Chủ nhật, 24/11/2024 08:14 (GMT+7)
Thứ sáu, 20/05/2022 07:55 (GMT+7)

Đề xuất tái khởi động dự án mỏ sắt Thạch Khê: "Hãy chờ công nghệ tốt hơn" (Bài 2)

Theo dõi KTMT trên

"Tốt nhất là hãy để mỏ sắt Thạch Khê cho tương lai. Nếu thế hệ sau có công nghệ tốt hơn, khi ấy hãy tính đến chuyện khai thác", PGS.TS. Lưu Đức Hải nhấn mạnh.

Trước việc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đề nghị Chính phủ cho phép được tái khởi động triển khai Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (tỉnh Hà Tĩnh), rất nhiều nhà khoa học đã cảnh báo không thể khai thác mỏ sắt Thạch Khê vì nhiều lý do. Trong đó quan trọng nhất là vấn đề liên quan tới công nghệ khai thác và môi trường. Và, ngay cả UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng nhiều lần đề nghị Chính phủ quyết định dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Đề xuất tái khởi động dự án mỏ sắt Thạch Khê: "Hãy chờ công nghệ tốt hơn" (Bài 2) - Ảnh 1
Mỏ sắt Thạch Khê (ảnh TKV)

15.000 tỷ chưa được hạch toán?

Để hiểu rõ hơn về Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam. PGS.TS Lưu Đức Hải là một trong những chuyên gia tham gia vào đoàn khảo sát, nghiên cứu và tư vấn phản biện dự án này.

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, trước đây, vào năm 2017, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh đưa ra những phản biện về dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Khi đó, các nhà khoa học đã chất vấn, đề nghị chủ đầu tư là Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) làm rõ những tác động nếu khai thác mỏ sắt Thạch Khê, cũng như công nghệ, kỹ thuật, thiết bị khai thác, năng lực tài chính, hiệu quả kinh tế dự án; đặc biệt là những tác động môi trường, xã hội của dự án.

"Tôi không rõ nếu TKV khởi động lại dự án, họ sẽ dùng công nghệ mới gì và có giải pháp như thế nào? Đây là yếu tố rất quan trọng. Khi xem dự án đầu tiên của TKV (giai đoạn 2008-2011), dưới góc độ là nhà khoa học, chúng tôi thấy rằng dự án vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết: Công nghệ chưa đảm bảo, vấn đề bảo vệ môi trường chưa được quan tâm, chưa tính toán rõ ràng được giá trị tài nguyên, việc hạch toán chi phí còn chưa rõ", ông Hải nói.

Đề xuất tái khởi động dự án mỏ sắt Thạch Khê: "Hãy chờ công nghệ tốt hơn" (Bài 2) - Ảnh 2
Mỏ sắt Thạch Khê ở góc chụp khác.

Lấy ví dụ viện dẫn cho việc hạch toán của TKV vẫn chưa rõ ràng, PGS.TS Lưu Đức Hải phân tích, muốn khai thác mỏ Thạch Khê thì phải lấy hết lớp cát nước ngọt trên bề mặt. Nếu tính giá trị trung bình của 300 triệu mét khối cát nước ngọt ở trên mỏ sắt Thạch Khê với đơn giá 50.000 đồng/mét khối (lấy từ giá cát san nền ở Hà Nội), thì đã có ít nhất 15.000 tỷ đồng không được hạch toán trong dự án.

Thứ hai, muốn khai thác mỏ Thạch Khê phải có giải pháp công nghệ phù hợp. Hiện nay trên thế giới chỉ có 4-5 mỏ khai thác khoáng sản lộ thiên ở độ sâu trên 500m. Những mỏ này hầu hết đều nằm trong đất liền, trong những tầng đá rất rắn chắc như đá magma. Còn ở mỏ Thạch Khê với độ sâu 550m, nằm sát biển, sâu phía trong là các tầng đá carbonat và đá trầm tích - là những loại đá không có tính rắn chắc.

"Tôi chưa thấy TKV đưa ra được công nghệ để bảo vệ các bờ moong, hố khai thác… Họ chỉ nói công nghệ đắp các đập bằng đất sét có thể đủ sức chống chịu được sức ép của các khối đất đá và nước ngầm xung quanh. Các vấn đề liên quan đến nước biển, sóng biển trong tình hình biến đổi khí hậu hoặc nếu xảy ra thiên tai như động đất, sóng thần thì ai biết được điều gì sẽ xảy ra?", PGS.TS. Lưu Đức Hải băn khoăn.

Nguy cơ ô nhiễm môi trường

Cũng theo PGS.TS Lưu Đức Hải, vấn đề thứ ba là bảo vệ môi trường. Khi đánh giá tác động về môi trường, chính TKV đã đánh giá khi khai thác mỏ Thạch Khê nước ngầm sẽ thấm vào hố khai thác, hình thành nước thải.

Nếu hàng triệu mét khối nước được bơm ra sẽ dẫn tới cạn kiệt mạch nước ngầm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân các xã xung quanh khu mỏ. Đây cũng là điều mà TKV chưa đưa ra được lời giải phù hợp.

Ngoài ra, khi nước ngầm thấm vào hố khai thác, kèm theo đó là vật liệu, dầu mỡ, kim loại... Vậy phải xử lý hàng triệu mét khối nước kèm chất thải như thế nào thì TKV cũng chưa đề cập đến.

Một trong những phương án mà TKV đưa ra là đổ đất đá thải ra biển để hình thành đê bao và làm nơi tập kết quặng, đất cát thải. Tuy nhiên, phương án này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng chảy gần bờ của toàn khu vực, kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy.

Đề xuất tái khởi động dự án mỏ sắt Thạch Khê: "Hãy chờ công nghệ tốt hơn" (Bài 2) - Ảnh 3
PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Thứ tư, là vấn đề về đầu ra của sản phẩm. Việc khai thác mỏ Thạch Khê phải tạo ra hiệu quả kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang thiếu quặng sắt. Thực tế, các công ty luyện kim trong nước không mặn mà với quặng sắt tại mỏ Thạch Khê.

Theo báo cáo trong dự án thì hiện tại có chừng 10 doanh nghiệp trong nước cam kết tiêu thụ quặng sắt, nhưng với khối lượng khiêm tốn. Việc chưa có đầu ra ổn định trong nước, cũng như quá phụ thuộc vào thị trường quốc tế, trong khi giá thành sản xuất tăng cao sẽ dẫn đến việc không đảm bảo khả năng hoàn vốn, hoặc có lãi của dự án.

Đánh giá về quặng sắt Thạch Khê, báo Hà Tĩnh trích dẫn văn bản của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh ban hành ngày 21/12/2017 khẳng định: Hàm lượng kẽm trong quặng sắt này cao hơn 10 lần so với quặng sắt thông thường, đồng thời cao hơn 4,5 lần so với tiêu chuẩn của Công ty; nguyên tố kẽm trong quặng sắt dễ ngưng tụ lại trên vách trong lò cao gây ảnh hưởng đến việc vận hành, hư hỏng vật liệu chịu lửa và làm giảm tuổi thọ của lò cao, nghiêm trọng hơn nữa sẽ dẫn đến việc rò rỉ gang lỏng gây ra sự cố.

"Công ty luôn luôn hy vọng có thể sử dụng một cách hiệu quả nguồn tài nguyên của địa phương. Tuy nhiên, với công nghệ luyện kim của Công ty hiện tại, cũng như các công ty luyện kim khác thì sử dụng loại quặng sắt này cần phải thay đổi thiết kế các lò luyện kim", văn bản của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Để mỏ Thạch Khê "dành" cho thế hệ sau

Trở lại thời điểm cách đây hơn 13 năm, vào tháng 9/2009, TIC đã tiến hành bóc đất tầng phủ (đến tháng 7/2011 đã tới độ sâu -28m, đạt 12,7 triệu m3), kéo theo đó là tình trạng tụt mạch nước ngầm. Đặc biệt là tình trạng hoang mạc hóa đã để lại hậu quả nặng nề cho đời sống dân sinh của người dân vùng mỏ, chưa biết đến bao giờ mới hàn gắn, hoàn trả được…

Đây cũng là điều mà chính quyền tỉnh Hà Tĩnh rất quan tâm. Bởi khu vực mỏ có bán kính khoảng 30km sẽ có nguy cơ bị hoang mạc hóa do khoảng cách từ mạch nước ngầm đến mặt đất khá ngắn.

"Tôi nghĩ TKV là doanh nghiệp Nhà nước, có thể họ đã thấy nguồn lợi lớn từ việc tái khai thác mỏ Thạch Khê. Tuy nhiên, nếu không đủ công nghệ thì chưa chắc đã là nguồn lợi lớn. Như tôi đã đề cập, 15.000 tỷ đồng (chưa được hạch toán) là số tiền rất lớn, trong khi cát thì chỉ việc xúc lên đem bán. Về phần tỉnh Hà Tĩnh, rõ ràng địa phương đang chịu ảnh hưởng từ dự án.

Với tư cách nhà khoa học, tôi cho rằng tốt nhất là hãy để mỏ sắt Thạch Khê cho tương lai. Nếu thế hệ sau có công nghệ tốt hơn, khi ấy hãy tính đến chuyện khai thác", PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường kết luận. 

Mỏ Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, được phát hiện từ năm 1960, với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Từ năm 2007, TKV đã chủ trì cùng với các nhà đầu tư trong nước thành lập Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê (trong đó TKV nắm cổ phần chi phối) để triển khai Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê  làm chủ đầu tư được khởi công từ năm 2009. Theo đánh giá, tổng sản lượng quặng khai thác từ mỏ Thạch Khê có thể đạt mức 370 - 400 triệu tấn. Thời gian đầu có thể khai thác 10 - 15 triệu tấn mỗi năm.

Doanh thu cả đời dự án được đánh giá vào khoảng 35 tỷ USD, nộp ngân sách khoảng 9 tỷ USD, góp phần tăng GDP hàng năm 0,3 - 1%.

Bài 3: Đề xuất tái khởi động dự án mỏ sắt Thạch Khê: Không khả thi về kỹ thuật, kinh tế và môi trường

Hoàng Hải

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất tái khởi động dự án mỏ sắt Thạch Khê: "Hãy chờ công nghệ tốt hơn" (Bài 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Về mái trường xưa
Dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngôi trường tiểu học quê tôi cũng tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập với bao xúc cảm của cậu học trò năm xưa nay tóc đã điểm bạc.

Tin mới