Chủ nhật, 24/11/2024 09:02 (GMT+7)
Thứ ba, 05/05/2020 14:00 (GMT+7)

Đề nghị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản

Theo dõi KTMT trên

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa có Công văn số 2378/BTNMT-TNN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai thực hiện của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Đề nghị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản - Ảnh 1
Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức. (Ảnh: Báo TN&MT)

Công văn nêu rõ ngày 24/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/5/2020.

Để triển khai thực hiện Nghị định nêu trên, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, Bộ TN&MT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo nghiên cứu, quán triệt và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông hoặc các hình thức phù hợp khác để bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Nghị định.

Đặc biệt, Bộ TN&MT cũng lưu ý nội dung mới quy định của Nghị định 36 là tính toán số lợi bất hợp pháp khi áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do thực hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Ngoài ra, để tránh tình trạng bị xử phạt vi phạm hành chính kèm theo biện pháp truy thu số lợi bất hợp pháp do thiếu thông tin, Bộ TN&MT đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan tổ chức rà soát, đôn đốc các tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác, sử dụng, xả nước thải theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ TN&MT cũng đề nghị các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, trường hợp phát hiện có vi phạm thì thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các công trình đã khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhưng chưa có giấy phép cần áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

"Việc tính toán số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước được thực hiện theo quy định tại điểm r khoản 3 Điều 4 của Nghị định", công văn của Bộ TN&MT nêu rõ.

Trước đó, vào ngày 24/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (thay thế Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ).

Theo đó, các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt hành chính: cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức; tước quyền sử dụng Giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến 24 tháng.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung khác nhau.

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả, như: buộc thực hiện đầy đủ biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; thực hiện các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến sức khỏe con người; buộc xử lý, khắc phục sự cố sụt, lún đất; buộc thực hiện các biện pháp vận hành hồ chứa, phục hồi đất đai, môi trường; san lấp, cải tạo các công trình thăm dò…

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Đề nghị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới