Chủ nhật, 24/11/2024 09:33 (GMT+7)
Thứ hai, 23/05/2022 19:00 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 23/5

Theo dõi KTMT trên

Phát triển nhà ở xã hội, nhà giá rẻ: Thêm nhiều cơ hội để người lao động tiếp cận nhà ở; Phân loại biệt thự cổ để bảo tồn ở TP.HCM còn tùy hứng; Hà Nội mạnh tay thanh tra, xử lý hoạt động đấu giá đất… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Phát triển nhà ở xã hội, nhà giá rẻ: Thêm nhiều cơ hội để người lao động tiếp cận nhà ở

Nhà ở xã hội (NƠXH), nhà giá rẻ là phân khúc có nguồn cầu lớn trong khi nguồn cung luôn ở tình trạng khan hiếm, thiếu hụt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hàng loạt doanh nghiệp đã công bố kế hoạch xây dựng, phát triển NƠXH, nhà giá rẻ, mở ra nhiều cơ hội để người lao động có thể tiếp cận được nhà ở.

Số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây cho thấy, cả nước hiện hoàn thành 275 dự án NƠXH với quy mô khoảng 147.000 căn hộ. Bên cạnh đó, có 339 dự án đang được triển khai với quy mô khoảng 372.000 căn tương ứng với tổng diện tích khoảng 18.600.000 m2.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 23/5 - Ảnh 1
Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

Trong năm 2021, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 17 dự án NƠXH dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 27.800 căn, với tổng diện tích khoảng 1.400.000 m2 sàn xây dựng.

Tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 9 dự án NƠXH dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 4.900 căn, với tổng diện tích khoảng 246.000 m2 sàn xây dựng.

Từ những số liệu trên cho thấy, nguồn cung NƠXH, nhà giá rẻ, nhà ở cho công nhân, lao động thu nhập thấp còn rất hạn chế so với nhu cầu lớn của nhóm đối tượng này.

Trước thực trạng trên và nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngay sau đó, Bộ Xây dựng đã có các văn bản hướng dẫn các địa phương xây dựng, điều chỉnh Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở.

Mặt khác, hàng loạt các cơ chế, chính sách về đất đai, nhà ở, thuế, tín dụng để hỗ trợ phát triển các loại nhà ở vừa túi tiền, nhà giá rẻ chất lượng phù hợp cũng đã được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện, ban hành, áp dụng triển khai. Qua đó, mở ra thêm nhiều cơ hội tiếp cận được NƠXH, nhà giá rẻ, hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người lao động.

Theo giới chuyên môn, loại hình NƠXH giá thấp, vừa túi tiền mà doanh nghiệp đang phát triển sẽ khả thi khi triển khai xây dựng. Với những ưu đãi của pháp luật trong đầu tư xây dựng NƠXH cùng tiềm lực, sự tâm huyết muốn đóng góp cho xã hội của doanh nghiệp, hứa hẹn sẽ có những sản phẩm giá thành tốt và chất lượng phù hợp đáp ứng nhu cầu và khả năng của người lao động có thu nhập thấp đang có nhu cầu về nhà ở.

Phân loại biệt thự cổ để bảo tồn ở TP.HCM còn tùy hứng

Các chuyên gia cho rằng, công tác phân loại biệt thự cổ phục vụ mục đích bảo tồn tại TP.HCM hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập và không khoa học.

Tiến sĩ – Kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc tại TP. HCM, cho biết, khi xét duyệt biệt thự cần bảo tồn, phải xét duyệt theo cụm. Ví dụ, chọn một con đường, hay chọn địa bàn một quận rồi mới xét tổng thể cả khu vực. Sau đó chọn ra những trường hợp đặc biệt để dành thời gian nhiều hơn xét duyệt qua những vòng đánh giá.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 23/5 - Ảnh 2
Được xếp vào nhóm 1 để bảo tồn, hiện tại biệt thự 115 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP. HCM, đang bị bao vây bởi hàng quán, chỉ thấy được tầng trên. (Ảnh: Hữu Huy)

“Tuy nhiên hiện nay, việc phân loại biệt thự cổ tại TP. HCM lại được xét duyệt một cách rải rác, nghĩa là chọn một cách tùy hứng, một con đường 1-2 căn, một khu vực 1-2 căn. Những căn biệt thự này không có sự liên kết, không liên quan gì với nhau. Cách xét duyệt bảo tồn biệt thự tại TP. HCM bây giờ rất không khoa học”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.

Cũng theo KTS Nam Sơn, việc bảo tồn biệt thự cổ ở TP. HCM cũng chưa đi kèm một kế hoạch khả thi như bảo tồn phải đi kèm với quy hoạch. Bên cạnh đó, công tác phân loại biệt thự tại TP. HCM cũng tồn tại nhiều bất cập.

“Ngay cả danh sách phân loại biệt thự mà đang nộp lên UBND TP. HCM, tôi có xem qua thì phát hiện nhiều công trình không đáng để phải bảo tồn nguyên trạng theo kiểu di tích (nhóm 1). Rất nhiều biệt thự trong danh sách nộp lên UBND TP thuộc vào loại có thể bảo tồn một phần (nhóm 2). Tôi thấy có sự tắc trách trong vấn đề này”, KTS Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ.

Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP. HCM, cho rằng, Thành phố cần xem lại cách bảo tồn biệt thự cổ. Cụ thể, phải phân loại tốt hơn, phải phân biệt rõ chỉ nên giữ lại những biệt thự nào có mặt độc đáo về mặt lịch sử, hoặc những biệt thự đại diện cho một phong cách kiến trúc, hoặc gắn liền một sự kiện lịch sử.

“Nếu giữ tất cả biệt thự cổ thì rất khó, khó cho cả dân, còn về phía nhà nước thì chưa có kinh phí để hỗ trợ bảo tồn”, PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa nói.

Theo chuyên gia Nguyễn Minh Hòa, nếu muốn công trình biệt thự cổ nào đó là di sản để bảo tồn thì phải đưa nó vào hoạt động thực tế, còn gọi là “di sản sống”.

“Bây giờ đưa ra quy định, căn biệt thự cổ không được sửa chữa, phải giữ nguyên trạng để bảo tồn nhưng cũng chẳng biết làm sao để sinh ra lợi ích kinh tế để “nuôi” cái di sản đó. Cho nên rất khó khăn cho người dân. Tôi thấy chúng ta cần học tập kinh nghiệm ở Hội An. Ở đó, họ kết hợp nhà nước và nhân dân cùng làm. Đó là cả sự đầu tư, còn phần mình (TP. HCM) thì chỉ đưa ra một danh sách rồi không cho dân được cải tạo, sửa chữa, xây mới, cũng không khai thác, rất không hữu ích, trên thế giới người ta không làm như thế”, PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa nêu quan điểm.

Quy định xét cấp sổ đỏ đất khai hoang

Ông Hoàng Văn Bàn (Phú Thọ) khai phá thửa đất 500m2 từ năm 1979. Năm 1987, Nhà nước lập bản đồ 299 xác định loại đất là đất lâu năm. Năm 1996 lập hồ sơ địa chính, ông Bàn được ghi tên vào Sổ mục kê. Nay ông đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì trường hợp của ông áp dụng Khoản 5, Điều 20 hay Khoản 3, Điều 22 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP?

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 23/5 - Ảnh 3
Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:

Tại Điều 20, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất và không vi phạm pháp luật đất đai.

Điều 22, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định về việc xử lý, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 1/7/2014.

Việc xác định người sử dụng đất có hay không có hành vi vi phạm pháp luật đất đai cần căn cứ vào thời điểm xảy ra hành vi, quy định pháp luật tại thời điểm xảy ra hành vi để xác định cụ thể. Đồng thời phải căn cứ vào các giấy tờ, sổ sách về quản lý đất đai do cơ quan Nhà nước lập trước thời điểm xảy ra hành vi để xác định cụ thể.

Do nội dung ông hỏi liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cụ thể thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương nơi có đất; do đó đề nghị ông liên hệ với cơ quan Tài nguyên và Môi trường nơi có đất để được hướng dẫn giải quyết bảo đảm phù hợp với thủ tục hành chính do địa phương ban hành.

Hà Nội mạnh tay thanh tra, xử lý hoạt động đấu giá đất

UBND TP. Hà Nội vừa yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện quy định pháp luật về đấu giá.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 23/5 - Ảnh 4
Đất đấu giá tại huyện Đan Phượng (Hà Nội) bị Bộ Tư pháp "tuýt còi" vì sai phạm.

Theo đó, UBND TP. Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành có liên quan tham mưu việc xác định giá khởi điểm quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản để đưa ra đấu giá, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, sát với giá thị trường.

Đồng thời, chủ động lấy ý kiến góp ý các sở, ngành có liên quan đối với phương án đấu giá quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản do Sở dự thảo để hoàn thiện trước khi trình UBND Thành phố ban hành.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật trong việc đưa quyền sử dụng đất ra đấu giá của UBND các quận, huyện, thị xã. Việc tổ chức xác định giá khởi điểm, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm, tiếp tay, bao che đối với vi phạm về thẩm định giá, đấu giá.

Đối với Sở Tư pháp, UBND TP. Hà Nội yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố. Cùng đó, cung cấp thông tin về tổ chức hành nghề đấu giá đến các cơ quan, đơn vị liên quan để phối hợp, theo dõi, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động đấu giá tài sản theo thẩm quyền.

Đặc biệt, Sở tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn thành phố. UBND Thành phố chỉ đạo Sở Tài chính kịp thời kiểm tra hoạt động thẩm định giá tài sản; quy trình, quy chuẩn tổ chức định giá của các tổ chức, doanh nghiệp thẩm định giá trên địa bàn thành phố; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát quy định của pháp luật về xác định giá để làm giá khởi điểm đối với tài sản đấu giá là tài sản công; bảo đảm giá khởi điểm của tài sản đấu giá sát với giá thị trường.

Công an Thành phố và Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố tăng cường nắm tình hình, kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động đấu giá tài sản công giá trị lớn, quyền sử dụng đất nhằm trục lợi.

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước UBND Thành phố trong tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản công trên địa bàn theo thẩm quyền.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 23/5. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới