Chủ nhật, 24/11/2024 01:19 (GMT+7)
Thứ năm, 26/09/2024 09:18 (GMT+7)

Việt Nam với hành trình chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng thông minh (Bài 4)

Theo dõi KTMT trên

Các chuyên gia khẳng định, việc sử dụng năng lượng xanh, sử dụng năng lượng thông minh là bước đi tất yếu của Việt Nam nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Chuyển đổi xanh sẽ mang lại cho các doanh nghiệp những cơ hội vô cùng lớn.

Việt Nam với hành trình chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng thông minh (Bài 4) - Ảnh 1
Việt Nam với hành trình chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng thông minh (Bài 4) - Ảnh 2

Việc phục hồi xanh, trung hòa carbon, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo cùng với việc bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên đã trở thành xu thế tất yếu và từng bước đi vào chính sách và hành động cụ thể của các quốc gia. Ước tính 90% GDP toàn cầu nằm trong diện phải thực hiện các cam kết đưa mức phát thải ròng khí nhà kính bằng "0" vào năm 2050 (Net Zero). Là một bên tham gia Thỏa thuận Paris, Việt Nam đã cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với mục tiêu giảm 15,8% (bằng nguồn lực trong nước) và 43,5% (với hỗ trợ quốc tế) vào năm 2030.

Ở Việt Nam, điều này đã dần được pháp lý hóa để đảm bảo nghĩa vụ thực thi. Các tiêu chuẩn mới cũng dần định hình theo hướng gắn thương mại và đầu tư với các tiêu chí về giảm phát thải carbon, lao động, môi trường. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp phải tham gia thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình.

Theo đó các quy định về kiểm kê phát thải khí nhà kính phải thực hiện từ năm 2023, xây dựng kế hoạch và thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tự thực hiện đến năm 2025 và bắt buộc thực hiện theo hạn ngạch được phân bổ từ năm 2026 trở đi. Từ đầu năm 2023, khoảng 1.920 cơ sở phát thải tại Việt Nam nằm trong danh sách chỉ định bắt đầu phải thực hiện báo cáo kiểm kê khí nhà kính định kỳ.

Kể từ năm 2025, hàng nghìn doanh nghiệp sẽ phải thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bên cạnh đó, các cơ chế hỗ trợ thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải thông qua sàn giao dịch tín chỉ carbon, cơ chế bù trừ tín chỉ carbon... sẽ được áp dụng thử nghiệm từ năm 2025, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được mục tiêu giảm phát, chuyển đổi xanh, hướng đến nền sản xuất bền vững của mình.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, PGS. TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) cho rằng: “​​Bản chất doanh nghiệp là tối đa hoá lợi nhuận. Các doanh nghiệp tính toán bài toán kinh tế rất nhanh nhạy. Vì vậy, nếu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu thấy rằng việc chuyển đổi xanh mang lại lợi ích, sản phẩm thâm nhập được vào các thị trường khó tính, chấp nhận giá cao thì họ sẽ thay đổi ngay lập tức. Và chắc chắn, chuyển đổi xanh cũng sẽ mang lại cho các doanh nghiệp những cơ hội mới”.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh giải thích, đối với doanh nghiệp, khi chuyển đổi xanh, lợi ích họ có không chỉ là cơ hội tăng trưởng dài hạn mà còn gắn với lợi ích bền vững của cộng đồng, về văn hóa, xã hội và môi trường. Đặc biệt, chuyển đổi xanh mang đến cho các doanh nghiệp cơ hội dẫn đầu xu thế như phát triển năng lượng tái tạo, sản xuất hydro xanh, lưu trữ năng lượng và các ngành nghề mới.

Việt Nam với hành trình chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng thông minh (Bài 4) - Ảnh 3
Chiếc Tuabin Điện Gió đầu tiên tại Khu Công nghiệp DEEP C (Hải Phòng).

“Người tiêu dùng bây giờ tiêu dùng rất thông minh. Nhiều người sẵn sàng chi thêm tiền cho những sản phẩm mà thân thiện với môi trường. Khách hàng đang ngày càng đánh giá cao các doanh nghiệp có cam kết mạnh mẽ đối với vấn đề bảo vệ môi trường và xã hội”, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh nói thêm.

Việc chuyển đổi xanh còn giúp các doanh nghiệp có thể thu hút nhà đầu tư, được hỗ trợ tài chính từ các tổ chức quốc tế. Vì khi muốn tiếp cận với nguồn vốn của tổ chức quốc tế họ phải chứng minh cam kết đối với sự bền vững của chuyển đổi xanh. Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ giảm thiểu chi phí doanh nghiệp khi tiến hành chuyển đổi xanh.

Tuy nhiên, theo như lời của PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam đang ở giai đoạn khởi xướng của việc nhận thức. Còn để đi thực sự đi vào chuyển đổi xanh sẽ phải là một quá trình.

Việt Nam với hành trình chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng thông minh (Bài 4) - Ảnh 4

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cho rằng, việc sử dụng năng lượng thông minh là một khái niệm mới. Từ thông minh có thể hiểu đây là một dạng năng lượng thông minh mới hoặc là cách sử dụng, áp dụng các công nghệ thông minh trong quá trình quản lý, vận hành để giảm tiêu hao, lãng phí năng lượng. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, bản chất sử dụng năng lượng thông minh là việc thay đổi về chất trong quá trình sử dụng năng lượng, giúp tiết kiệm năng lượng. Đó là những dạng năng lượng sạch, xanh với những công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Việt Nam với hành trình chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng thông minh (Bài 4) - Ảnh 5

Hiện nay, năng lượng thông minh đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều mặt của sản xuất, tiêu dùng và đời sống xã hội. Phát triển năng lượng thông minh ngày nay đang là xu thế rõ nét, từng bước làm thay đổi ngành năng lượng truyền thống. Việc này tạo ra những thành quả to lớn, mang tính đột phá trong phát triển những nguồn năng lượng, nhất là những nguồn năng lượng mới, tái tạo cũng như trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

“Trước đây năng lượng thông minh chỉ trên lý thuyết nhưng bây giờ đã có nhiều dạng năng lượng thông minh hiện hữu. Ví dụ như Năng lượng gió; Năng lượng mặt trời; Năng lượng biển (bao gồm có năng lượng sóng, năng lượng dòng biển, năng lượng thủy triều)... Những nguồn năng lượng này đã và đang được triển khai xây dựng tại Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh nói. 

Về việc sử dụng năng lượng thông tin, tiết kiệm và hiệu quả, vị này dẫn chứng, Nhật bản đã sử dụng công nghệ làm lạnh mà không cần phải điện. Theo đó, nguồn nhiệt điều hoà sẽ được lấy từ nhiệt lạnh ở dưới biển, đưa bằng đường ống để điều hòa nhiệt độ. Hay ở một số trường đại học, sinh viên đi lại nhiều, nhà trường đã lắp hệ thống ngầm dưới đất. Khi sinh viên di chuyển, tác động lên hệ thống ngầm là sẽ phát ra điện, đây cũng có thể là một dạng năng lượng thông minh.

Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng và thực thi chiến lược phát triển năng lượng thông minh gắn liền với việc chuyển đổi số trong ngành năng lượng. Đây chính là nền tảng quan trọng để phát triển năng lượng thông minh theo hướng bền vững và hiệu quả. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, đây lại là thách thức lớn trong bối cảnh hạ tầng quốc gia hiện nay còn hạn chế, thiếu cơ chế, chính sách và nguồn lực thực hiện.

Việt Nam với hành trình chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng thông minh (Bài 4) - Ảnh 6
Tấm lấy sáng tự nhiên trên mái và xung quanh nhà xưởng là một trong những giải pháp tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp trong sản xuất.
Việt Nam với hành trình chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng thông minh (Bài 4) - Ảnh 7

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, TS.Trần Khắc Tâm, ĐBQH khóa XIII, Phó Chủ tịch Hội đồng các Hiệp hội Doanh nghiệp ĐBSCL cho rằng, hiện nay, mô hình chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) đang dần trở thành thước đo cho sự chuyển đổi xanh của các nước trên thế giới. Đây là mô hình liên quan đến khu vực, đảm bảo tính công bằng giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, quốc gia với quốc gia về sử dụng năng lượng.

Mô hình này sẽ giúp các doanh nghiệp đã cam kết thực hiện chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính tránh được những rủi ro. Đồng thời cũng khuyến khích các doanh nghiệp chưa tốt sẽ tốt hơn.

TS.Trần Khắc Tâm nói rằng, tại COP28 diễn ra vào tháng 12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế (IPG). Điều đó cho thấy, Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, tập trung đưa ra những chính sách, mô hình thí điểm thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) nhằm tạo ra "hệ sinh thái" của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.

Việt Nam với hành trình chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng thông minh (Bài 4) - Ảnh 8

“Mô hình sẽ giúp thực thi các biện pháp hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0, cân đối giữa các doanh nghiệp với nhau. Đó không chỉ giữa các doanh nghiệp trong một quốc gia, mà còn là giữa các doanh nghiệp trên thế giới và giữa các quốc gia”, Phó Chủ tịch Hội đồng các Hiệp hội Doanh nghiệp ĐBSCL nhấn mạnh.

Có thể nói, trong bối cảnh các nước trên thế giới sử dụng năng lượng hóa thạch nhiều, nước ta sử dụng năng lượng hóa thạch ít thì giá thành sản phẩm sẽ đội lên hoặc ngược lại, điều này ảnh hưởng đến giá thành và sự canh tranh. Do vậy thế giới cần tính cân bằng, việc ra đời mô hình JETP này có tính chất toàn cầu, ảnh hưởng đến các khu vực và giữa các quốc gia. Đây cũng là động lực để thúc đẩy các doanh nghiệp tiệm cận đến việc chuyển đổi xanh và sử dụng các năng lượng tái tạo, năng lượng bền vững để giảm phát thải nhà kính, giảm thải chất gây hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên. Doanh nghiệp nào đi trước sẽ có lợi, tuy nhiên doanh nghiệp cũng cần tái cấu trúc, quản trị lại hệ thống và chuẩn bị nguồn lực để đổi mới công nghệ.

Việt Nam với hành trình chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng thông minh (Bài 4) - Ảnh 9

(Còn nữa)

Nội dung: Mạnh Quân

Đồ hoạ: Hải An

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam với hành trình chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng thông minh (Bài 4). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới