Thứ năm, 28/11/2024 05:12 (GMT+7)
Thứ bảy, 13/03/2021 09:41 (GMT+7)

ĐBSCL thay đổi thế nào sau 3 năm thực hiện nghị quyết 'vàng'?

Theo dõi KTMT trên

Chuyên gia cho rằng triển vọng lúa nước ở ĐBSCL không mất đi, nghề trồng trọt, nuôi tôm cũng phát triển hơn nếu Chính phủ đầu tư đồng bộ và thực hiện quy hoạch sản xuất theo vùng.

“Các địa phương không dám khuyến khích người dân thay đổi các mô hình sản xuất mới, cũng không có tiền để đầu tư cho người dân. Dân chỉ trông chờ vào cây lúa”, GS Võ Tòng Xuân nói với Zing về những khó khăn của ĐBSCL cách đây 3 năm.

Sau 3 năm khu vực thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về thích ứng với biến đổi khí hậu, GS Võ Tòng Xuân đánh giá đây như một chính sách gỡ bỏ “vòng kim cô” về trồng lúa cho vùng ĐBSCL. Dù vậy, chuyên gia cho rằng nhiều người dân vẫn loay hoay khi phải thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhưng lại chưa có hướng dẫn đồng bộ từ địa phương.

Trục nông nghiệp xoay chuyển

Trong 3 năm trở lại đây, theo ông Xuân, bộ mặt sản xuất ở ĐBSCL ít nhiều đã có sự thay đổi tích cực khi Nghị quyết 120 đi vào đời sống. Thay vì phải trồng lúa quanh năm, họ được khuyến khích nuôi tôm, trồng cây ăn quả phù hợp theo mùa cũng như cơ cấu đất đai. Hiện diện tích lúa tôm đã đạt khoảng 200.000 ha.

“So với việc phải trồng lúa quanh năm trong khi xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt, thì được thay đổi cơ cấu sản xuất sang tôm hoặc cây ăn trái là khoản đầu tư có lợi, phù hợp hơn rất nhiều”, GS Võ Tòng Xuân nói.

ĐBSCL thay đổi thế nào sau 3 năm thực hiện nghị quyết 'vàng'? - Ảnh 1
Năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát ĐBSCL bằng máy bay trực thăng trước ngày diễn ra Hội nghị Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu với tầm nhìn tới năm 2100. (Ảnh: VGP)

Trong khi đó, TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, cho biết Nghị quyết 120 đã tạo chuyển biến căn bản về mặt nhận thức, tư duy phát triển ĐBSCL theo hướng “thuận thiên”.

Từ chỗ phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên ưu đãi như điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn lợi thủy sản, cơ cấu sản xuất ở ĐBSCL đã chuyển sang phát triển dựa vào năng suất lao động, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.

Tư duy phát triển đã thay đổi toàn diện, coi nước mặn, nước lợ là tài nguyên để chuyển đổi cơ cấu, phát triển sản xuất hiệu quả. Sản vật cũng nhờ vậy mà đa dạng hơn.

"Trục nông nghiệp xoay chuyển, từ ưu tiên số 1 là lúa gạo đã chuyển sang ưu tiên thủy sản, trái cây. 3 năm qua, ngành nông nghiệp ở ĐBSCL đã có sự đầu tư bài bản về hạ tầng, kết hợp các yếu tố kĩ thuật để hạ giá thành, tăng năng suất, chất lượng", bà Hương nhận định.

2 năm xâm nhập mặn lịch sử

Dù đạt được nhiều thành quả quan trọng, theo TS Hương, trong 3 năm qua, ĐBSCL cũng đối mặt với nhiều thách thức đến từ những ảnh hưởng cực đoan từ biến đổi khí hậu.

Liên tiếp hai năm 2019-2020, khu vực hứng chịu 2 đợt xâm nhập mặn mùa khô ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử, ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ĐBSCL. Khoảng 42,5% diện tích tự nhiên của vùng ĐBSCL có độ nhiễm mặn trên 0,4%.

ĐBSCL phải đối mặt với thách thức lớn đến từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở phía thượng nguồn sông Mekong, cũng như phát triển kinh tế - xã hội nội tại của chính khu vực.

TS Huỳnh Thị Lan Hương

Hạn, xâm nhập mặn cũng đã làm cho khoảng 96.000 hộ, tương đương khoảng 430.000 nhân khẩu đang sinh sống tập trung tại 7 tỉnh ven biển (Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Long An và Trà Vinh) thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

"ĐBSCL là vùng đất thấp ven biển của Việt Nam nên chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Ngoài tình trạng thiếu nước, nhiễm phèn, nhiễm mặn do hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô, ĐBSCL còn có nguy cơ mất đất do ngập lụt", bà Hương nói.

Bên cạnh đó, chuyên gia cho biết ĐBSCL cũng phải đối mặt với thách thức rất lớn đến từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở phía thượng nguồn sông Mekong, cũng như phát triển kinh tế - xã hội nội tại của chính khu vực.

Những vấn đề về xung đột giữa nhu cầu nước ngọt cho nông nghiệp và nhu cầu nước mặn, nước lợ để nuôi tôm đang diễn ra ở nhiều nơi. Việc phát triển hạ tầng chống lũ, thủy lợi, giao thông đô thị, khu công nghiệp… đã làm biến đổi sâu sắc chế độ lũ như vốn có trước đây.

ĐBSCL thay đổi thế nào sau 3 năm thực hiện nghị quyết 'vàng'? - Ảnh 2
Sự gia tăng xâm nhập mặn, hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL trong nhiều năm gần đây. (Ảnh: Phạm Ngôn)

Còn theo GS Võ Tòng Xuân, trong 2 đợt xâm nhập mặn khốc liệt năm 2019-2020, tình hình thiệt hại ở ĐBSCL không còn nặng nề do người dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhưng sự thay đổi này vẫn chưa đồng bộ. Do đó, nhiều nơi vẫn có thiệt hại.

“Không thể trách người nông dân hoàn toàn, vì có những người cũng muốn trồng xoài, nuôi tôm, 'né mặn' nhưng không có tiền để mà đầu tư. Họ phải tiếp tục trồng lúa để kiếm kế sinh nhai”, GS Xuân cho biết.

Ông Xuân chỉ ra nguyên nhân khiến một bộ phận người dân chưa chịu thay đổi mô hình sản xuất là do chưa có hướng dẫn cụ thể từ địa phương, cũng như chưa có hỗ trợ để “người dân nào cũng có thể làm được”.

Chuyên gia cho rằng Chính phủ khuyến khích người nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nhưng chưa tính được đầu ra cho sản vật sau khi thu hoạch. Theo ông Xuân, người dân phải nhìn thấy được đầu ra cho sản phẩm thì mới có thể sẵn sàng thay đổi, tìm hướng đi phù hợp với thị trường.

Sản xuất theo tiểu vùng

Sau khi chỉ ra những bất cập, GS Võ Tòng Xuân cho rằng triển vọng về sản xuất lúa nước ở ĐBSCL vẫn không bị mất đi, thậm chí có thể phát triển hơn trước dù khu vực phải chuyển đổi cơ cấu sản xuất và đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu.

"Người nông dân giờ cũng rất linh hoạt và có tư duy làm giàu. Họ sẵn sàng thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo mùa, nhưng nếu không được hướng dẫn và thực hiện đồng bộ, thì việc chuyển đổi không mang đến hiệu quả cao", GS Xuân phân tích.

Theo đó, ông Xuân khuyến nghị Chính phủ nên có quy hoạch sản xuất theo tiểu vùng để phù hợp hơn với tình hình.

ĐBSCL thay đổi thế nào sau 3 năm thực hiện nghị quyết 'vàng'? - Ảnh 3
ĐBSCL được khuyến khích thay đổi cơ cấu sản xuất sau khi hứng chịu nhiều ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu gây ra hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử. (Ảnh: Phạm Ngôn)

Cụ thể, vùng trồng lúa nước có thể thực hiện dọc theo biên giới Campuchia, kéo từ Kiên Giang, qua An Giang, Đồng Tháp rồi đến An Giang. Khu vực này có nước ngọt đầu nguồn chảy từ sông Mekong vào nên phù hợp trồng lúa quanh năm. Đây cũng được coi là vùng "an ninh lương thực" nên cần có sự đầu tư kịp thời về chất lượng giống lúa và số mùa vụ.

Với "vùng giữa" của ĐBSCL, ông Xuân cho biết người dân vẫn có thể trồng lúa trong mùa mưa. Đến mùa khô, đất ở đây có thể dùng để trồng rau màu, cây ăn quả.

Ở khu vực ven biển, vào mùa mưa, người dân có thể trồng lúa. Đến khi hết mùa mưa, chuyên gia cho rằng việc nuôi tôm ngay trên ruộng ở khu vực này sẽ có giá trị sản lượng cao.

"Chính phủ cần tính đến việc xuất khẩu, đầu ra cho sản vật. Khi tất cả quy trình từ mua giống, chăm sóc, thu hoạch, sản xuất, bán ra thị trường, được thực hiện một cách đồng bộ thì người nông dân mới có cơ hội thoát nghèo", GS Võ Tòng Xuân nhận định.

Nói đến việc khu vực phải đối mặt với biến đổi khí hậu, chuyên gia nhìn nhận nếu chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp, thách thức này không còn quá lớn. Mọi thiệt hại liên quan đến biến đổi khí hậu sẽ được giảm tối đa nếu Chính phủ vào cuộc quyết liệt và người dân sẵn sàng đổi mới tư duy sản xuất.

Ngày 13/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 về thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL. Hội nghị nhằm đánh giá những việc đã làm được, đặc biệt những kết quả nổi bật, những hạn chế, khó khăn, bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp thúc đẩy triển khai thực hiện Nghị quyết.

Mỹ Hà

Bạn đang đọc bài viết ĐBSCL thay đổi thế nào sau 3 năm thực hiện nghị quyết 'vàng'?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới