Chủ nhật, 24/11/2024 07:36 (GMT+7)
Thứ hai, 07/09/2020 07:35 (GMT+7)

Đề nghị thống nhất dùng một loại giấy phép môi trường

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận một số dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã đề nghị dùng một loại giấy phép môi trường để thống nhất đầu mối quản lý và thực hiện chương trình cải cách hành chính mà Chính phủ đang quyết tâm triển khai.

Tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT đã báo cáo một số nội dung lớn giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật BVMT. Trong đó có một số ý kiến đề nghị giải trình, làm rõ việc tích hợp các giấy phép về môi trường (bao gồm cả giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi).

Hiện có 2 phương án về việc cấp phép môi trường. Phương án 1 (đây là phương án Chính phủ trình) chỉ dùng 01 loại giấy phép môi trường trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, thay thế 07 loại giấy tờ thủ tục hành chính về môi trường. Phương án 2, vẫn có giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi đã được quy định trong Luật Thủy lợi mới được thông qua năm 2017 và đang được triển khai thực hiện một cách thuận lợi. Tuy nhiên, quy định về vấn đề này cần phải điều chỉnh cách thể hiện để không ảnh hưởng tới công tác quản lý nhà nước (QLNN) mà Chính phủ đã giao cho Bộ TN&MT.

Đề nghị thống nhất dùng một loại giấy phép môi trường - Ảnh 1
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu đầu tiên trong phiên thảo luận, Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (đoàn Bến Tre) đồng tình với quan điểm tích hợp các loạt giấy phép về môi trường, trong đó bao gồm cả giấy phép xả nước thải vào công trình thuỷ lợi.

Lý giải về việc này, theo đại biểu Thuỷ, nguyên tắc cấp giấy phép đều dựa trên đánh giá tác động môi trường ĐTM. Mặt khác, hiện nay việc phân cấp cấp phép vào công trình thuỷ lợi đang theo công trình chứ không theo quy mô, chưa tương thích với việc quản lý. Bên cạnh đó, trên thực tế, việc xả thải vào các công trình thuỷ lợi chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ do đó việc phân nhỏ cấp giấy phép là chưa phù hợp.

“Do đó, chỉ dùng 1 loại giấy phép môi trường trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, thay thế 07 loại giấy tờ thủ tục hành chính về môi trường” - đại biểu Lệ Thuỷ nhấn mạnh. Ngoài ra, cần có quy định cụ thể về việc này, từ xét duyệt ĐTM, cấp giấy phép đến hậu kiểm đảm bảo thống nhất và không trồng chéo.

Đề nghị thống nhất dùng một loại giấy phép môi trường - Ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (đoàn Bến Tre)

Cũng cùng quan điểm này, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng việc tích hợp vào 1 giấy phép này mang nhiều ý nghĩa trong bối cảnh Chính phủ đang quyết tâm thực hiện cải cách hành chính. Thứ nhất là giảm thủ tục hành chính, thứ hai là đảm bảo tính thống nhất, rõ trách nhiệm cũng như tuân thủ những nguyên tắc về một cơ quan chịu trách nhiệm chính về việc này. Mặt khác, việc này cũng đảm bảo tiếp cận tổng hợp về việc cấp giấy phép xả thải môi trường. Tuy nhiên cần phải làm rõ hơn, rất cụ thể, nhất chức năng các Bộ liên quan tới các dự án luật trước.

Theo đại biểu Cương, trong báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều khẳng định các giấy phép xả thải vào nguồn nước và xả thải vào công trình thuỷ lợi đều dựa trên ĐTM - tức là dựa trên báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đây cũng là việc làm để đảm bảo tính minh bạch.

Còn theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh – Đoàn Hà Nội, hiện nay vấn đề ô nhiễm trên các hệ thống thuỷ lợi như Bắc Hưng Hải, ô nhiễm trên các lưu vực sông Nhuệ, Đáy đang gây bức xúc cho người dân, dư luận, cần phải có kiểm soát và bảo vệ môi trường những nơi này nghiêm ngặt hơn nữa. Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ bổ sung cho những bất cập trong quản lý ô nhiễm các nguồn nước trong thời gian qua. Đồng cho rằng thời hiện nay chính phủ đang có những cải cách, liên thông các thủ tục hành chính cho nên việc tích hợp các giấy phép như trong báo cáo chính là thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn Lâm Đồng cũng cho rằng, việc dùng 1 loại giấy phép môi trường trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, thay thế 7 loại giấy tờ thủ tục hành chính về môi trường sẽ giải quyết được phần lớn những vướng mắc về thủ tục hành chính trong thời gian qua. Tuy nhiên, để thực hiện cần phải sửa đổi một số nội dung có liên quan về xả nước thải vào công trình thuỷ lợi.

Đề nghị thống nhất dùng một loại giấy phép môi trường - Ảnh 3
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh – Đoàn Hà Nội phát biểu.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, với về nội dung tích hợp hai loại Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (theo quy định tại Luật Tài nguyên nước) Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (theo quy định tại Luật Thủy lợi). Bộ trưởng đồng tình với các ý kiến của các đại biểu Quốc hội là nội dung quản lý nước thải trong các giấy phép nêu trên là giống nhau (đều yêu cầu về công trình xử lý, quy trình vận hành và quy chuẩn kỹ thuật về môi trường). Do đó, riêng 01 đối tượng xả nước thải hiện đang phải chịu 02 thủ tục hành chính có nội dung tương đồng.

Bên cạnh đó, công trình thủy lợi chỉ là một bộ phận cấu thành của mạng lưới tài nguyên nước. Việc quy định có nhiều cơ quan cấp phép xả thải như hiện nay (cơ quan quản lý TN&MT và cơ quan quản lý công trình thủy lợi) sẽ không bảo đảm nguyên tắc quản lý tổng hợp, một việc được giao nhiều cơ quan thực hiện sẽ gây chồng chéo, không rõ trách nhiệm của các cơ quan; không bảo đảm nguyên tắc phân định thẩm quyền xuyên suốt của các cơ quan trong dự thảo Luật như đã nêu trên. Ngoài ra, thực tế hoạt động xả thải của doanh nghiệp trên 01 đoạn sông (do cơ quan quản lý nhà nước về công trình thủy lợi quản lý) nhưng có thể tác động đến cả lưu vực (do cơ quan quản lý nhà nước về TN&MT quản lý).

Đề nghị thống nhất dùng một loại giấy phép môi trường - Ảnh 4
Toàn cảnh hội nghị.

Theo quy định, các loại Giấy phép, Giấy xác nhận này là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về BVMT của doanh nghiệp và đây là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về BVMT.

Để giải quyết được các bất cập nêu trên, bảo đảm thống nhất quản lý về BVMT nói chung, quản lý hoạt động xả nước thải vào nguồn nước nói riêng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và vẫn bảo đảm công tác BVMT, việc quy định tích hợp các loại giấy phép, giấy xác nhận về BVMT hiện hành với các loại giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, xả nước thải vào công trình thủy lợi bằng 01 GPMT là hết sức cần thiết.

Cùng với việc quy định 01 loại GPMT nêu trên, dự thảo Luật đã quy định cụ thể về trách nhiệm chủ trì, cơ chế tham gia phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về BVMT với cơ quan quản lý về công trình thủy lợi.

Theo đó, cơ quan quản lý công trình thủy lợi sẽ tham gia ngay từ đầu trong quá trình thẩm định báo cáo ĐTM để dự án triển khai, cho đến khi cấp GPMT để dự án đi vào hoạt động; dự thảo Luật cũng quy định nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM cũng như nội dung GPMT đối với các dự án này phải có đánh giá và biện pháp bảo đảm an toàn và BVMT đối với công trình thủy lợi.

Khương Trung

Bạn đang đọc bài viết Đề nghị thống nhất dùng một loại giấy phép môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới