Chủ nhật, 24/11/2024 07:27 (GMT+7)
Thứ hai, 25/01/2021 17:48 (GMT+7)

ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất trong lịch sử

Theo dõi KTMT trên

Báo cáo thường niên năm 2020 của VCCI Cần Thơ vừa công bố cho thấy, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trải qua những thách thức lớn nhất trong lịch sử hình thành và phát triển.

Nhóm thách thức thứ nhất liên quan tới đất, nước và môi trường. Thách thức thường được nhắc tới đầu tiên là nước biển dâng và nhập mặn do biến đổi khí hậu. Hiện nay, mỗi năm nước biển dâng trung bình khoảng 3 – 4 mm.

Tuy không phủ nhận tầm quan trọng của hiện tượng này, song cần nhớ là mức sụt lún do khai thác nước ngầm quá mức và do các công trình xây dựng và hạ tầng gây ra thực tế cao hơn mức này nhiều lần. Hơn nữa, việc nhập mặn tuy bất lợi cho lúa nhưng lại có lợi cho tôm, cá và các hoạt động nuôi trồng thủy sản khác vốn đem lại lợi ích kinh tế cao hơn nhiều lần, đồng thời ít gây biến đổi và tác hại môi trường hơn nhiều so với thâm canh lúa ba vụ.

ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất trong lịch sử - Ảnh 1
Hạn hán ở ĐBSCL khiến nhiều diện tích lúa bị thiệt hại.

Thách thức thứ hai, cũng được nói tới rất nhiều trong những năm gần đây, là sự suy giảm về cả khối lượng và chất lượng nước do mạng lưới chằng chịt hơn 140 đập thủy điện lớn ở thượng nguồn gây ra. Thiếu nước ở ĐBSCL đã ngày càng trở nên nghiêm trọng trong mùa khô. Mặc dù trong mùa mưa, các đập của Trung Quốc chiếm chưa tới 10% lượng nước trong toàn bộ hệ thống nhưng vào mùa khô, tỉ lệ này có thể lên tới 40% – 50%, khiến cho thời điểm tiếp nhận cũng như lượng nước ở hạ nguồn bị phụ thuộc rất lớn vào việc vận hành các đập của Trung Quốc. Bên cạnh đó, một lượng lớn phù sa và cát bị kìm giữ bởi các đập thượng nguồn – ước lượng lên tới 50% – cũng làm ĐBSCL mất đi nguồn nguyên liệu bồi đắp quý giá. Điều này cùng với nạn khai thác cát bừa bãi và vô độ trong nhiều năm khiến tình trạng mất đất và sạt lở ven biển trở nên hết sức trầm trọng.

Thách thức nguy hiểm hơn – đang hàng ngày hàng giờ bào mòn sức sống của ĐBSCL – thực ra đến từ những chính sách hay tập quán canh tác bất cập gây nên. Về chính sách, định hướng thâm canh nông nghiệp – đặc biệt là lúa ba vụ – vừa không hiệu quả và thiếu bền vững, vừa gây ra hàng loạt tác hại môi trường. Về tập quán canh tác, nguồn nước mặt trở nên ô nhiễm nặng nề do việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu quá mức để duy trì lúa ba vụ và tăng sản lượng nông nghiệp. Thêm vào đó, ô nhiễm từ hoạt động nuôi trồng và chế biến thủy sản làm tình trạng ô nhiễm càng trở nên nghiêm trọng. Không dừng lại ở đây, một mặt do nước mặt quá ô nhiễm, mặt khác vì tình trạng quản lý yếu kém nước ngầm nên nguồn nước ngầm “cha chung không ai khóc” bị khai thác quá mức trong thời gian dài.

Điều này, cùng với áp lực của các công trình xây dựng và hạ tầng, khiến nền đất bị sụt lún nghiêm trọng, có nơi lên tới 2 – 3 cm mỗi năm – cao hơn nhiều lần so với mực nước biển dâng. Nếu tình trạng này tiếp diễn, chỉ trong 30 – 50 năm nữa, phần lớn hạ nguồn ĐBSCL sẽ tụt xuống dưới mực nước biển. Không chỉ chịu những thách thức nghiêm trọng về đất, nước và môi trường, ĐBSCL còn đang trải qua những biến động quan trọng về nhân khẩu học, số lượng và chất lượng lao động. Đầu tiên, trong giai đoạn 2009 – 2019, tỉ lệ tăng dân số bình quân của vùng ĐBSCL chỉ là 0,05%/năm, thua xa mặt bằng chung của cả nước là 1,14%/năm.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do ĐBSCL có tỉ suất di cư thuần cao nhất cả nước, lên tới -39,9%, chủ yếu là do tình trạng thiếu cơ hội việc làm và cơ hội kinh tế tại địa phương. Thực tế là kể từ năm 2017 cho đến nay, lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, ĐBSCL ghi nhận sự suy giảm tuyệt đối về dân số. Hệ quả tất yếu của tình trạng này là hiện tượng thiếu lao động trở nên ngày càng phổ biến, đồng thời mức độ già hóa dân số trở nên ngày một trầm trọng.

Không chỉ thiếu lao động, chất lượng nguồn nhân lực của ĐBSCL từ lâu là một vấn nạn nhưng vẫn chưa được khắc phục. Về giáo dục phổ thông, tỉ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ ở ĐBSCL là 94,2%, thấp hơn bình quân cả nước (95,8%) và chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên (91,3%). Tỉ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã tốt nghiệp THPT ở ĐBSCL chỉ là 11,3%, thấp nhất và thua xa mức bình quân của cả nước là 17,3%. Tương tự như vậy đối với chất lượng đào tạo lao động: tỉ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở ĐBSCL chỉ là 9,7% – thấp nhất và thua xa mức bình quân của cả nước là 19,2%; tỉ lệ lao động đã qua đào tạo ở ĐBSCL là 13,6% – một lần nữa thấp nhất và kém xa mức bình quân của cả nước là 23,1%.

Nhóm thách thức thứ ba là về kinh tế. Trong khi các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống chính của vùng ĐBSCL như lúa và thủy hải sản đang có dấu hiệu đạt ngưỡng tới hạn thì các động lực tăng trưởng mới vẫn còn yếu ớt, thậm chí chưa thành hình. Đây là lý do chính khiến các tỉnh ở ĐBSCL trăn trở với bài toán chuyển đổi cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng nhưng chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Thách thức này càng trở nên bức xúc khi ĐBSCL tụt hậu ngày càng xa so với vùng Đông Nam Bộ, thậm chí cảm nhận mình bị “bỏ rơi” trong sự phát triển chung của cả nước.

Nhóm thách thức thứ tư là về khoa học – công nghệ. Đây là những “cú sốc” không chỉ đối với ĐBSCL mà còn cho cả Việt Nam, và thậm chí có tính toàn cầu. Những công nghệ mới như internet vạn vật và dữ liệu lớn, tối ưu hóa công nghiệp chế tạo – chế biến nhờ trí thông minh nhân tạo, hiệu chỉnh gen không chỉ đối với thực vật mà cả con người v.v. sau một thời gian dài tiến hóa, đã trở nên chín muồi và sẽ làm thay đổi một cách cơ bản cách chúng ta sống, làm việc, sản xuất và tương tác với nhau. Là một “vùng trũng” về công nghệ, lại đang dựa chủ yếu vào nền sản xuất nông nghiệp truyền thống và công nghệ lạc hậu, những cú sốc này sẽ tạo ra nhiều thách thức to lớn cho ĐBSCL. Nếu biết tận dụng, các công nghệ mới này sẽ mở ra những cơ hội hết sức to lớn. Ngược lại, ĐBSCL sẽ tụt hậu ngày càng xa so với cả nước và thế giới.

Trước những thách thức nói trên ông Nguyễn Phương Lam cho rằng: Trong nguy có cơ – không phải mọi thách thức đều bất lợi. Trái lại, chúng buộc các tỉnh ĐBSCL phải nhìn nhận lại một cách thấu đáo về mục tiêu phát triển, đánh giá lại các động lực tăng trưởng hiện có, suy nghĩ về thế mạnh và nguồn lực của mình, để từ đó tư duy lại về mô hình phát triển. ĐBSCL cần xây dựng cho mình, không chỉ là mô hình tăng trưởng kinh tế mới, mà quan trọng hơn là một mô hình phát triển mới. Và đây là việc cần phải làm ngay.

ĐBSCL là một trong 5 châu thổ chịu ảnh hưởng nặng nhất từ biến đổi khí hậu, nếu nước biển dâng 0,5 m thì sẽ ngập 178 ngàn ha, tương đương 4,5% diện tích của vùng; nếu dâng 1 m thì sẽ ngập 1,5 triệu ha, tương đương 38,9% diện tích toàn vùng. Mặt khác, việc phát triển thượng nguồn đã khiến lượng phù sa về ĐBSCL ngày càng ít đi.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), nước ở tầng nông đã bị cạn kiệt, ô nhiễm, các tầng nước sâu được khai thác chủ yếu nhưng khó được tái bổ cập bằng nguồn nước mặt dễ dẫn đến rủi ro cạn kiệt. “Cùng với việc các nước thượng nguồn xây dựng hàng loạt đập thủy điện trên dòng Mê Kông tạo ra mối lo ngại như suy giảm phù sa, sụt lún đồng bằng, sạt lở bờ sông, bờ biển; gia tăng xâm nhập mặn, hạn hán nghiêm trọng hơn… Những tác động này kéo theo hệ lụy là rối loạn hệ thống sinh thái, phù sa không còn bồi đắp, suy thoái đất, sản xuất nông nghiệp giảm năng suất, ô nhiễm, tù đọng…”, ông Tuấn thông tin.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất trong lịch sử. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới