Chủ nhật, 24/11/2024 07:00 (GMT+7)
Thứ hai, 07/03/2022 12:00 (GMT+7)

ĐBSCL cần đột phá để phát triển nhanh, bền vững nền nông nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng có nhiều tiềm năng, cơ hội, lợi thế lớn để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đến nay, ĐBSCL vẫn phát triển chưa tương xứng so với đầu tư và mong muốn.

ĐBSCL đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu

ĐBSCL có diện tích tự nhiên 39,7 nghìn km2, chiếm 12,2% diện tích cả nước, dân số khoảng 18 triệu người, trong đó gần 10 triệu hộ nông dân. Vùng đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây, hàng năm xuất khẩu trên 5 triệu tấn gạo.

Thời gian qua, nông nghiệp vùng ĐBSCL liên tục tăng trưởng nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế; đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc, đóng góp tỷ lệ lớn vào tăng trưởng nông nghiệp cả nước, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông sản.

Phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới được chú trọng và đạt nhiều kết quả cao; đời sống người dân nông thôn được nâng cao, điều kiện sinh hoạt được cải thiện một bước đáng kể. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và đổi mới bộ mặt nông thôn. Cùng với hệ thống hạ tầng thuỷ lợi, phòng chống thiên tai, cấp nước sinh hoạt, hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cũng được đầu tư nâng cấp...

ĐBSCL cần đột phá để phát triển nhanh, bền vững nền nông nghiệp - Ảnh 1
(Ảnh minh họa)

Mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2025 đạt tốc độ tăng GDP nông nghiệp đạt trên 3%/năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 2 lần so với năm 2018. Lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 30% tổng số lao động.

Tỷ lệ nông dân được đào tạo nghề nông nghiệp trên 30%. Tỷ lệ sản lượng sản phẩm trồng trọt, thủy sản nuôi trồng được cấp chứng nhận sản xuất bền vững trên 20%.

Tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi trên địa bàn xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý, sử dụng hiệu quả, sạch 50%. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn là 75%; Giảm cường độ phát thải khí nhà kính theo các cam kết...

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL cùng lúc chịu nhiều khó khăn, thách thức, tác động lớn như: Hứng chịu nặng nề bởi tác động biến đổi khí hậu; ảnh hưởng bởi các hoạt động phía thượng nguồn sông Mê Kông; khai thác tài nguyên cát sỏi, nguồn nước ngầm, xây dựng hạ tầng, nhà ở ven sông cùng với các hoạt động kinh tế khác gây nên tổn thương lớn đến vùng châu thổ và sự phát triển bền vững; sử dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe và chất lượng, an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, nền sản xuất nhỏ, thiếu liên kết chậm được khắc phục, cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn nhiều yếu kém, thiếu hạ tầng logistics phục vụ kinh tế nông nghiệp, nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế là thách thức lớn để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL. Tư duy manh mún, mùa vụ của một bộ phận nông dân là một thách thức lớn cho mục tiêu liên kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản...

Cần thay đổi tư duy tạo tiền đề cho phát triển bền vững

Phát biểu chỉ đạo tại "Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp ĐBSCL - chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu" với sự tham dự của 13 tỉnh, thành phố trong vùng ngày 6/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh 28 chữ trong tư duy phương pháp luận và cách tiếp cận về phát triển vùng ĐBSCL, đó là: "tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, thích ứng chủ động, chuyển đổi linh hoạt, giá trị nâng cao, nguồn lực công - tư, đời sống chất lượng".

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ "rất trăn trở" với ĐBSCL, vùng có nhiều tiềm năng, cơ hội, lợi thế lớn, rất được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhưng vẫn phát triển chưa tương xứng so với đầu tư và mong muốn. Những năm qua, đầu tư công dành cho ĐBSCL chiếm khoảng 17-20% cả nước, nhưng vùng chỉ chiếm khoảng 10% thu ngân sách của cả nước. Hiện cơ chế chính sách còn hạn hẹp, năng suất, chất lượng sản phẩm còn thấp. Hạ tầng chiến lược phát triển chưa tương xứng; tính liên kết trong chuỗi sản xuất chưa cao và thị trường chưa ổn định. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn hạn chế so với nhiều khu vực khác.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu quán triệt sâu sắc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về ĐBSCL. Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; xác định nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực; gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, lấy công nghiệp, dịch vụ là bệ đỡ phát triển nông nghiệp.

Thủ tướng đã nhấn mạnh một số mục tiêu quan trọng: "Một là phải phát triển nhanh và bền vững. Thứ hai là chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Thứ ba phải đột phá về nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân.

Thứ tư là giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Về tư duy phương pháp luận và cách tiếp cận, tôi xin gói gọn lại mấy chục chữ thế này thôi: tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, thích ứng chủ động, chuyển đổi linh hoạt, giá trị nâng cao, nguồn lực công - tư, đời sống chất lượng".

Thủ tướng đề nghị các địa phương trong vùng phát huy tính tự lực, tự cường, vươn lên từ "bàn tay, khối óc, chân trời, cửa biển" của mình, lấy nguồn lực bên trong, gồm con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử - văn hóa là quyết định, cơ bản, lâu dài, chiến lược, xác định nguồn lực bên ngoài gồm vốn, công nghệ, quản trị, thị trường… là quan trọng và đột phá. Thủ tướng yêu cầu rà soát lại đầu tư công, cái gì cần thiết thì đầu tư, không cần thiết thì dừng lại, tránh manh mún, dàn trải, chia cắt, kéo dài dẫn đến hiệu quả không cao.

Về nhiệm vụ giải pháp, Thủ tướng đề nghị, nhanh chóng rà soát,hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách. Thực hiện "4 tốt" trong quy hoạch, đó là quy hoạch tốt thì có dự án tốt, dự án tốt thì có nhà đầu tư tốt, nhà đầu tư tốt thì có sản phẩm tốt. Đồng thời, chú trọng việc xây dựng các thương hiệu sản phẩm và tập trung nguồn lực để phát triển hạ tầng chiến lược.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu: "Hạ tầng dứt khoát không có dàn trải, tập trung vào hạ tầng chiến lược. Giao thông là nút thắt hiện nay, tao có lợi thế giao thông thủy, giao thông biển nhưng chưa khai thác được. trước hết là về đường cao tốc. Hạ tầng về xã hội y tế, giáo dục, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu như hôm qua ta khánh thành công trình Cái Lớn - Cái Bé, hạ tầng số, hạ tầng chuyển đổi năng lượng. Dứt khoát ta phải chuyển đổi năng lượng ở khu vực này, nắng gió nhiều. Tại sao chúng ta không chuyển đổi năng lượngở khu vực này mà bây giờ là tài chính xanh, sản phẩm xanh, sản phẩm sạch".

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đa dạng hóa nguồn tài chính, lấy nguồn vốn Nhà nước để dẫn dắt, kích hoạt, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Thủ tướng nêu rõ, cần đẩy mạnh đào tạo nghề, quy hoạch lại và đầu tư cho các trường đại học, cao đẳng để có nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; thúc đẩy liên kết vùng, quy hoạch sản phẩm trên cơ sở phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các địa phương. Đồng thời, phải tổ chức công việc, quản trị một cách khoa học, hiện đại; mở rộng và đa dạng hóa các thị trường với các loại sản phẩm phù hợp.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết ĐBSCL cần đột phá để phát triển nhanh, bền vững nền nông nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới