Đề nghị lùi thời gian thu phí dịch vụ cảng biển TP.HCM đến tháng 10
Sở GTVT đề nghị thời gian thu phí hạ tầng cảng biển sẽ bắt đầu từ ngày 1/10/2021, giãn 3 tháng so với mốc thời gian hiện hành, góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Mới đây, Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản các hiệp hội doanh nghiệp đề nghị góp ý dự thảo sửa đổi quy định về thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM.
Được biết, theo kế hoạch, ngày 25/6/2021 sẽ thử nghiệm vận hành hệ thống thu phí. Việc chuẩn bị đã hoàn tất, như hoàn chỉnh cơ chế phối hợp, tổ chức đầu thầu, lựa chọn nhà thầu cung cấp máy móc, trang thiết bị, phần cứng, phần mềm… khảo sát và lắp đặt hệ thống đường truyền kết nối phục vụ hệ thống thu phí.
Dự kiến, từ ngày 1/7, TP.HCM sẽ chính thức thu phí hạ tầng cảng biển, với mức thu thấp nhất là 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container và cao nhất là 4,4 triệu đồng/tấn, tùy chủng loại hàng hóa và container.
Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp của Covid-19 trên địa bàn TP.HCM cùng với các kiến nghị của nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, Sở GTVT đã dự thảo hồ sơ sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND về ban hành mức thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, điều chỉnh thời gian thu phí hạ tầng cảng biển sẽ bắt đầu từ 0h ngày 1/10/2021, giãn 3 tháng so với mốc thời gian hiện hành là 1/7/2021, sẽ tạo đồng thuận trong xã hội, góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Theo nội dung kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021 tại Tờ trình số 3668/TTr-BKHĐT mới đây, trong bối cảnh chưa thể tiêm vaccine toàn dân, đợt dịch bùng phát tháng 4/2021 có thể kéo dài đến tháng 7 và nguy cơ bùng phát cao, các ổ dịch lớn xuất hiện tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố trọng điểm, đã tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế quý 2/2021.
Vì vậy, mốc thời gian 3 tháng này được dựa trên kịch bản dịch Covid-19 có thể cơ bản được khống chế vào khoảng tháng 7, các doanh nghiệp có khả năng phục hồi trong 2 tháng tiếp theo.
Cũng theo Sở GTVT TP.HCM, với khoản tiền dự thu trong 3 tháng này là 723 tỉ đồng, đây được xem như là một “khoản hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; doanh nghiệp xuất nhập khẩu để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội”.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã gửi đề nghị TP.HCM xem xét lùi thời gian thu phí. Đặc biệt, các hiệp hội đề nghị xem lại quy định về mức phí. Hiện tại, mức thu đang được quy định khác nhau cho các doanh nghiệp mở tờ khai tại và ngoài TP.HCM.
Các doanh nghiệp cũng cho rằng, hoạt động xuất khẩu sẽ bị tác động mạnh nếu thêm phí hạ tầng cảng biển. Khi các mặt hàng Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh về giá, việc thu phí này làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, khiến hàng xuất đi chênh lệch lớn so với các đối thủ ngoại.
Mặc dù việc thu phí để sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông cảng biển, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, nhưng nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang lo lắng trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, mức thu kể trên sẽ làm chi phí xuất nhập khẩu tăng lên, nhất là với những doanh nghiệp mở tờ khai ngoài TP.HCM.
"TP.HCM cũng nên có sự ưu ái cho các doanh nghiệp trong tình hình hiện nay, có thể giãn đến cuối năm rồi mới tiến hành thu. Mục đích của hoạt động này là giảm ùn tắc cảng biển hơn là để thêm giá trị gia tăng nên chúng tôi cũng kiến nghị TP.HCM có ý kiến xin Chính phủ hỗ trợ để giải quyết càng nhanh càng tốt vấn đề ùn tắc cảng biển", ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, nhận định.
Lan Anh