ĐBQH: Người tham gia đấu giá không đủ năng lực tài chính đang rất phổ biến (Bài 8)
Nhiều ĐBQH cho rằng, sở dĩ liên tiếp xảy ra tình trạng “bỏ cọc” là do có tình trạng người tham gia đấu giá không đủ năng lực tài chính. Thậm chí, tình trạng này còn đang rất phổ biến.
Thời gian qua, tình trạng các vụ đấu giá đất, đấu giá biển số xe, đấu giá quyền khai thác khoáng sản bị “đôn giá” gấp hàng chục thậm chí hàng trăm lần giá khởi điểm khiến dư luận bức xúc, cử tri băn khoăn. Thậm chí, tình trạng này nóng đến mức đã được các đại biểu đưa vào nghị trường Quốc hội. Nhiều ĐBQH đã chỉ ra những điểm bất hợp lý của Luật Đấu giá tài sản khiến không ít người dựa vào đó để phục vụ lợi ích của mình.
Lợi dụng đấu giá làm rối loạn thị trường
Sáng 28/11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Không ít các ĐBQH đã cho ý kiến về việc “bỏ cọc” trong các cuộc đấu giá.
ĐBQH Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho rằng, cần bổ sung vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản quy định nghiêm cấm tổ chức đấu giá tài sản và Hội đồng đấu giá tài sản để người không có đủ năng lực tài chính tham gia đấu giá tài sản. Và, nghiêm cấm người tham giá đấu giá tài sản không đủ nguồn lực tài chính hay sử dụng nguồn vốn không minh bạch để tham gia đấu giá...
Vị ĐBQH đoàn Hà Nam khẳng định, việc bổ sung Luật Đấu giá tài sản lần này là hết sức cần thiết và cấp thiết, góp phần ngăn chặn nhũng nhiễu, lạm dụng gây mất an ninh trật tự và thất thoát ngân sách trong lĩnh vực này.
Đại biểu Khải quan nhấn mạnh đến các vụ đấu giá tải sản có giá trị lớn, khó định giá hay tài sản dạng "phi vật thể" như quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng rừng, cho thuê rừng…
“Việc đấu giá tài sản này rất khác biệt, có nhiều bất cập cần nghiên cứu bổ sung quy định chặt chẽ hơn. Đặc biệt là các hành vi nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá tài sản như đấu giá quyền sử dụng đất... Thực tế cho thấy, tình trạng người tham gia đấu giá không đủ năng lực tài chính đang là phổ biến”, ĐBQH Trần Văn Khải nêu quan điểm.
Vị này dẫn chứng, trong Luật đấu giá tài sản hiện hành, Khoản 5 Điều 9 quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá tài sản không có quy định xác định nguồn lực tài chính của người tham gia đấu giá. Việc này dẫn đến tình trạng lợi dụng đấu giá làm rối loạn thị trường đất đai hay “đấu giá hộ” do không đủ nguồn lực tài chính, nhiều trường hợp "dựa hoàn toàn" vào ngân hàng bảo lãnh. Hay trường hợp bỏ cọc xảy ra không dễ thu tiền cọc. Hay trúng đấu giá xong triển khai dự án trì trễ… Đây là vấn để rất nghiêm trọng đã xảy ra phổ biến, đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng đất.
Ngăn chặn đôn giá, bỏ cọc bằng cách nào?
“Để ngăn chặn hiện tượng “cò” đấu giá, “quân xanh-quân đỏ”, thông đồng, dìm giá, bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi "bỏ cọc", tạo mặt bằng giá ảo" để thao túng thị trường... thì ngoài việc xử lý nghiêm việc để “lộ lọt thông tin” như dự thảo là cần thiết. Tuy nhiên, cần nghiên cứu bổ sung ở điểm 2, điểm 3, Điều 9, Luật Đấu giá tài sản quy định nghiêm cấm về tổ chức đấu giá tài sản và Hội đồng đấu giá tài sản để người không có đủ năng lực tài chính, “nguồn vốn” tham gia đấu giá tài sản”.
ĐBQH Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam
“Siết chặt” điều kiện người tham gia đấu giá
Đó là ý kiến của ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản vào sáng 28/11. Đại biểu Ngân nói rằng, quyền sử dụng đất và quyền khai thác khoáng sản đều là tài sản có giá trị lớn. Vì vậy, việc tổ chức đấu giá phải trải qua nhiều khâu, trình tự thủ tục nhất định, việc đấu giá tài sản này so với những tài sản thông thường sẽ phức tạp hơn.
Việc “giao” cho người có tài sản đấu giá phải xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá là chưa phù hợp, có thể dẫn đến bất cập, khó khăn trong quá trình triển khai trên thực tiễn, nhất là đối với trường hợp đấu giá tài sản có số lượng người tham gia đấu giá đông, như đấu giá quyền sử dụng đất.
Vì vậy, ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân đề nghị xem xét, cân nhắc lại quy định giao người có tài sản đấu giá có trách nhiệm xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá. Việc này nên giao cho cơ quan có đủ nhân lực, năng lực, trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật liên quan đến tài sản đấu giá mới có thể đảm đương được công việc này.
Cùng quan điểm, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Đoàn Đồng Tháp nêu quan điểm, thời gian vừa qua, không chỉ là ở mảng khoáng sản mà trên nhiều lĩnh vực đã xảy ra các vụ đấu giá với giá cao sau đó bỏ cọc. Điển hình như các lô đất ở Thủ Thiêm, đấu giá biển số xe và giờ đến các mỏ khoáng sản. Điều này đã thành tiền lệ. Ông Hòa cho rằng, nguyên nhân để xảy ra tình trạng này là bắt nguồn từ bất cập của quy định pháp luật. Thứ nhất là do quy định từ giá khởi điểm rồi xét khởi điểm thấp. Thứ hai là tiền cọc thấp, chỉ từ 5-20%. Nguyên nhân thứ ba là không có biện pháp chế tài đủ mạnh đối với những người tham gia đấu giá khiến họ bỏ cọc.
Hiện chúng ta không có chế tài, quy định xử phạt, hoặc có cho đấu giá lại nữa hay không... từ đó khiến người tham gia đấu giá cao không sợ.
“Đối với vụ đấu giá 3 mỏ cát tại Hà Nội, tôi nghĩ rằng tiền đâu mà họ đưa ra 1.700 tỷ đồng cho 3 mỏ cát. Tôi nghĩ không bao giờ có. Và ngân hàng cũng không bao giờ cho vay. Bởi đó là cái giá quá "ảo". Như trên tôi đã nói, Nhà nước hiện chưa có quy định chặt chẽ, các biện pháp xử lý chưa đủ sức răn đe, thuyết phục để họ không dám, không muốn, không làm những hành vi như thế nữa. Họ có nhiều tiền rồi, họ chấp nhận bỏ cọc hàng tỷ bạc để vô thăm dò xem lực lượng thực thi làm nhiệm vụ, lực lượng tham gia đấu giá có nhiều tiền hay không rồi bỏ. Tôi nghĩ đấy là sơ hở của hệ thống pháp luật của Việt Nam dẫn đến nhiều tình trạng họ tham gia đấu giá, chấp nhận bỏ cọc. Sau đó, khi Nhà nước đấu giá lại thì họ lại tham gia và trúng với giá thấp hơn”, ĐBQH Phạm Văn Hòa nói.
Mới đây, vụ đấu giá 3 mỏ cát cao bất thường, trị giá gần 1.700 tỷ đồng tại Hà Nội khiến dư luận sửng sốt. Theo đó, kết thúc phiên đấu giá "xuyên đêm", 3 mỏ cát này đã được "đôn" giá cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm.
Trước sự lo lắng, quan ngại của giới chuyên gia và người dân, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; Rà soát kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có biểu hiện bất thường, kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Công điện nhấn mạnh, tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để trục lợi, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm.
Thực tế cho thấy, các vụ đấu giá cát giá cao bất thường thời gian qua không phải là hy hữu. Thậm chí, có nhiều trường hợp đấu giá theo kiểu "đôn lên cao" rồi cuối cùng lại bỏ cọc. Để có cái nhìn tổng quan về thực trạng đấu giá tài nguyên khoáng sản tại Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Môi trường khởi đăng tuyến bài: Quản lý tài nguyên khoáng sản -Thấy gì từ vụ đấu giá khai thác cát “bất thường” ở Hà Nội? Tuyến bài cũng góp phần đưa ra các ý kiến, giải pháp để hạn chế việc trục lợi từ tài nguyên trong đấu giá dưới góc nhìn của luật gia, chuyên gia, nhà khoa học...
(Còn nữa)
Minh An