Chủ nhật, 24/11/2024 08:06 (GMT+7)
Thứ tư, 25/05/2022 18:50 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 25/5

Theo dõi KTMT trên

Khánh Hòa chỉ đạo 'nóng' việc xếp hàng xuyên đêm để làm hồ sơ đất đai; Giá đất ven đô lại "nhảy múa" ăn theo quy hoạch đường Vành đai 4; Bùng nổ các dự án nghìn tỷ ở Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Khánh Hòa chỉ đạo 'nóng' việc xếp hàng xuyên đêm để làm hồ sơ đất đai

Trước tình trạng người dân đứng xếp hàng xuyên đêm để có thể lấy số làm hồ sơ đất đai, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu Văn phòng Đăng ký đất đai Khánh Hòa khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ nguyên nhân.

Theo thống kê trên phần mềm Một cửa điện tử từ ngày 1/1- 26/4/2022, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tại huyện Cam Lâm (Chi nhánh Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) đã tiếp nhận 17.013 hồ sơ đăng ký biến động và 5.461 hồ sơ đo đạc tách thửa. Số lượng hồ sơ tiếp nhận này đã tăng cao hơn so với số lượng hồ sơ tiếp nhận cùng kỳ năm ngoái là 155% đối với hồ sơ biến động và 257% đối với hồ sơ đo đạc, tách thửa.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 25/5 - Ảnh 1
Trong tháng 3 và tháng 4 của năm 2022, Chi nhánh Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) đã tiếp nhận và giải quyết số lượng hồ sơ đất đai cao gấp hai, thậm chí gấp ba lần so với lượng hồ sơ của những tháng trước đó. (Ảnh minh họa)

Đáng chú ý, trong tháng 3 và tháng 4 của năm 2022, Chi nhánh Cam Lâm đã tiếp nhận và giải quyết số lượng hồ sơ cao gấp hai, thậm chí gấp ba lần so với lượng hồ sơ của những tháng trước đó. Không những vậy, nhiều người dân còn đến xếp hàng từ sớm, thậm chí có trường hợp xếp hàng xuyên đêm để có thể lấy được số làm hồ sơ đất đai, khiến dư luận hoang mang.

Giải thích về việc này, Sở Tài Nguyên & Môi Trường Khánh Hòa cho biết, việc tăng đột biến số lượng hồ sơ đất đai là do người dân nắm được thông tin về việc Nhà nước chủ trương, định hướng phát triển quy hoạch huyện Cam Lâm thành Khu đô thị sân bay hiện đại, đẳng cấp quốc tế trong tương lai, vì thế nhiều người sử dụng đất lo lắng rằng diện tích đất của hộ gia đình, cá nhân có thể nằm trong ranh giới quy hoạch của khu đô thị sân bay.

Giá đất ven đô lại "nhảy múa" ăn theo quy hoạch đường Vành đai 4

Sau thông tin quy hoạch đường Vành đai 4, giá bất động sản tại nhiều khu vực ven đô của Hà Nội đã tăng giá mạnh, nhiều nhà đầu tư đổ xô đi tìm kiếm đất. Mặc dù Vành đai 4 chưa triển khai nhưng giá đất quanh khu vực này đã tăng khá mạnh.

Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, hiện tượng tăng giá đất, thậm chí "sốt giá" đã xảy ra từ cuối năm 2021. Trong đó, giá đất nền tại một số địa phương có mức ghi nhận tăng cao như ở các vùng ven đô Hà Nội như: Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (tăng 45%), một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình (tăng 46%), Bắc Ninh (tăng 20%), Hưng Yên (tăng 26%)… Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, mua đất ăn theo quy hoạch có thể gặp nhiều rủi ro.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 25/5 - Ảnh 2
Môi giới hét giá tiền tỷ mảnh đất quê. (Ảnh: Anh Tú)

Dự án đầu tư xây dựng tuyến Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội theo phương thức PPP có điểm đầu tại Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội); điểm cuối trên đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Tổng chiều dài dự án đầu tư xây dựng tuyến Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là 111,2 km, trong đó đoạn đi qua TP Hà Nội dài 58,2 km (đi qua 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông).

Ông Nguyễn Văn Đính, Hội môi giới bất động sản cho rằng, có sự bùng nổ về giá ở một số khu vực khi có thông tin về quy hoạch nhưng mà tất cả những điều đó chỉ mang tính tận dụng, lợi dụng thông tin để đẩy “sóng” thị trường lên và những điều đó không phải là sự thật.

Những nhà đầu tư khi xuống tiền mua BĐS ở những khu vực này trước đó đều muốn có lãi, sản phẩm thanh khoản tốt nhưng cuối cùng không thanh khoản được, tìm cách “cắt lỗ” nên lâm vào tình cảnh khá thê thảm.

Vì thế, khi có thông tin liên quan đến quy hoạch ở những khu vực này sẽ có một số đối tượng lợi dụng để “kích sóng” nhằm tạo “sóng mới” trong khi bản chất là thông tin cũ. Và chỉ có những nhà đầu tư lẻ tẻ, thiếu chuyên nghiệp, chưa bị va vấp bị dính vào.

Bùng nổ các dự án nghìn tỷ ở Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ

Cùng với thông tin lên thành phố, việc các doanh nghiệp lớn đổ vốn làm loạt siêu dự án từ vài nghìn đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí cả tỷ USD tại các địa phương giúp BĐS huyện Bình Chánh, Củ Chi và Cần Giờ 'dậy sóng'.

Khác với định hướng lên quận như Nhà Bè và Hóc Môn, ba huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi đều định hướng phát triển lên thẳng thành phố trong giai đoạn tới.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 25/5 - Ảnh 3
Ba huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi ở TP.HCM muốn lên thẳng thành phố.

Các huyện đều có vị trí cửa ngõ thành phố, kết nối các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ. Đồng thời, đây cũng là ba địa phương có diện tích lớn nhất tại TP.HCM, lần lượt là Cần Giờ (705,2 km2), Củ Chi (435 km2) và Bình Chánh (253 km2).

Hiện tại, Bình Chánh là địa phương đạt nhiều tiêu chí lên quận/thành phố nhất với 26/30 tiêu chí, Củ Chi 23/30, Cần Giờ đạt 19/30. Những năm qua, ba huyện có tốc độ đô thị hoá nhanh, với nhiều khu đô thị, hạ tầng, tuyến cao tốc đã và đang hình thành.

Tại Bình Chánh, dòng vốn chảy vào các dự án hạ tầng trọng điểm đến nay ước chừng khoảng 5 tỷ USD. Đơn cử như dự án Metro 3A Bến Thành - Tân Kiên 68.000 tỷ đồng, QL50 gần 1.500 tỷ đồng; mở rộng QL1A quy mô 3.353 tỷ đồng; đại lộ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh;...

Ngoài ra còn có cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận hơn 22.000 tỷ đồng; tuyến buýt nhanh BRT số 1 trị giá gần 3.300 tỷ đồng;...

Với Cần Giờ, những năm qua TP.HCM cũng tập trung thu hút đầu tư vào hạ tầng huyện. Một số công trình đã và sắp đi vào hoạt động như tuyến đường từ phà Bình Khánh về trung tâm thị trấn Cần Thạnh; cao tốc TP.HCM - Vũng Tàu; cao tốc Bến Lức - Long Thành qua Cần Giờ;...

Bên cạnh đó, loạt dự án được đề xuất đầu tư như cầu Cần Giờ và ba cây cầu khác trị giá 10.000 tỷ đồng (dự kiến khởi công năm 2024); cao tốc liên Vùng Phía Nam; đường nối đường Lương Văn Nho với đường Duyên Hải; đường nối đường Lương Văn Nho với đường Giồng Ao; đường và cầu liên xã Bình Khánh - An Thới Đông - Lý Nhơn - Long Hòa 1.800 tỷ đồng;...

Riêng tại huyện Củ Chi, ngoài các tuyến đường đã hoạt động như QL22, tỉnh lộ 2, 7, 8, 9,15; TP.HCM đang thúc đẩy khép kín Vành đai 3, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, khởi động đường ven sông Sài Gòn; mở rộng Tỉnh lộ 9 (đường Hà Duy Phiên) kết nối Bình Dương với Hóc Môn...

Đồng thời, nhiều chuyên gia cho rằng, Củ Chi cũng cần có đường kết nối xuyên suốt từ đông sang tây, hình thành các cảng và trung tâm logistics. Trung tâm này sẽ kết nối các khu công nghiệp của Bình Dương, Tây Ninh, Long An... và tạo dịch vụ hậu cần cho TP.

TP.HCM nghiên cứu phát triển đô thị khu vực quanh Tân Sơn Nhất

Văn phòng UBND TP.HCM vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố tới Sở Quy hoạch và Kiến trúc, UBND các quận Tân Bình, Gò Vấp, Tân Phú về việc định hướng quy hoạch phát triển đô thị khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 25/5 - Ảnh 4
Sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Hoàng Triều)

Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc chủ trì, phối hợp với UBND các quận và sở ban ngành liên quan nghiên cứu kết quả Hội thảo chuyên đề "Định hướng quy hoạch, quản lý đô thị cấp địa phương gắn với Mô hình Đô thị sân bay quốc tế - Áp dụng thí điểm cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất ", để xem xét các định hướng phát triển dài hạn đối với khu vực xung quanh sân bay này trong quá trình tổ chức lập và thẩm định đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Chủ tịch UBND TP.HCM giao các quận Tân Bình, Gò vấp, Tân Phú nghiên cứu các giải pháp phát triển đô thị xung quanh sân bay trong quá trình tổ chức lập điều chỉnh tổng thể các đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn quận. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các mô hình phát triển thương mại dịch vụ trên địa bàn quận phù hợp thực trạng phát triển kinh tế xã hội nhằm khôi phục phát triển kinh tế địa phương sau đại dịch Covid-19.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 25/5. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới