Chủ nhật, 24/11/2024 06:36 (GMT+7)
Thứ năm, 01/12/2022 17:50 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 1/12

Theo dõi KTMT trên

Thời điểm “bắt đáy” bất động sản, chuẩn bị đón sóng mới đã xuất hiện?; Nhà đầu tư bất động sản: “Mấy tháng nay, tôi sống bằng tiền cầm sổ đỏ”; Xu hướng của thị trường BĐS năm 2023: Người mua nhà ngày càng thích đi xa?... là tin BĐS nổi bật ngày hôm nay.

Thời điểm “bắt đáy” bất động sản, chuẩn bị đón sóng mới đã xuất hiện?

Sự trầm lắng kéo dài của thị trường cùng lượng giao dịch sụt giảm nhanh khiến nhiều người cho rằng, thời điểm để “bắt đáy” bất động sản bắt đầu xuất hiện. Cơ hội cho người mua có sẵn “tiền tươi thóc thật” đã tới.

Giữa tháng 11, chị Minh Ngọc (Thanh Xuân, Hà Nội) xuống tiền vào lô đất diện tích 85 m2, nằm trong khu đô thị mới Đại An (Hải Dương) với mức giá 2,2 tỷ đồng. So với thời điểm sốt đất, lô đất này được mua rẻ tới hơn 30%. Chị Ngọc dự tính sẽ để lô đất trong thời gian ít nhất 3 năm, với kỳ vọng khi thị trường phục hồi, sóng mới sẽ xuất hiện.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 1/12 - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Không riêng gì chị Ngọc, anh Minh Thành (hiện đang Vinhomes Smart Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang ráo riết tìm lô đất đẹp. Anh đặt mục tiêu sẽ mua lô đất đẹp, trước thời điểm tháng 3/2022. Anh Thành xác định, mua đất sớm để đợi chờ cơn sóng mới xuất hiện.

Là người đầu tư chứng khoán, anh Thành cho biết: “Ví dụ như đợt trước, cổ phiếu rớt giá mạnh. Những ai mua được lúc đáy thì đều đón được đợt sóng phục hồi mới. Với bất động sản, tôi nghĩ sẽ có sự tương đương. Chỉ cần mua rẻ hơn thị trường 20-30% thì đợi cơn sóng mới, giá chắc chắn sẽ lên”.

Theo bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield, “Bất động sản mang tính chu kỳ và mỗi chu kỳ đều có sóng. Nếu nắm bắt được chu kỳ thị trường, điều này sẽ giúp các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội. Giống như sự lặp đi lặp lại của các mùa, bất động sản sẽ dịch chuyển theo những biểu đồ mà nhà đầu tư có thể quan sát và dự đoán. Tuy nhiên, chu kỳ bất động sản thường không ổn định, và chịu ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới. Chính vì vậy, thị trường bất động sản chuyển động theo tốc độ riêng và đây chính là thách thức thực sự đối với các nhà đầu tư”.

Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa, thời điểm hiện tại chưa phải là đáy của bất động sản. Sự khó khăn mới chỉ bắt đầu và hướng để thị trường vượt qua khó khăn đó cũng chưa thấy. Thị trường có giảm nhưng đa số là giảm lời.

Nhà đầu tư bất động sản: “Mấy tháng nay, tôi sống bằng tiền cầm sổ đỏ”

Đó là chia sẻ của anh M (Một môi giới kiêm nhà đầu tư lâu năm tại Đồng Nai). Do có dòng tiền mạnh, anh M đã dùng “tiền đẻ ra tiền” trong lúc thị trường BĐS đứng giao dịch. “Mấy tháng nay, tôi sống bằng tiền cầm sổ đỏ”, anh M thẳng thắn chia sẻ.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 1/12 - Ảnh 2
Nhiều nhà đầu tư đuối sức tài chính. (Ảnh minh hoạ)

Nghĩa là, nhà đầu tư này, thay vì để tiền sinh ra tiền từ BĐS như mọi khi thì hiện tại lại sống chủ yếu vào dịch vụ “cầm sổ đỏ”. Thị trường BĐS sụt thanh khoản, anh M môi giới và đầu tư khó khăn, nhưng đổi lại, anh vẫn có dòng tiền từ dịch vụ cầm sổ. Đây không phải lần đầu tiên anh M làm dịch vụ này. Cứ hễ thị trường BĐS đứng, anh lại sống ổn nhờ nghề “tay trái”. Điều này cho thấy, nhà đầu tư này có dòng vốn khá tốt.

Được biết, anh M cầm sổ cho nhà đầu tư khác vay tiền với mức lãi suất từ 3/5% thán, mức vay 50% giá trị sổ. “Nhiều người không vay được ngân hàng buộc phải vay theo hình thức cầm sổ dịch vụ này”, anh M cho hay.

Ghi nhận cho thấy, thị trường BĐS càng về cuối năm, càng thấy ảm đạm. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ không bán được hàng. Môi giới cũng xoay đủ cách để kiếm sống vì không có giao dịch. Những nhà đầu tư dòng vốn yếu, ôm nhiều BĐS chấp nhận bán tháo, bán lỗ. Tuy nhiên, để ra được hàng nhanh trong bối cảnh hiện nay cũng không dễ dàng. Trong khi, nhà đầu tư mạnh tài chính vẫn tiếp tục “nghe ngóng” để ôm hàng giá giảm sâu. Đó cũng là lý do, cung chưa gặp cầu, khiến thị trường BĐS vốn khó khăn lại càng ảm đạm hơn.

Xu hướng của thị trường BĐS năm 2023: Người mua nhà ngày càng thích đi xa?

Đó là nhận định của TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam. Vị chuyên này cho rằng, quan điểm mua nhà của khách hàng ngày càng khác. Thay vì ở trung tâm chật chội, giá cao, họ chấp nhận câu chuyện di chuyển xa nhưng đạt được các tiêu chuẩn sống.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 1/12 - Ảnh 3
Sau 11 tháng, kinh doanh BĐS có 8.202 DN thành lập mới. (Ảnh: AG) 

“Tại các khu lân cận TP.HCM như Đồng Nai, Long An, Bình Dương… xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm, vừa cung cấp được cho người dân địa phương, vừa có thể dành cho người làm việc ở TP.HCM. Các dự án nhà ở này có giá thành phù hợp cho khách hàng mua nhà ở thực. Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối được đầu tư mở rộng đã và đang tạo điều kiện cho xu hướng di dân cũng như quan điểm mua nhà của khách hàng ngày càng rõ nét hơn”, TS. Khương nhấn mạnh.

Ở khu vực phía Đông TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương hay khu Tây như Long An, Cần Thơ… xu thế giãn dân của TP.HCM ngày càng tăng. Các khu vực này có lợi thế về quỹ đất rộng, mặt bằng giá đất còn khá thấp, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông đang trở thành “thỏi nam châm” thu hút nhu cầu mua BĐS ở thực hoặc đầu tư lâu dài.

Theo các chuyên gia, hạ tầng ngày càng kết nối tốt và tiện ích khép kín tại các KĐT quy mô đang là "chất xúc tác" để kéo nhu cầu từ các TP lớn đổ về. Đây dự báo sẽ là xu hướng của TT BĐS năm 2023 và các năm tới.

Tín hiệu lạc quan cho ngành kinh doanh bất động sản

Số liệu của Bộ KH&ĐT cho thấy, sau 11 tháng, ngành kinh doanh bất động sản (BĐS) đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn gần 4,19 tỷ USD, chỉ đứng sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Sau 11 tháng, kinh doanh BĐS có 8.202 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, 1.081 DN giải thể. So với cùng kỳ năm 2021, kinh doanh bất động sản có 6.713 DN thành lập mới, 751 giải thể. Cùng kỳ năm 2020, kinh doanh bất động sản 6.087 DN, 885 DN giải thể.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 1/12 - Ảnh 4
Ngành kinh doanh bất động sản (BĐS) đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn gần 4,19 tỷ USD. 

Từ số liệu này có thể thấy, dù thị trường đang trầm lắng bởi dòng tiền trục trặc, nhiều DN đã cắt giảm nhân sự, tinh gọn bộ máy để "cầm hơi", song, như nhiều chuyên gia đã nhận định, thị trường vẫn dành cơ hội cho những DN có tiềm lực và kế hoạch tài chính dài hạn.

Trao đổi về vấn đề nhiều doanh nghiệp ngành BĐS vẫn được thành lập dù thị trường đang trầm lắm, ông H.N, chuyên gia BĐS độc lập cho biết, thị trường đang rất trầm lắng, giao dịch "xuống đáy", sản phẩm nhiều nhưng ít người mua.

Tuy nhiên, đối với BĐS, đây vẫn là kênh đầu tư được ưu tiên hàng đầu bởi tính an toàn và lợi nhuận. Lợi nhuận từ BĐS cao chính là sức hấp dẫn khiến nhiều DN trong lĩnh vực này được thành lập.

"Nhà đầu tư, khách hàng có tiền nhàn rỗi mua một mảnh đất rồi để đó vài năm là có thể sinh lời. Việc sinh lời từ BĐS hấp dẫn hơn rất nhiều so với ngành nghề khác. Mà như chúng ta thấy, ở thời điểm này, giá bất động sản vẫn không hề giảm, nhất là ở phân khúc căn hộ...", ông H.N nói.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 1/12. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới