Chủ nhật, 24/11/2024 05:36 (GMT+7)
Thứ hai, 12/07/2021 18:41 (GMT+7)

Đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ phải 'gánh' bao nhiêu cơn bão?

Theo dõi KTMT trên

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, từ nay đến hết năm 2021 còn khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông. Trong đó, có khoảng 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.

Mưa lớn xảy ra dồn dập trong tháng 10 và 11/2021

Mới đây, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đã đưa ra dự báo xu thế thời tiết thời hạn mùa (từ tháng 7-12/2021). Theo đó, ENSO đang ở trạng thái trung tính từ nay đến tháng 8/2021 với xác suất khoảng 70%, sau đó sẽ tiếp tục duy trì trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha lạnh cho đến cuối năm 2021.

Về diễn biến mùa bão, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho hay, từ nay đến hết năm 2021 còn khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông. Trong đó, có khoảng 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam và không ngoại trừ có những cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp trên khu vực Biển Đông.

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, trong 6 tháng cuối năm 2021, lượng mưa có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt mưa nhiều hơn so với TBNN ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vào tháng 7 đến tháng 9/2021 và tháng 10 đến tháng 12/2021 ở Trung và Nam Trung Bộ. Mưa lớn có khả năng xảy ra dồn dập trong các tháng 10 và 11/2021 ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ. Mưa lớn cục bộ nhiều khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các đô thị, các thành phố lớn và các khu vực trũng, thấp.

Đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ phải 'gánh' bao nhiêu cơn bão? - Ảnh 1
Từ nay đến hết năm 2021 có khoảng 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. (Ảnh: VnExpress)

Bên cạnh đó, các đợt lũ vừa và lũ lớn ở Bắc Bộ có khả năng tập trung trong các tháng 8-9. Nguy cơ lũ quét và sạt lở đất xuất hiện sớm tại vùng núi khu vực Tây Bắc và Việt Bắc cũng như các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông ở Trung Bộ. Ngoài ra, tại một số vùng trũng thấp, ven sông, ven biển các tỉnh miền Đông Nam Bộ, đặc biệt tại TP.HCM, Cần Thơ, Vĩnh Long có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt khi có lũ hoặc triều cường cao. Đỉnh lũ năm 2021 ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức BĐ1-BĐ2; đỉnh lũ năm tại các trạm hạ lưu ở mức BĐ2-BĐ3, một số trạm trên BĐ3.

Từ tháng 7 đến tháng 8/2021, nguy cơ xảy ra hạn hán cục bộ và xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển Trung Bộ, đặc biệt tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận. Tại ven biển Trung Bộ, hiện tượng xói lở bờ biển tiếp tục diễn ra nghiêm trọng, nhất là trong các đợt triều cường kết hợp với gió mùa Đông Bắc có cường độ mạnh

Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cũng cho biết, để chủ động trong công tác dự báo, cảnh báo mùa "mưa bão", Trung tâm triển khai thực hiện Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai, trong đó tập trung vào việc tăng tần suất, thay đổi giờ phát tin; xây dựng và triển khai công cụ giám sát bão, lũ thời gian thực; cập nhật liên tục vị trí và cường độ từng giờ khi có tin bão, áp thấp nhiệt đới, lũ khẩn cấp...

Cùng với đó, Trung tâm tăng cường trao đổi với Trung tâm Dự báo bão trong khu vực như: Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc; xây dựng quy trình và tổ chức hội thảo chuyên sâu về dự báo, cảnh báo thiên tai tại Trung tâm điều hành tác nghiệp khí tượng thủy văn; tăng cường kiểm tra, rà soát, đào tạo, tập huấn và cập nhật về công nghệ, các quy định và định hướng chiến lược về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cho các dự báo viên...

Tăng cường phối hợp công tác cảnh báo

Để thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo cũng như ứng phó với thiên tai khi mùa mưa bão đến, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường phối hợp trong công tác phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Theo đó, Thứ trưởng nhấn mạnh, trong năm 2020, không phải chỉ Việt Nam mới xảy ra nhiều thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt là thiệt hại về tính mạng của nhân dân; mà trên thế giới cũng đã có những kỷ lục được xác lập. Điều này có nghĩa là biến đổi khí hậu và các tác động của nó đến các điều kiện thời tiết thủy văn đang diễn biến ngoài những quy luật chúng ta đã biết. Do vậy, đề nghị tất cả các đơn vị có liên quan, đặc biệt là Tổng cục KTTV phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho mỗi mùa mưa bão sắp tới.

Trong 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Lê Công Thành yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin, trao đổi, hướng dẫn sử dụng các thông tin của các lĩnh vực cho nhau, "làm sao những công việc đang được phối hợp triển khai phải đi đến những thành quả cuối cùng".

Tổng cục KTTV và Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tiếp tục làm việc kỹ lưỡng hơn, để kết quả điều tra, khảo sát, nghiên cứu của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản về nguy cơ sạt lở đất được sử dụng triệt để trong cảnh báo thuộc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia. Đồng thời, yêu cầu Tổng cục KTTV xây dựng phương án, hệ thống chia sẻ thông tin về thiên tai, bão lũ cho nội bộ các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của Bộ.

Bên cạnh đó, yêu cầu Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thực hiện hướng dẫn lại cho các địa phương cách sử dụng các thông tin về sạt lở bằng các hướng dẫn chi tiết chia sẻ qua mạng internet để các địa phương biết và triển khai. Đồng thời, cử cán bộ hướng dẫn địa phương (khi có yêu cầu) sử dụng hiệu quả các thông tin này.

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 76/NQ-CP về công tác phòng, chống thiên tai và Quyết định số 705/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.

Thiên tai đã "thổi bay" hơn 112 tỉ đồng chỉ trong 5 tháng

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), chỉ trong 5 tháng đầu năm 2021, thiên tai đã gây thiệt hại ước tính về giá trị khoảng 112 tỉ đồng.

Trong đó, cả nước đã xảy ra 37 trận động đất nhẹ, 83 trận mưa đá, dông lốc, sét. Riêng trong tháng 5/2021, đã xảy ra 50 trận dông lốc, sét rải rác tại 25 tỉnh/thành phố trên cả nước; 7 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó, 2 trận lũ ống, lũ quét và 13 vụ sạt lở bờ sông. 

Cũng theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người ở các tỉnh ven biển đang phải chịu ảnh hưởng từ nguy cơ của các trận bão lũ nặng nề và hơn 35% nhà ở hiện đang nằm ở các khu vực ven biển bị xói mòn. Theo đánh giá của các chuyên gia, khu vực kinh tế biển Việt Nam ngày càng hứng chịu nhiều thiên tai, gây ra những thiệt hại về người và kinh tế nhưng các biện pháp quản lý rủi ro hiện nay là chưa đủ.

Thùy Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ phải 'gánh' bao nhiêu cơn bão?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới