Bảo vệ tài nguyên nước để ứng phó với biến đổi khí hậu
Sự biến đổi của khí hậu toàn cầu đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước. Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm nguồn nước mặt, cũng như nước ngầm do tác động của biến đổi khí hậu.
Nước là khởi nguồn của sự sống; là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá nhưng không phải là vô tận. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cùng với sự gia tăng dân số, ô nhiễm và suy thoái môi trường là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm nguồn nước, qua đó tác động đến chất lượng sống của con người trên hành tinh.
Tài nguyên nước phải là yếu tố trung tâm của các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa) |
Biến đổi khí hậu khiến nguồn nước trở nên suy thoái
Nhân loại phải đối mặt với thách thức to lớn do biến đổi khí hậu gây ra, đặc biệt là những hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai, bão lụt có mối quan hệ vô cùng mật thiết với tài nguyên nước.
Chủ đề Ngày nước thế giới năm 2020 là "Nước và Biến đổi khí hậu" nhấn mạnh tầm quan trọng cấp thiết của việc tăng cường an ninh nguồn nước và thiết lập khả năng tiếp cận nguồn cung cấp nước bền vững trước những thay đổi của biến đổi khí hậu trên toàn thế giới.
Biến đổi khí hậu do ấm lên của trái đất làm thay đổi sự phân phối lượng mưa, gây những tác động nhất định đến đặc điểm tài nguyên nước. Những năm gần đây, quy luật thời tiết đã có nhiều biến đổi khác thường, nắng nóng kéo dài và lượng mưa rất ít đã đẩy người dân vào cảnh lao đao vì thiếu nước.
Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa, tình trạng khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát cùng sự biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức lớn về vấn đề sử dụng hợp lý và phát triển bền vững nguồn nước hiện nay.
Tình trạng khô hạn, thiếu nước diễn ra thường xuyên ở Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: TTXVN) |
Tại Việt Nam, tổng lượng nước đang được khai thác, sử dụng hàng năm khoảng 80,6 tỉ m3, chiếm 10% tổng lượng nước của cả nước. Trong đó, hơn 80% lượng nước được sử dụng cho mục đích nông nghiệp (khoảng 65 tỉ m3/năm). Nước dưới đất được khai thác, sử dụng chủ yếu cho cấp nước sinh hoạt và công nghiệp, với gần 40% lượng nước cấp cho đô thị và 80% lượng nước cho sinh hoạt nông thôn.
Theo Hội Tài nguyên nước quốc tế, quốc gia nào có lượng nước bình quân đầu người dưới 4.000 m3/người/năm được xem là quốc gia thiếu nước. Như vậy, nếu chỉ tính riêng lượng tài nguyên nước mặt trên lãnh thổ, thì hiện nay, Việt Nam đã thuộc số các quốc gia thiếu nước và sẽ gặp phải nhiều thách thức về tài nguyên nước trong tương lai.
Dự đoán đến năm 2025, lượng nước cho đầu người ở Việt Nam chỉ còn khoảng 3.100 m3, thuộc mức dưới trung bình của thế giới.
Sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, bền vững
An ninh nguồn nước đang là một trong những thách thức lớn đối với nước ta trong quá trình phát triển. Vấn đề an ninh nguồn nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới mọi mặt trong đời sống xã hội hiện nay. Nhiều chuyên gia cho rằng, đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước là vấn đề lớn của các đô thị, bởi tình trạng ô nhiễm ngày càng phức tạp, khó kiểm soát.
Thiên tai, bão lũ... cũng ảnh hưởng đến tài nguyên nước của mỗi quốc gia. (Ảnh minh họa) |
Quản lý bền vững nguồn tài nguyên nước góp phần quan trọng cho sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội. Bảo vệ môi trường, hạn chế những tác động xấu của biến đổi khí hậu và cùng chung tay gìn giữ, tiết kiệm nguồn là giải pháp hiệu quả đảm bảo việc quản lý, phát triển bền vững nguồn nước hiện nay.
Tài nguyên nước chính là chìa khóa giúp thích ứng tốt hơn đồng thời có thể giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Theo đó các nhà hoạch định chính sách phải coi tài nguyên nước như một giải pháp thiết thực giúp thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời đối với cộng đồng người dân, thông qua các hoạt động nhỏ hằng ngày như sử dụng tiết kiệm nước cũng đã góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Nguyễn Luận