Chủ nhật, 24/11/2024 07:30 (GMT+7)
Thứ tư, 30/11/2022 17:03 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 30/11

Theo dõi KTMT trên

Giá nhà sơ cấp tăng cao nhưng ế khách; Câu cửa miệng của nhà đầu tư bất động sản lúc này: “Hết tiền rồi, đừng gọi anh nữa!”; Doanh nghiệp bất động sản nỗ lực ra phương án xử lý trái phiếu đến hạn... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Giá nhà sơ cấp tăng cao nhưng ế khách

Giữa quý cuối năm, giá nhà sơ cấp phía Nam tăng 4-10% so với đầu năm, song thanh khoản giảm 60-90%.

Báo cáo mới nhất của DKRA Việt Nam cho biết, tháng 10, giá bán căn hộ trên thị trường sơ cấp khu vực phía Nam (thị trường chủ lực gồm TP.HCM, Bình Dương, Long An) tăng 4-10% so với đợt mở bán trước (tức đầu năm nay). Đối với phân khúc nhà liền thổ (nhà phố và biệt thự thuộc các dự án) giá bán cũng neo cao trong tháng 11 sau khi đã tăng mạnh hồi quý III.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 30/11 - Ảnh 1
Thị trường nhà liền thổ và căn hộ khu đông TP.HCM. (Ảnh: Quỳnh Trần)

Chỉ số giá bất động sản của Savills (SPPI) vừa công bố cũng cho hay, quý vừa rồi, chỉ số giá nhà ở tại TP.HCM đạt 130 điểm, tăng 1 điểm theo quý, đến từ việc giá sản phẩm hạng B (trung cấp) tại quận 9 tăng 13% và Nhà Bè tăng 5%. Nhà ở phân khúc này có giá cao nhất là 10 tỷ đồng một căn trong khi nhà hạng A (cao cấp) ghi nhận mốc 30 tỷ đồng một căn.

Thông tin từ báo chí cho biết, đến tháng 11, giá bán nhà sơ cấp neo cao nhưng các chủ đầu tư chiết khấu phổ biến hơn trước, có nơi chiết khấu 40-50% cho trường hợp thanh toán nhanh căn hộ và nhà liền thổ đã hết hạn trong tháng 10. Hiện giá bán căn hộ tại quận 2 cũ (TP.Thủ Đức) thuộc phân khúc cao cấp trong rổ hàng mới đều có giá tăng 5-8% so với hàng cũ trên cùng địa bàn.

Ở phân khúc nhà liền thổ, rổ hàng sơ cấp chào bán tại quận 9 cũ (TP.Thủ Đức) ghi nhận mốc 18 tỷ đồng một căn, chiết khấu thanh toán nhanh 18%. Shophouse tại quận 2 cũ tiếp tục bán giá 360 triệu đồng một m2. Dinh thự hạng sang tại một dự án 26,7 ha thuộc khu đô thị tại phường Long Bình TP.Thủ Đức có giá bán 250-700 tỷ đồng một căn.

Câu cửa miệng của nhà đầu tư bất động sản lúc này: “Hết tiền rồi, đừng gọi anh nữa!”

Từ đầu năm 2022, thị trường bất động sản đột ngột rơi vào trầm lắng, thanh khoản sụt giảm mạnh. Nguyên nhân tới từ việc các chính sách tiền tệ như tín dụng ngân hàng, trái phiếu đang bị kiểm soát chặt chẽ. Cùng đó, lãi suất ngân hàng liên tục tăng cao trong thời gian gần đây khiến thị trường bất động sản “khó chồng khó”.

Theo đó, hoạt động môi giới bất động sản gặp nhiều khó khăn. Các môi giới cũng sử dụng nhiều cách để tìm kiếm khách hàng. Song, cũng chỉ nhận được những lời than vãn “hết tiền” từ các nhà đầu tư.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 30/11 - Ảnh 2
Hoạt động môi giới bất động sản gặp nhiều khó khăn khi thị trường bất động sản đột ngột rơi vào trầm lắng. (Ảnh minh họa)

Anh Nguyễn Bách, chủ một phòng giao dịch bất động sản tại vùng ven Hà Nội cho biết, suốt 4 tháng nay, văn phòng anh trở nên vắng lặng, trái ngược với hoàn cảnh đầu năm. Nếu có khách ghé thăm, cũng chỉ nhờ anh bán mảnh đất đang nắm giữ.

“Đầu năm nay, văn phòng tôi lúc nào cũng nhộn nhịp, người tới mua nhiều hơn người bán. Thậm chí, có lúc nhà đầu tư còn trả thêm phí hoa hồng để chúng tôi tìm được mảnh đất ưng ý cho họ, nhưng giờ hoàn cảnh đã trái ngược. Người đến bán nhiều nhưng không có người hỏi mua”, anh Bách nói...

Thực tế, trong thời điểm thị trường bất động sản sôi động, nhiều nhà đầu tư đã đổ hết tài sản vào mua nhà đất, đến nay đã cạn dòng tiền đầu tư. Bên cạnh đó, việc thanh khoản khó cũng khiến nhiều người đang bị “chôn vốn”.

Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho biết, cả nước có 115.129 giao dịch thành công, tổng lượng giao dịch bằng khoảng 54% so với quý II/2022. Cụ thể, tại miền Bắc có 21.806 giao dịch; tại miền Trung có 18.789 giao dịch; tại miền Nam có 74.534 giao dịch.

Theo Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển, đa phần các nhà đầu tư Việt Nam rất khác các nhà đầu tư nước ngoài ở chỗ, họ thường muốn tối đa hóa tỷ suất lợi nhuận, có nghĩa họ thường bỏ hết tiền vào kênh mà họ thấy có lời nhiều nhất.

Rao bán cắt lỗ bất động sản nhưng thực chất nhiều nhà đầu tư chỉ đang cắt lãi

Thời gian qua, thị trường địa ốc rầm rộ rao bán cắt lỗ nhưng thực chất nhiều người chỉ đang cố tình theo "trend" cắt lỗ để bán hàng còn giá vẫn trên trời so với giá mặt bằng của thị trường.

Chị Minh Hằng (36 tuổi, Hà Nội) có hơn 5 tỷ đồng tiền nhàn rỗi và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản trong lúc thị trường xuất hiện cơ hội 10 năm có 1 lần.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 30/11 - Ảnh 3
Rao bán cắt lỗ bất động sản nhưng thực chất nhiều nhà đầu tư chỉ đang cắt lãi. (Ảnh minh họa)

Bạn bè chị khuyên rằng, nếu giờ có tiền thì nên đi tìm những sản phẩm hàng ngộp, cắt lỗ sâu và khi thị trường đi lên sẽ có lãi. Tuy nhiên, chị Hằng phải đảm bảo trong thời điểm đầu tư này không sử dụng đòn bẩy tài chính, nếu không lãi suất thời gian tới mà tăng lên thì sẽ gặp khó.

Thế nhưng, theo chia sẻ của chị Hằng, công cuộc đi “săn hàng” của chị không hề dễ dàng. Nếu như đứng ngoài cuộc nhìn vào thị trường thì cứ nghĩ rằng, các nhà đầu tư ôm hàng đang mong muốn thoát hàng bằng mọi cách, họ không ngần ngại giảm giá sâu, cắt lỗ mạnh để thu tiền về.

Thực tế, nhiều người chỉ đang cố tình theo trend cắt lỗ để bán hàng, rao bán chịu lỗ 10-20% nhưng thực chất giá vẫn trên trời so với giá mặt bằng của thị trường. Thậm chí, giá vẫn trên trời so với thời điểm người ta mua vào.

Doanh nghiệp bất động sản nỗ lực ra phương án xử lý trái phiếu đến hạn

Áp lực đáo hạn trái phiếu tiếp tục đè nặng lên các doanh nghiệp. Theo số liệu của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), đến năm 2023-2024 ước có khoảng 790.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. "Đây là điểm khác biệt "cần xử lý thỏa đáng", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho hay.

Thông tin về trái phiếu doanh nghiệp, mới đây ngày 14/11, Bộ Tài chính cũng cho biết, đối với doanh nghiệp phát hành phải có trách nhiệm tự cân đối dòng tiền để đảm bảo các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 30/11 - Ảnh 4
Doanh nghiệp bất động sản nỗ lực ra phương án xử lý trái phiếu đến hạn. (Ảnh minh họa)

“Trường hợp có khó khăn về tình hình tài chính thì phải chủ động xây dựng phương án trả nợ cụ thể và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo uy tín của doanh nghiệp như cơ cấu lại nợ, đàm phán hoán đổi trái phiếu, xử lý tài sản đảm bảo, thỏa thuận thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác của doanh nghiệp; trường hợp không thỏa thuận được sẽ xử lý theo quyết định của tòa án”, văn bản của Bộ Tài chính cho biết.

Cũng theo Bộ Tài chính, đối với các nhà đầu tư, khi doanh nghiệp phát hành có khó khăn về thanh toán, nhà đầu tư có thể chủ động làm việc với doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ để thỏa thuận thống nhất phương án xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành. “Các nhà đầu tư cần cẩn trọng để phân tích và phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt”, văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ.

Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp liên tục bất ổn. Đây là nguyên nhân khiến lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 3 quý đầu năm 2022 giảm mạnh, cùng với đó số lượng trái phiếu được doanh nghiệp mua vào trước hạn tăng mạnh.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 30/11. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới