Chủ nhật, 24/11/2024 05:29 (GMT+7)
Thứ bảy, 04/07/2020 16:51 (GMT+7)

Đến năm 2025, điều hành toàn bộ các tuyến cao tốc bằng giao thông thông minh

Theo dõi KTMT trên

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% các tuyến đường bộ cao tốc trên cả nước triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ". Theo đó, ngành giao thông vận tải (giao thông vận tải) sẽ đầu tư hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành của ngành phù hợp với chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Chuyển đổi số trong quản lý, điều hành Giao thông vận tải

Đề án hướng tới mục tiêu đầu tư hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành ngành giao thông vận tải phù hợp với xu thế chuyển đổi số của Chính phủ và xây dựng nền kinh tế số trong giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; Tập trung vào lĩnh vực đường bộ nhằm bảo đảm thông suốt, an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường cho tất cả các phương thức vận tải.

Đề án nêu rõ, đến năm 2025 sẽ hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành giao thông vận tải, trong đó có cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối, tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên dùng nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành giao thông vận tải đầy đủ, kịp thời, chính xác cho người ra quyết định.

Đến năm 2025, điều hành toàn bộ các tuyến cao tốc bằng giao thông thông minh - Ảnh 1
Đến năm 2025, toàn bộ các tuyến cao tốc được quản lý, điều hành bằng giao thông thông minh. Ảnh minh hoạ

Cùng với đó, 100% hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ giao thông vận tải được quản lý, theo dõi tiến độ xử lý trên Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử; tất cả các dịch vụ công phổ biến liên quan đến nhiều người dân và doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 và được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; tối thiểu 50% số lượng bộ hồ sơ thực hiện tại Bộ giao thông vận tải được nộp trực tuyến mức độ 3, 4.Cũng đến năm 2025, 100% chế độ báo cáo trong ngành giao thông vận tải sẽ được chuẩn hóa và quản lý bằng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ giao thông vận tải, có kết nối liên thông với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; cung cấp đầy đủ dữ liệu mở của ngành giao thông vận tải đối với các số liệu thống kê hàng năm, các loại thông tin phải được công khai theo quy định của pháp luật.

Đề án cũng đặt mục tiêu bảo đảm an toàn, an ninh cho các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của ngành giao thông vận tải, trong đó 100% hệ thống được kết nối trao đổi dữ liệu thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan nhà nước; 100% các tuyến đường bộ cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS), hình thành được các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông của đô thị thông minh tại các thành phố trực thuộc trung ương và địa phương có nhu cầu.

Đặc biệt, Đề án nêu rõ mục tiêu đến năm 2025, toàn bộ số liệu phục vụ quản lý an toàn giao thông được xử lý, tích hợp hoàn toàn tự động từ các hệ thống thông tin quản lý thuộc các chuyên ngành đường bộ, Cảnh sát giao thông và y tế dùng để đáp ứng công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Tự động hóa hoàn toàn các công tác liên quan đến quản lý đăng ký, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia kinh doanh vận tải nhờ các hệ thống thiết bị và phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin. Hoàn chỉnh quy trình quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc đào tạo, sát hạch và cấp phép cho người điều khiển phương tiện, phòng tránh tiêu cực, nhũng nhiễu gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.

“Đến năm 2025, tất cả các kế hoạch quản lý bảo trì, duy tu các tài sản kết cấu hạ tầng giao thông được kiểm tra số liệu, xử lý trên hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân; Hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) được triển khai đồng bộ tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc”, Đề án chỉ rõ.

Hiện thực hóa các mục tiêu

Để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, Đề án cũng nêu rõ các nhóm giải pháp sẽ được tập trung triển khai trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải; Xây dựng, hoàn thiện các hệ thống kỹ thuật dùng làm nền tảng để phát triển các hệ thống ứng dụng phục vụ quản lý, điều hành ngành giao thông vận tải; Triển khai, hoàn thiện ứng dụng công nghệ thông tin giao thông đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không…

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai Đề án; Cụ thể hóa các nội dung của Đề án trong chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trung hạn và hàng năm của ngành giao thông vận tải.

Thủ tướng cũng giao Bộ giao thông vận tải chủ trì xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chính sách và hướng dẫn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động bảo đảm an toàn giao thông và cung ứng dịch vụ giao thông vận tải.

Tuyết Chinh

Bạn đang đọc bài viết Đến năm 2025, điều hành toàn bộ các tuyến cao tốc bằng giao thông thông minh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới