biết dù bộ sách giáo khoa nào cũng có những ưu điểm, hoặc tồn tại, nhưng nếu được chọn, họ muốn chọn bộ Cánh Diều với lý do bộ sách gần gũi với cuộc sống, giàu tính nhân văn, ít lỗi, khoa học, có sự nối tiếp giữa truyền thống và hiện đại. Tuy nhiên, thực tế, các thầy, cô giáo đã không được dạy bộ sách mà mình lựa chọn.

Từ góc nhìn cơ sở giáo dục, cô Nguyễn Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: "Quan điểm của tôi là trường nào chọn bộ nào, cuốn nào, hãy để cho họ lựa chọn như vậy. Dù tỷ lệ lựa chọn đó không nhiều, kể cả rất ít đi chăng nữa. Họ chọn bộ sách, cuốn sách phù hợp với học sinh của trường. Và không nên có bất kể tác động gì đến việc lựa chọn của cơ sở. Như thế mới là xã hội hóa trong biên soạn và phát hành sách giáo khoa".

Thầy Ngô Mậu Tình, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Lâm Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) đặt vấn đề: "Việc chỉ chọn một bộ sách cho các trường trong toàn tỉnh, giống hệt kiểu "đồng phục" sách giáo khoa, tạo cảm giác bất thường".

Mỗi bộ sách đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Nếu không thể lựa chọn cả bộ, giáo viên vẫn có thể chọn từng cuốn sách phù hợp trong từng bộ sách giáo khoa. Theo ý kiến từ các cơ sở giáo dục, để tránh những tiêu cực không đáng có, hãy để giáo viên dạy những bộ sách mà họ lựa chọn. Ngay cả cấp sở, cấp phòng cũng không nên can thiệp vào việc lựa chọn sách giáo khoa của các trường.

Làm được điều ấy, những bộ sách chất lượng tốt sẽ có đất sống. Đó mới thật sự là công bằng, khách quan, minh bạch. Tránh việc dư luận phải đặt ra những câu hỏi liên quan đến dấu hiệu độc quyền, thao túng thị trường mà báo chí đã phản ánh.

Đã đến lúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên chỉ định hướng chung chung, mà cần có kiểm tra, giám sát về việc lựa chọn sách giáo khoa trước những ý kiến phản hồi từ cơ sở, phản ánh của công luận thời gian qua.

Cùng với đó, Bộ cần khẩn trương rà soát, tham khảo thêm các ý kiến chuyên gia, sớm sửa đổi Thông tư 25 cho phù hợp thực tiễn, bảo đảm quyền lựa chọn sách giáo khoa cho các trường.

Bạo chi để tập huấn SGK và phát triển thị trường?

Hàng năm, CTCP Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam ghi nhận khoản chi phí phát triển sản phẩm, thị trường, tập huấn tương đối cao khi trong nhiều năm liên tiếp, đặc biệt trong khoảng thời gian từ năm 2017 - 2021 khoản chi phí phải chi ra cho mục này ghi nhận đều đặn “ngốn tiền” của doanh nghiệp ở mức trên 20 tỷ đồng, có năm lên đến gần 30 tỷ đồng. Chỉ trong 9 tháng năm 2021, CTCP Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam đã “bạo chi” để tập huấn và phát triển thị trường?! Số tiền khủng là gần 54 tỷ đồng, khiến ai cũng giật mình.

Minh Anh

Bạn đang đọc bài viết ĐBQH: Có không “lợi ích nhóm” trong quy định “ngược chiều” về sách giáo khoa?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới